Những luật lệ ở Thái Lan áp đặt những sự trừng phạt nghiêm khắc cho việc xúc phạm hoàng gia lại được cộng đồng quốc tế chú tâm theo dõi trong tuần này, trong lúc Đại sứ Mỹ bị giới hữu trách Bangkok điều tra vì những phát biểu hồi gần đây về những bản án được tuyên dựa trên Luật chống khi quân. Từ Bangkok, thông tín viên Ron Corben của đài chúng tôi gởi về bài tường thuật.
Một thông cáo của Hội Ân Xá Quốc Tế nói rằng Thái Lan nên ngưng áp dụng Luật chống khi quân, một luật lệ mà họ gọi là hình sự hoá quyền tự do diễn đạt, với việc mấy mươi người đang bị cầm tù hoặc đối mặt với những vụ xét xử tại toà án quân sự mà không được kháng án.
Tổ chức nhân quyền quốc tế này nói rằng Luật chống khi quân gây ra những mối quan tâm về điều mà họ gọi là "sự hạn chế cực kỳ quái gỡ của Thái Lan đối với quyền tự do diễn đạt."
Luật này đã được chấp hành một cách khá chặt chẽ trong những năm gần đây dưới thời của các chính phủ được bầu lên một cách dân chủ, nhưng được áp dụng một cách nghiêm khắc hơn nữa kể từ khi quân đội lên nắm quyền hồi tháng 5 năm ngoái.
Luật này qui định rằng những người "bôi nhọ, xúc phạm hoặc đe dọa" nhà vua, hoàng hậu và những người bà con gần của họ có thể lãnh những án tù 15 năm hoặc lâu hơn nữa.
Thông cáo của Hội Ân Xá Quốc Tế được đưa ra trong lúc cảnh sát Thái Lan bắt đầu điều tra Đại sứ Mỹ tại Thái Lan, ông Glyn Davies, vì bài diễn thuyết của ông hồi tháng 11, khi ông chỉ trích sự hạn chế mỗi ngày một nhiều trong sinh hoạt chính trị và sự cai trị của quân đội tại Thái Lan.
Đại sứ Davise cũng bày tỏ quan tâm về điều ông gọi là "những án tù trước đây chưa từng có" mà các toà án quân sự Thái Lan đã tuyên cho những người không thuộc quân đội vi phạm Luật chống khi quân.
Ông Kiat Sittheeamorn, một thành viên cấp cao của Đảng Dân chủ Thái Lan, đã gặp gỡ Đại sứ Davies. Ông cho rằng các nước phương Tây cần phải chứng tỏ một thái độ tế nhị hơn về sự áp dụng Luật chống khi quân ở Thái Lan.
Ông Sittheeamorn nói: "Có một luật lệ để bảo vệ nguyên thủ quốc gia là một việc bình thường. Đó là một việc được quốc tế công nhận. Ngay cả ở Mỹ, họ cũng có luật loại này. Cho nên sự hiểu biết về vấn đề luật này được áp dụng như thế nào là một khía cạnh mà tôi tin là có rất nhiều ngộ nhận."
Đại sứ Anh tại Thái Lan, ông Mark Kent, mới đây cũng đã tham gia vụ tranh cãi sau khi chính quyền quân nhân – vốn hay cấm đoán những cuộc biểu tình chính trị, cho phép những người thuộc phe bảo hoàng biểu tình bên ngoài sứ quán Mỹ để phản đối Đại sứ Davies.
Một bản phúc trình được công bố hồi đầu tuần này của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế nói rằng chính quyền quân nhân Thái Lan đã không giảm được sự chia rẽ chính trị và xã hội trong bối cảnh của một "cuộc kế vị ngôi vua sắp diễn ra."
Tuy nhiên, phúc trình cũng cho biết sau một thập niên của những vụ rối loạn chính trị người dân Thái Lan giờ đây "dường như sẵn sàng chấp nhận hoặc cam chịu một thời kỳ của sự cai trị của quân đội."
Các nhà phân tích chính trị khác cho biết họ dự kiến sẽ có thêm những vụ rối loạn chính trị trong năm tới, trong đó có sự chia rẽ mội lúc một nhiều trong hàng ngũ quân đội.
Quân đội đang nắm quyền ở Thái Lan cho biết một cuộc tổng tuyển cử có thể được tổ chức vào năm 2017, sau khi những sự cải cách hiến pháp được hoàn tất.