Báo chí Việt Nam mới đây đưa tin Nhà Xuất bản Giáo dục vào chiều 15-2 đã bác bỏ thông tin rằng họ đang chuẩn bị biên soạn 2 bộ sách giáo khoa riêng rẽ cho miền Bắc và miền Nam.
Trả lời phỏng vấn trên các báo, ông Vũ Văn Hùng, Tổng giám đốc của nhà xuất bản, cho rằng đã có sự "hiểu nhầm".
Cùng lúc, một lãnh đạo khác của nhà xuất bản, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập, đã trả lời báo chí bằng văn bản chiều 15-2, cho rằng theo chủ trương về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đã được Quốc hội thông qua, sẽ có nhiều bộ SGK, và các nhà xuất bản, các tổ chức, cá nhân đều có quyền tham gia viết sách giáo khoa. Ông Tùng cho biết Nhà xuất bản Giáo dục hiện chuẩn bị để biên soạn được những bộ sách giáo khoa có nhiều bên trong xã hội tham gia.
"Việc chuẩn bị này được Nhà xuất bản tiến hành ở các cơ sở khác nhau của Nhà xuất bản, như miền Bắc, miền Nam, và có thể ở miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long. Đây chỉ là các địa điểm tổ chức bản thảo bộ sách của Nhà xuất bản", ông Tùng nói.
Trước đó, ngày 14/2, nhiều báo và trang tin điện tử Việt Nam đã đưa tin “Năm 2016, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ hoàn tất các điều kiện biên soạn 2 bộ sách giáo khoa miền Bắc- miền Nam”.
Trang web của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) là một trong những trang đưa tin sớm nhất. Họ cho biết “Nhiệm vụ trọng tâm được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đặt ra trong năm 2016 có việc: Chuẩn bị tốt mọi điều kiện để sẵn sàng tổ chức biên soạn đồng thời 2 bộ sách giáo khoa miền Bắc và miền Nam.” Tin của VOV sau đó đã được nhiều tờ báo, trang tin khác đưa lại.
Ngay sau khi Nhà xuất bản Giáo dục bác bỏ thông tin về kế hoạch soạn 2 bộ sách riêng biệt, VOV và báo Nhân Dân điện tử, hai cơ quan báo chí chính thống lớn của nhà nước Việt Nam, đã đăng bài khẳng định “những phản bác này không thuyết phục so với những tài liệu do chính họ [Nhà xuất bản Giáo dục] đã công bố”.
Sau khi thông tin trên được báo chí đăng tải, dư luận xã hội đã bày tỏ nhiều ý kiến khác nhau, nhất là trên các trang mạng xã hội, trong đó có nhiều quan điểm không đồng tình. Có thể phân ra hai luồng ý kiến chính, một bên đồng tình cần có hai bộ sách vì trước đây các sách do miền Bắc soạn không phù hợp với người miền Nam, một bên cho rằng không nên có sự phân biệt, chia rẽ vùng miền.
Đây không phải lần đầu tiên có những thông tin trái ngược nhau từ chính cơ quan có thẩm quyền về đổi mới sách giáo khoa Việt Nam. Hồi tháng 9/2014, báo chí Việt Nam đưa tin một đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo trước một ủy ban của Quốc hội rằng đề án đổi mới sách giáo khoa cần 34.000 tỷ đồng để thực hiện. Thông tin này đã dẫn đến nhiều ý kiến ngờ vực và phê phán trong dư luận và trên mạng xã hội Việt Nam.
Đến tháng 4/2015, tin tức cho biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông với kinh phí là gần 780 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều con số 34.000 tỷ.
Theo quyết định, chương trình và sách giáo khoa mới sẽ được áp dụng đại trà từ năm học 2018-2019.
Theo VOV, Nhan Dan, Vietnamplus, VNExpress.