Tác giả Thử Lửa, nhà văn Thảo Trường vừa qua đời tại tư gia ở Huntington Beach, California vào lúc 3 giờ chiều thứ Năm 26 tháng 8, 2010, hưởng thọ 74 tuổi. Theo môt nguồn tin từ gia đình, từ nhiều tháng qua, ông bị bệnh ung thư gan ở giai đoạn cuối, các bác sĩ cho biết không còn hy vọng chạy chữa.
Nhà văn Thảo Trường tên thật là Trần Duy Hinh, sinh năm 1936 - Bính Tý (giấy tờ ghi 1938) tại làng Quang Sán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Di cư vào Nam năm 1954. Tốt nghiệp trường Thủ Đức, Sĩ quan Trần Duy Hinh phục vụ trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông bắt đầu cuộc đời cầm bút trong thời gian mới rời trường sĩ quan Thủ Đức. Tác phẩm đầu tay của ông là cuốn Thử Lửa xuất bản năm 1962. Sau đó ông được mọi người biết đến với các tác phẩm như Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp (1966), Vuốt Mắt (1969), Cánh Đồng Đã Mất (1971), Người Khách Lạ Trên Quê Hương (1972), Cát (1974) và nhiều tác phẩm khác.
Sau biến cố 1975, ông là một trong những người bị giam cầm lâu nhất trong các trại cải tạo, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc tổng cộng 17 năm.
Từ năm 1993 là năm ông đến Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình [vợ con đã sang đây từ 1975]. Ông lại tiếp tục sáng tác sau gần hai thập niên xa cách với thế giới chữ nghĩa. Tác phẩm đầu tiên sau thời gian bị tù cộng sản là Tiếng Thì Thầm Trong Bụi Tre Gai xuất bản năm 1995 tại Pháp. Tiếp sau đó là: Đá Mục (1998), Tầm Xa Cũ, Bắn Hiệu Quả (1999), Mây Trôi (2002), Miểng (2006), Thềm Đá Xanh Rêu (2007), Thử Lửa (2007).
Tuyển tập Những Miểng Vụn Của Tiểu Thuyết – tác phẩm quan trọng nhất của ông, đã được Người Việt xuất bản vào năm 2008.
Ông còn một số tác phẩm dự trù sẽ xuất bản: Cây Bông Giấy Trước Nhà (truyện dài), Bên Ngoài Nghĩa Trang (truyện dài), Bố Cáo Thất Tung (truyện dài) Thân Thể Người Ta (truyện dài), Bà Phi (trường thiên tiểu thuyết).
Trong một dịp trả lời phỏng vấn của nhà văn Phạm Phú Minh về tác phẩm nào trước 1975 mà ông bằng lòng nhất trong công việc phản ảnh những bi đát của một cuộc chiến vừa mang tính chất ý thức hệ vừa là huynh đệ tương tàn của Việt Nam, Thảo Trường nói
trong những truyện ông đã viết, có những truyện ông rất thích và ông nghĩ độc giả cũng thích, ví dụ truyện Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp, hoặc Viên Đạn Bắn Vào Nhà Thục chẳng hạn. Ông nói: “Trong số những truyện loại này có một truyện tôi muốn dùng một nhân vật ngoài cuộc chiến nhìn vào cuộc chiến ấy, đó là một cô nữ sinh trong một trường nội trú ở Đà Lạt trốn ra về với mẹ, và chứng kiến cảnh chiến tranh. Cô đã thấy cảnh đánh nhau, cảnh giết nhau, thấy những tử thi... Tôi muốn dùng một nhân vật không biết gì về cuộc chiến để nhìn cuộc chiến đó. Không biết độc giả có để ý đến truyện này không, riêng tôi, tôi rất thích cái nhìn khác về cuộc chiến của nhân vật trong truyện này. Đó là truyện Thềm Đá Xanh Rêu.”
Thảo Trường vừa là người chứng kiến vừa là người tham dự vào cuộc chiến Việt Nam, và cũng là người sống đầy đủ kinh nghiệm giai đoạn sau cuộc chiến – tù cải tạo, rồi cả giai đoạn lưu vong tại Mỹ. Đặc điểm của giai đoạn nào cũng được ông thể hiện bằng những nét sắc sảo điển hình trong các tác phẩm của mình.
Xin giới thiệu đến bạn đọc một bài viết trước đây về Thảo Trường của nhà văn Nguyễn Đình Toàn.
Thảo Trường: Bỡn cợt với cả những điều nghiêm chỉnh
Nguyễn Ðình Toàn
Thảo Trường là một trong những nhà văn quan trọng đã đóng góp vào việc hình thành nền văn học miền Nam Việt Nam trong hai thập niên từ 55 đến 75. Ông có một văn phong mạnh mẽ, ngắn gọn, nhưng súc tích. Cách bố cục truyện của ông chặt chẽ, mới mẻ.Có thể nói, truyện ngắn Việt Nam đến những Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Thảo Trường đã hoàn toàn đổi mới, so với dòng văn học trước đó.
Viết truyện không còn thuần túy là kể một câu truyện. Mà hình như nó hàm chứa tất cả những gì liên quan đến thân phận con người nằm trong câu chuyện ấy, hiểu theo nghĩa siêu hình, triết học và thực tế. Nói như thế cũng chỉ là một cách nói. Thực tế, người ta không thể tách rời những điều ấy ra khỏi nhau, cũng từa tựa như người ta không thể tách rời đời sống ra khỏi cái chết.
Chẳng hạn, một nhân vật trong một truyện ngắn của Thảo Trường, một người lính, bị thương cụt cả chân lẫn tay, anh muốn tự vẫn, nhưng nghĩ đại khái như thế này:
“Nếu tôi còn sống thì xã hội còn những hình hài bẩn thỉu. Nếu tôi chết thì nhân loại mất đi một bằng chứng kinh tởm về chiến tranh.”
Thật người đọc cũng khó lòng nắm được hết ý nghĩa những câu văn như thế. Không phải tác giả cố ý viết một câu văn triết lý. Nhưng sự việc tự nó mang lấy ý nghĩa đó. Không phải tác giả tạo ra những nhân vật như thế. Chính những nhân vật như thế bị ném vào cuộc đời. Người ta nhìn thấy hắn. Và hắn phải xoay trở để thích ứng với hoàn cảnh.
Những sự việc [hình như] cụ Nguyễn Du đã trông thấy trước, đã nói ra rồi:
“Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.”
Nói về cuộc chiến tranh vừa qua Thảo Trường viết:
“Cuộc chiến không thể kéo dài mải, cần phải chấm dứt nó, ở trong nước cũng như ở ngoài nước, nhiều người đã nghĩ như vậy. Nhưng để chấm dứt cái cuộc chiến huynh đệ tương tàn đã tốn quá nhiều xương máu ấy thì phải có một bên thua. Ai chịu làm bên thua đây? Bên nào chịu nhục đây? Không tìm ra cách giải quyết.”
Cho đến năm 1975, tội lớn nhất của cộng sản là đã thắng trận, và, chiến công lớn nhất của cộng hòa là thua trận. Có thể có những người không đồng ý với lập luận này của Thảo Trường. Nhưng chúng ta có cái sung sướng là được nghe mọi người bầy tỏ quan điểm của mình.
Cũng nên nhắc lại ở đây Thảo Trường là người thực sự đã đóng góp xương máu vào cuộc chiến đó. Ông là một trong những người sau cùng được thả ra khỏi trại cải tạo.
Mây Trôi viết về đời sống của những người miền Nam sau khi cộng sản chiếm được miền Nam. Người miền Nam sống trộn lẫn với nguời miền Bắc mới tràn vào. Các nhân vật đã bị hay được Thảo Trường đơn giản hóa đến độ không ban cho họ mỗi người một cái tên nữa. Họ chỉ được gọi là con ở, ông cựu sĩ quan Cộng Hoà, hay cựu tù, bà cựu đảng viên, ông chồng của bà ta goi là ông chồng.…
Ông cựu tù vợ con đã đi Mỹ cả.
Ông cặp với bà cán bộ.
Họ dính với nhau trong khi ông chồng của bà cán bộ mải loay hoay làm việc trong kho quân nhu.
Ông cựu tù tự nhận định về mình thế này:
“Anh đã bị nhấn xuống tận cùng hố thẳm, bây giờ trồi lên, cũng không biết rồi sẽ ra sao, bởi vì mọi sự đều đã đi quá xa, mọi thứ đều đã quá trễ, anh như một kẻ lạc hậu, anh tụt lại phía sau lịch sử, vì anh vắng mặt bấy lâu...Gặp em cưu mang, em cho anh các thứ, trong chốc lát, nhưng
thử hỏi được bao lâu, bởi vì chính em cũng không làm chủ được em cơ mà, em cũng chỉ là người sống tạm bợ...”
Và sau đây là lời nàng nói với chàng:
“Em không cần biết những điều ấy. Em có một số của cải cất dấu đủ xài suốt đời và đủ bao bọc cho anh suốt đời, em không cần gì khác nữa, em không muốn biết gì khác nữa. Em có một kinh nghiệm sống vỏn vẹn như thế. Anh đừng thèm nghĩ ngợi gì lôi thôi... Cái gì xài được là xài liền. Ăn tươi được là ăn tươi ngay không để phơi khô. Cái gì chụp giữ được cho mình là cất dấu ngay làm của riêng tắp lự. Không 'oong đơ' gì cả.”
Cả cuốn truyện gần như sục sôi một không khí dục vọng.
Người ta lăn xả vào nhau.
Người ta sống như muốn lấy lại những ngày tháng đã phí phạm.
Phí phạm vì bị ở tù.
Phí phạm vì không tìm ra ý nghĩa của đời sống, nên dù có làm gì chăng nữa vẫn cứ thấy đời sống trống rỗng. Cái mà người ta gọi là tình ái không thể lấp đầy nỗi trống rỗng đó.
Và càng cố bám víu vào nó người ta càng cảm thấy hao hụt thêm lên.
Người đàn ông, chàng cựu tù, sau đó đi Mỹ.
Người đàn bà, cựu đảng viên, nhiều tiền của, lắm mánh khóe sau đó cũng sang được Mỹ.
Người đàn ông gặp lại vợ con rồi chết. Ao ước cuối cùng của chàng là tro cốt được đem về chôn tại quê nhà ở miền Bắc, bên cạnh mộ cha mẹ chàng.
Người đàn bà cựu đảng viên thì lại cảm thấy không thể trở về Việt Nam được nữa vì đã dị ứng với chế độ và tự thấy mình là một thứ cộng sản rạc rầy, vùng vẫy thoát ra khỏi nó mang theo rất nhiều thương tích.
Hình như mọi người đều sống sai chỗ, nên lênh đênh cho đến lúc chết.
Có ít nhiều thay đổi trong lối viết của Thảo Trường. Có vẻ như ông muốn bỡn cợt với cả những điều nghiêm chỉnh.
Nên văn ông bỗng trở nên buồn và chua chát. [NĐT]