Sơ lược quá trình hoạt động của ông Chuck Hagel
Sơ lược quá trình hoạt động của ông Chuck Hagel:- Chủ tịch nhóm soạn chính sách công Atlantic Council.
- Đồng Chủ tịch Ủy ban Tư vấn Tình báo của Tổng thống.
- Thượng nghị sĩ Cộng hòa (1997-2009) đại diện tiểu bang Nebraska.
- Phục vụ trong chiến tranh Việt Nam, được thưởng Chiến thương Bội tinh.
- Sinh năm 1946 tại Nebraska.
Một số người lo ngại rằng cái gọi là Hội Chứng Việt Nam, hậu quả chiến tranh Việt Nam – đối với hai ông Kerry và Hagel có thể ảnh hưởng tới các quyết định của hai ông trong vai trò mới, và qua đó ảnh hưởng tới đường hướng chính sách đối ngoại và quốc phòng của Mỹ trong 4 năm tới.
Câu chuyện Việt Nam do Hoài Hương phụ trách, tuần này xin gửi đến quý vị ý kiến của Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, một nhà đấu tranh cho dân chủ đang sống lưu vong tại Hoa Kỳ, về ý nghĩa của những chọn lựa nhân sự của Tổng Thống Obama, và hệ quả của các quyết định đó đối với các quan hệ Mỹ-Việt. Mời quý vị theo dõi câu chuyện sau đây giữa Giáo sư Đoàn viết Hoạt và Hoài Hương của Ban Việt ngữ VOA.
VOA: Thưa Giaó sư, Tổng Thống Obama vừa đề cử hai cựu chiến binh Mỹ vào các chức vụ quan yếu trong nhiệm kỳ Tổng Thống thứ nhì của ông. Ông Kerry thì đã được phê chuẩn tương đối khá dễ dàng để lên thay thế Ngoại trưởng Clinton; trong khi ông Chuck Hagel thì còn đang bị chất vấn, vậy xin Giaó sư nhận định về quyết định đó của Tổng Thống Obama. Sự chọn lựa đó nói lên điều gì về lập trường của nhà lãnh đạo Mỹ trước những thách thức toàn cầu mà Hoa Kỳ đang phải đối phó?
Giaó sư Đoàn Viết Hoạt: “Theo ý kiến của tôi thì trong nhiệm kỳ thứ 2, Ông Obama phải tập trung giải quyết những vấn đề còn lại của vùng Trung Đông và Hồi giáo. Từ nhiệm kỳ này là nhiệm kỳ chót của ông, thì chắc chắn là ông sẽ tập trung vào vấn đề đối ngoại và quốc phòng và vào khu vực Á Châu -Thái bình dương, đặc biệt là vùng Đông Nam Á, nơi đang có những tranh chấp rất là nguy hiểm với Trung Quốc tại vùng Biển Đông cũng như là tại vùng Hoa Đông với Nhật bản. Tôi nghĩ rằng việc bổ nhiệm hai vị này chắc chắn là nằm trong cái bối cảnh như vậy, và chắc chắn chúng ta sẽ nhìn thấy sự chuyển hướng này rõ ràng và mạnh mẽ hơn.”
VOA: Thưa Giáo sư, liệu kinh nghiệm chiến đấu của hai ông Kerry và Hagel tại Việt Nam sẽ ảnh hưởng như thế nào tới chính sách đối ngoại của Mỹ trong tương lai, trong bối cảnh như Giaó sư vừa nói, trong bối cảnh cuộc tranh chấp Biển Đông và Hoa Đông, nếu giả dụ chiến tranh xảy ra giữa các nước đang đòi chủ quyền các vùng biển này?
GS Đoàn Viết Hoạt: “Thưa, trên vùng Hoa Đông thì Mỹ với Nhật bản đã có một hiệp ước về quân sự rồi, vùng Biển Đông thì Mỹ và Philippine cũng đã có rồi, thành ra vấn đề còn lại là đối với Việt Nam, cho nên việc bổ nhiệm cả Bộ trưởng Quốc phòng lẫn Bộ trưởng Ngoại giao là hai cựu chiến binh tại cuộc chiến tranh trước đây với Việt Nam, hai người đã từng có những kinh nghiệm về vấn đề quân sự, tôi nghĩ rằng có ý nghĩa rất là lớn đối với quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc cũng như tham vọng của nước này ở Biển Đông. Giữa Mỹ và Việt Nam chưa có một quan hệ chiến lược như với Nhật bản và Philippine. Cho nên việc bổ nhiệm hai vị này có ý nghĩa đặc biệt đối với Việt Nam và Biển Đông.”
VOA: Thưa ông, xét quá trình của ông John Kerry, trước đây ông Kerry tham chiến tại Việt Nam, rồi ông tham gia phong trào phản chiến, rồi ông bắt tay với Thượng nghị sĩ John McCain để ủng hộ chính sách xích lại gần Hà Nội, và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, thì trong cương vị là người sẽ đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ, ông Kerry sẽ đối xử như thế nào với Việt Nam, nói cách khác, việc ông trở thành Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ có lợi hay không có lợi cho Việt Nam?
GS Đoàn Viết Hoạt: “Bây giờ Mỹ sẽ phải quan tâm rất nhiều đến quan hệ với Việt Nam. Để nối lại bang giao một cách chiến lược hơn thì chắc chắn là phải cần đến những người như ông Kerry, cũng như ông Hagel. Với chính sách của ông Obama, là không đặt nặng vấn đề giải quyết các tranh chấp bằng quân sự và chiến tranh, thì cả hai vị này đều có những kinh nghiệm và hiểu biết về quân sự để mà thực hiện một chính sách trong đó ngoại giao, giải quyết hòa bình sẽ là chính, nhưng mà quân sự vẫn là cái nền, vẫn là sức mạnh sẵn sàng ở đó. Hoa Kỳ cũng muốn gửi một thông điệp cho Bắc Kinh rằng Hoa Kỳ không muốn Trung Quốc lấn lướt các nước ở trong vùng, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, cho nên việc bổ nhiệm hai vị này, theo chúng tôi, rất có lợi cho quan hệ Việt-Mỹ, và nếu chính quyền ở Hà Nội biết lợi dụng thời cơ này để mà có những thay đổi quan trọng, đặc biệt liên hệ tới các vấn đề nhân quyền, và nới lỏng sự tự do cho dân chúng, thì quan hệ với Hoa Kỳ sẽ tốt đẹp trong 4 năm tới.”
VOA: Hình như cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ có bày tỏ quan ngại về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, vì trong quá khứ hình như Thượng nghị sĩ Kerry được coi là không mấy ủng hộ các nỗ lực của cộng đồng về vấn đề nhân quyền. Thưa Giaó sư nghĩ như thế nào về vấn đề này?
GS Đoàn Viết Hoạt: “Theo tôi hiểu thì ông Kerry không phải là không quan tâm tới vấn đề nhân quyền Việt Nam nhưng mà cái cách mà ông ấy muốn giải quyết thì nó có thể là nhẹ nhàng hơn chúng ta muốn. Cộng đồng hải ngoại chúng ta phải đặt vấn đề với ông Kerry một cách rõ ràng, mạnh mẽ hơn, cần có những cuộc tiếp xúc để đặt vấn đề nhân quyền và tự do như là một trong các điều kiện để mà tăng cường quan hệ, đặc biệt là quan hệ chiến lược. Cho tới nay, Hoa Kỳ chưa chấp nhận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, thì tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải áp lực chính phủ đặc biệt là ông Kerry, để tiếp tục giữ lập trường đó, ít nhất là cho đến khi các vấn đề nhân quyền được tôn trọng và tự do được cởi mở. Theo chúng tôi thì giai đoạn tới đây, Việt Nam cần phải thực hiện các cải cách chính trị theo hướng dân chủ hóa. Việc sửa đổi Hiến Pháp hiện nay thực sự chưa đáp ứng được điều đó, mặc dù có nới lỏng một chút nhưng thực chất vấn đề vi phạm nhân quyền vẫn sẽ còn trầm trọng. Theo chúng tôi thì đây là một dịp để cộng đồng hải ngoại gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Hà Nội bằng cách tiếp xúc ngay với ông Kerry, ngay khi ông mới nhậm chức để đặt vấn đề nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam.”
VOA: Nhưng làm sao có dân chủ hóa nếu vẫn tiếp tục duy trì điều 4 Hiến Pháp?
GS Đoàn Viết Hoạt: “Vâng, chính vì vậy mà chúng ta phản đối việc giữ điều 4 Hiến Pháp. Mà thực sự không phải riêng chúng ta ở hải ngoại mà trong các đóng góp ý kiến của rất nhiều trí thức ở trong nước hiện nay, đặc biệt là vừa rồi chúng ta thấy họ có một kiến nghị, không những yêu cầu bỏ điềuu 4 Hiến Pháp, chấp nhận đa đảng, mà họ còn đề nghị luôn một cái bản Hiến Pháp mới, thay đổi cả tên nước và thể chế, chấp nhận tổng thống chế và bầu cử tự do. Thành ra tiếng nói của chúng ta hiện nay không đơn độc. Vả lại những tiếng nói của chúng ta trước đây 10 năm có thể là trong nước chưa hưởng ứng, nhưng hiện nay tiếng nói của chúng ta với trong nước gần như là giống nhau. Thành ra đây là một cái dịp để chúng ta cộng hưởng hai tiếng nói vừa cộng đồng hải ngoại với tư cách người Mỹ gốc Việt, vừa là những người Việt Nam yêu dân chủ ở trong nước, chúng ta cần phải gửi chung một thông điệp đến cho ông Kerry. Riêng chúng ta ở đây, chúng ta phải cho ông Kerry cũng như chính quyền mới của Ông Obama biết rằng nhân dân Việt Nam, đặc biệt ở trong nước, đòi hỏi có dân chủ chứ không phải chỉ có tôn trọng nhân quyền. Hay nói cách khác, để có được nhân quyền thì phải có dân chủ. Tôi nghĩ rằng đó là cái thông điệp mà chúng ta cần phải gửi đến ông Kerry. ”
VOA: Trở lại quyết định bổ nhiệm của Tổng Thống Obama, những người chỉ trích hai ông Kerry và Hagel lo ngại rằng những vết thương về thể chất hay về tâm lý do đã trải qua thời gian tham chiến tại Việt Nam, có thể tác động tới cách làm quyết định của hai ông, có phải là họ lo ngại về cái gọi là hội chứng chiến tranh Việt Nam không, xin Giaó sư cho biết ý kiến về cái gọi là Vietnam syndrome đó?
GS Đoàn Viết Hoạt: “Vâng, theo tôi thì cái Vietnam syndrome hiện nay nó đã lỗi thời rồi, đặc biệt là với những người như ông Kerry hay ông McCain thì họ đã vượt qua được những cái đó để mà họ có thể tiến đến một giai đoạn đối ngoại đối với những nước như Việt Nam. Đối với Việt Nam thì đó có thể là một vết thương đặc biệt đối với các nhà lãnh đạo ở Hà Nội. Chúng tôi nhìn thấy đó là những vết thương còn sâu đậm ở những nhà lãnh đạo ở Hà Nội nhiều hơn là ở các chính trị gia và những nhà lãnh đạo ở Mỹ, bởi vì ở Mỹ họ tự do, và chúng ta ở đây chúng ta biết chúng ta dễ dàng vượt qua những cái đó. Cho nên theo tôi nghĩ thì đấy là vấn đề của lãnh đạo ở Hà Nội, nhiều hơn là ở những nhà chính trị ở Mỹ. Thứ hai, tôi nghĩ rằng là giai đoạn hiện nay thì cái vấn đề tự do dân chủ là tiếng nói mạnh mẽ đang ở trong nước, cho nên chính người dân ở trong nước, đặc biệt những người hiểu biết, những trí thức và giới trẻ họ không nghĩ đến chiến tranh, họ nghĩ đến hòa bình và họ nghĩ đến dân chủ và phát triển, thì tôi nghĩ rằng đấy là những tiếng nói mà ông Kerry chắc chắn phải nghe thấy. ”
Thưa quý vị, đó là ý kiến của Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, một nhà đấu tranh dân chủ hóa đất nước đang sống lưu vong ở Hoa Kỳ, về quyết định của Tổng Thống Obama chọn hai cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam vào các chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng trong nhiệm kỳ Tổng Thống thứ nhì của ông. Giaó sư Đoàn Viết Hoạt là một nhà đấu tranh cho dân chủ đã từng bị Hà Nội bỏ tù nhiều năm, trước khi được phóng thích và đoàn tụ với gia đình tại Hoa Kỳ.
‘Câu chuyện Việt Nam’ do Hoài Hương phụ trách đến đây đã kết thúc, mời quý vị đón nghe chương trình này, được phát thanh vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy mỗi tuần. Quý vị có thể bình luận về đề tài hôm nay, đọc các tin tức mới nhất, xem các phóng sự video, bình luận, và trao đổi với các độc giả khác trên trang web của chúng tôi ở địa chỉ www.voatiengviet.com hoặc trên các trang web xã hội Facebook, Twitter và Yahoo 360 plus. Hoài Hương xin cám ơn sự theo dõi của quý thính giả và xin hẹn gặp lại quý vị trong chương trình tuần sau.