Đường dẫn truy cập

Thông báo chính thức của Tòa Bạch Ốc về chuyến thăm của TT Obama


Tổng thống Obama bắt đầu chuyến thăm bằng một buổi lễ chính thức, sau đó sẽ mở một cuộc họp song phương với Chủ tịch nước Việt Nam.
Tổng thống Obama bắt đầu chuyến thăm bằng một buổi lễ chính thức, sau đó sẽ mở một cuộc họp song phương với Chủ tịch nước Việt Nam.

Văn phòng phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc vừa công bố một thông cáo báo chí về cuộc điện đàm chính thức dành cho báo chí của ông Ben Rhodes, Trợ lý Cố vấn An ninh Quốc gia đặc trách Thông tin Chiến lược, đại sứ Mike Froman, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ; ông Wally Adeyemo, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia đặc trách Kinh tế Quốc tế và ông Dan Kritenbrink, Giám đốc Á châu vụ tại Hội đồng An ninh Quốc gia về chuyến thăm của Tổng thống đến Việt Nam và Nhật Bản.

Sau đây là trích đoạn những phần nói về chuyến thăm Việt Nam.

Ông Ben Rhodes:

"Trước tiên, tôi xin nói ngay rằng chuyến đi này theo tôi tiếp tục chứng tỏ và nâng cao trọng điểm mà Tổng thống nhắm vào khu vực châu Á Thái Bình Dương. Việc tái quân bình châu Á đã là mục tiêu trung tâm của chính sách ngoại giao và kinh tế rộng lớn hơn của Tổng thống, bắt nguồn từ sự tin tưởng của chúng ta rằng thị trưởng mới nổi lên lớn nhất thế giới là cấp thiết cho sự thịnh vượng trong tương lai của chúng ta và cũng là trọng điểm cho toàn bộ những lợi ích an ninh quốc gia cấp thiết của Hoa Kỳ.

Đặc biệt, chuyến đi này nêu bật cả mối quan hệ hợp tác đang trỗi dậy của Hoa Kỳ với Việt Nam đã nẩy nở bằng những bước lớn kể từ khi bắt đầu tiến trình bình thường hóa quan hóa nhưng sẵn sàng được nâng cao lên một mức mới – liên minh Hoa Kỳ-Nhật Bản dĩ nhiên là nền tảng của đường lối chúng ta hướng tới an ninh và ổn định ở châu Á và dĩ nhiên, khối G7, một trong những diễn đàn chính nơi chúng ta giải quyết các vấn đề quốc tế.

Tôi nghĩ điều nổi bật về chuyến đi, và quý vị sẽ thấy trong lịch trình, là nó nói lên tầm rộng lớn của việc giao tiếp của chúng ta với những nước này ở điểm là chúng ta đang giải quyết những vấn đề an ninh và chiến lược; chúng ta đang giải quyết những vấn đề thương mại và kinh tế quan trọng; trong đó có sự kiện là cả hai nước này đều là một phần trong TPP; và những trao đổi giữa nhân dân hai nước đang ngày càng nhiều hơn.

Rõ ràng, còn có một khối lượng lịch sử đáng kể giữa Hoa Kỳ và Việt Nam và giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản mà chúng ta sẽ đề cập đến sau. Nhưng tôi nghĩ rằng phẩm chất các mối quan hệ của chúng ta với cả Việt Nam lẫn Nhật Bản chứng tỏ chúng ta đã đi xa đến mức nào, từ một quá khứ khó khăn, trong việc thiết lập những mối quan hệ xây dựng đem lại lợi ích cho nhân dân Hoa Kỳ và Việt Nam, cũng như cho nhân dân Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Vậy là phái đoàn sẽ rời Hoa Kỳ vào chiều ngày 21 tháng 5 và đến Việt Nam đêm 22 tháng 5. Và chương trình chính thức ở Việt Nam sẽ bắt đầu tại Hà Nội vào ngày 23 tháng 5. Tổng thống sẽ bắt đầu chuyến thăm bằng một buổi lễ chính thức, sau đó sẽ mở một cuộc họp song phương với Chủ tịch nước Việt Nam. Tiếp theo cuộc họp song phương đó, hai nhà lãnh đạo sẽ mở một cuộc họp báo chung.

Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Việt Nam sẽ mở một cuộc họp báo chung. (Ảnh tư liệu)
Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Việt Nam sẽ mở một cuộc họp báo chung. (Ảnh tư liệu)

Sau đó, chúng tôi dự kiến Tổng thống sẽ có cơ hội giao tiếp với tân Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Ông sẽ chủ trì một bữa tiệc chính thức ở Việt Nam và sau đó sẽ họp với Thủ tướng Việt Nam. Tiếp theo, ông sẽ có một cuộc họp song phương với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Như vậy loạt hội kiến song phương này theo tôi chứng tỏ tầm rộng lớn của sự giao tiếp của chúng ta với phía Việt Nam. Chúng tôi trông đợi sẽ có một nghị trình rất đầy đủ bao gồm nhiều vấn đề, kể cả công cuộc hợp tác mà chúng ta đã theo đuổi để hoàn tất các cuộc thương nghị về TPP; các nỗ lực đáng kể của chúng ta nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại lớn hơn có lợi cho sự tăng trưởng và tạo dựng công ăn việc làm ở cả hai nước chúng ta; cuộc thảo luận mà chúng ta đã có về các vấn đề an ninh khu vực, cả song phương lẫn thông qua ASEAN, đề cập đến nhiều vấn đề bao gồm hợp tác trong các lãnh vực như an ninh hàng hải và đáp ứng thiên tai; và cam kết của chúng ta trong việc giải quyết êm thắm các tranh chấp trong khu vực; và những mối quan hệ và hợp tác đang nẩy nở và tăng trưởng giữa nhân dân hai nước trong những lãnh vực như giáo dục và kinh doanh.

Vậy là chúng ta sẽ có một lịch trình làm việc rộng lớn với phía Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ điều chúng ta muốn chứng tỏ qua chuyến thăm này là một sự nâng cấp quan trọng trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong tư cách đối tác về nhiều vấn đề, ngay cả trong khi chúng ta có những lãnh vực bất đồng, mà đó là trường hợp sẽ tiếp tục xảy ra.

Vào ngày 24 tháng 5, Tổng thống sẽ mở cuộc gặp gỡ với các thành viên xã hội dân sự Việt Nam cũng giống như ông đã có ở các nước trên khắp thế giới. Ông luôn luôn muốn tận dụng cơ hội gặp gỡ cả các đại diện chính phủ lẫn các đại diện xã hội dân sự. Việc này cũng sẽ đem lại cho ông một cơ hội để tái khẳng định sự cam kết của ông đối với nhân quyền và quản trị gồm mọi thành phần ở Việt Nam, như chúng ta làm ở các nước trên khắp thế giới. Do đó ông sẽ có cơ hội nghe ý kiến và những mối quan ngại của xã hội dân sự và chia sẻ cảm tưởng riêng của chính ông.

Tiếp theo đó, Tổng thống sẽ đọc một bài phát biểu với dân chúng Việt Nam, một lần nữa cũng như ông đã làm ở nhiều nước. Đây là một cơ hội theo tôi để Tổng thống dừng lại và suy ngẫm về tiến bộ to lớn đã đạt được trong hai thập niên vừa qua trong việc thúc đẩy bang giao song phương Việt Mỹ.

Trọng điểm sẽ nhắm nhiều vào mối quan hệ song phương, về các lãnh vực hợp tác, về triển vọng tương lai mà ông đặt vào bang giao Việt-Mỹ. Và dĩ nhiên, sẽ có những lãnh vực bất đồng, nhưng chúng ta sẽ giải quyết những bất đồng một cách lịch sự. Và nói thẳng ra, có một mối quan hệ mới và rộng lớn hơn theo tôi sẽ đem lại cho chúng ta cơ hội rộng lớn hơn để có một cuộc đối thoại trang trọng – một lần nữa cả về những lãnh vực lợi ích chung lẫn những lãnh vực vẫn còn có bất đồng.

Tiếp theo bài phát biểu đó, tổng thống sẽ rời Hà Nội đi thành phố Hồ Chí Minh. Đến thành phố Hồ Chí Minh ông sẽ đi thăm Chùa Ngọc Hoàng để tưởng nhớ và tỏ lòng ngưỡng mộ các truyền thống văn hóa của Việt Nam. Sau khi thăm chùa, ông sẽ có một sự kiện tập trung vào cả các quan hệ thương mại lẫn kinh doanh. Ông sẽ gặp một số doanh gia trẻ của Việt Nam đang làm công tác quan trọng, và sau đó sẽ tham gia một cuộc thảo luận nêu cao lợi ích của TPP đối với cả hai nước, và khả năng của TPP thúc đẩy tăng trưởng và tạo dựng công ăn việc làm cùng những tiêu chuẩn cao về các vấn đề như lao động và môi trường.

Ngày 25 tháng 5, Tổng thống sẽ chủ tọa một cuộc hội thảo với các thành viên của Chương trình các nhà Lãnh đạo Trẻ Đông Nam Á. Chương trình được gọi tắt là YSEAL đã được phát động vài năm trước và đã phát triển bằng những bước nhảy vọt bao gồm sự tham gia của hàng ngàn người trẻ ở khắp 10 quốc gia trong khối ASEAN, kể cả sự tham gia của giới trẻ Việt Nam.

Như thế cũng giống như ở các nước khác như Myanmar, Malaysia, ông cũng sẽ có dịp nói chuyện và tiếp nhận các câu hỏi của giới trẻ Việt Nam. Theo tôi, chuyến thăm này dài một cách bất thường, ba ngày ở Việt Nam, đi thăm hai thành phố, đề cập đến mối quan hệ chiến lược, an ninh, kinh tế, giao tiếp giữa người dân mà chúng ta đang xây dựng, và làm cho chuyến đi này có tác dụng thực sự trong lịch sử bang giao Việt Mỹ.

Trợ lý Cố vấn An ninh Quốc gia đặc trách Thông tin Chiến lược Ben Rhodes.
Trợ lý Cố vấn An ninh Quốc gia đặc trách Thông tin Chiến lược Ben Rhodes.

Đại sứ Froman:

"Tôi xin nói đôi chút về Việt Nam.

Việt Nam với khối dân 90 triệu, tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng nhanh, một tầng lớp trung lưu dự kiến sẽ tăng gấp đôi từ 2014 đến 2020, và một điều chúng ta biết rõ là trong khi giới tiêu thụ trung lưu xuất hiện, thì họ muốn có thêm tất cả mọi thứ mà Hoa Kỳ ở vị thế tốt để sản xuất và xuất khẩu. Nhưng chúng ta đối mặt những rào cản đáng kể đối với những mặt hàng xuất khẩu đó.

Chẳng hạn, tại Việt Nam, số xe hơi xuất khẩu của Hoa Kỳ phải chịu khoản thuế 70%, khoản thuế cho xe gắn máy là 74%, và khoản thuế cho phụ tùng xe hơi là 32%. Các máy móc chế tạo ở Hoa Kỳ như thiết bị xây dựng chịu mức thuế cao tới 59%; thịt bò 34%, thịt gà 40%. Vậy là chúng ta phải đối mặt với những rào cản này khi đưa sản phẩm vào Việt Nam, và những khoản thuế này cần được hủy bỏ hay giảm xuống nhiều qua việc thực thi TPP.

Lý do vì sao điều đó quan trọng là vì thị trường của chúng ta vốn đã rất mở rộng. Chúng ta có những mức thuế áp dụng trung bình là 1,4% so với những mức tôi vừa kể. Chúng ta không dùng các luật lệ phi thuế khóa như một rào cản thương mại. Và TPP đem lại cho chúng ta một cơ hội để đánh đồng sân chơi cho các công nhân, các nông gia và các công ty của chúng ta ngõ hầu họ có thể đưa thêm các sản phẩm của họ vào thị trường đang tăng trưởng nhanh chóng này.

Tuy nhiên, ngoài vấn đề mức thuế, các rào cản phi thuế khóa là một tập hợp những luật lệ mà TPP đại diện. Đối với tài sản trí thức – những vấn đề như hàng giả hay bí mật thương mại. Những luật lệ quanh nền kinh tế kỹ thuật số, bảo đảm là Internet mở rộng và tự do và có luồng lưu thông tự do các dữ liệu xuyên qua biên giới. Những nghĩa vụ ngăn cản các chính phủ thay thế thuế bằng những hàng rào phi thuế. Các luật lệ bảo đảm các công ty quốc doanh có rất nhiều ở Việt Nam, phải cạnh tranh trên sân chơi bình đẳng với các công ty tư nhân của chúng ta, và các công ty tư nhân của chúng ta hiện nay có các chọn lựa nếu họ không làm như vậy.

Điều rất quan trọng là những vấn đề có liên quan đến lao động và môi trường. Việt Nam đã đồng ý cho phép các công đoàn độc lập có thể kiểm soát tài chính riêng, bầu người lãnh đạo riêng, tiến hành đình công, liên kết theo ý muốn, nhận sự trợ giúp của các tổ chức lao động ở bên ngoài. Họ đã đồng ý với 5 nguyên tắc cơ bản của ILO – quyền lập hội, quyền thương lượng tập thể, cấm lao động trẻ em và lao động cưỡng bách, cấm kỳ thị trong tuyển dụng. Họ đã đồng ý với các điều kiện làm việc hợp lý – có mức lương tối thiểu, luật lệ về giờ làm việc, điều kiện nơi làm việc an toàn. Và tất cả những nghĩa vụ theo TPP được thực thi đầy đủ, có nghĩa là sự tiếp cận với thị trường của chúng ta được gắn liền với việc họ tuân thủ các điều khoản này.

Về phía môi trường cũng thế. Việt Nam là một thị trường dành cho phần lớn công cuộc mua bán dã sinh bất hợp pháp trên khắp thế giới, và họ cũng đã đồng ý tuân thủ các nghĩa vụ chống việc mua bán dã sinh bất hợp pháp.

Có một cơ hội lớn ở đây. Đây là giai đoạn tiếp theo trong mối quan hệ kinh tế của chúng ta với Việt Nam mà như ông Ben Rhodes nói, đã tăng trưởng kể từ khi bình thường hóa quan hệ cách đây chừng 20 năm."

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Mike Froman.
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Mike Froman.

VOA Express

XS
SM
MD
LG