Đường dẫn truy cập

Thảm họa người tị nạn châm ngòi cho các cuộc tranh luận về di trú ở Úc


Di dân bất hợp pháp từ Sri Lanka tại một trạm cảnh sát ở Colombo, sau khi bị bắt gần bờ biển Negombo và Galle Face để chuẩn bị vượt biên sang Australia, ngày 28/5/2012
Di dân bất hợp pháp từ Sri Lanka tại một trạm cảnh sát ở Colombo, sau khi bị bắt gần bờ biển Negombo và Galle Face để chuẩn bị vượt biên sang Australia, ngày 28/5/2012
Quốc hội Australia đang tranh luận về đề tài gây nhiều chia rẽ liên quan đến di dân bất hợp pháp sau vụ mấy chục người tị nạn bị chết đuối hồi tuần rồi. Từ Sydney, thông tín viên VOA Phil Mercer tường trình rằng có sự bất đồng tại Caberra về phương cách hữu hiệu nhất để ngăn chận làn sóng di dân liên tục đến Australia một cách bất hợp pháp.

Cái chết của khoảng 90 người tị nạn khi chiếc tàu của họ bị lật trong vùng biển phía bắc của Australia đã lại châm ngòi cho một cuộc tranh luận chính trị sôi nổi.

Phe đối lập bảo thủ tố cáo chính phủ Lao động đã mất quyền kiểm soát vùng biên giới trên biển. Cho tới nay, giơí hữu trách Úc đã ngăn chận được trên 4.000 người tìm đường đi tị nạn ngoài biển. Phần lớn những người tị nạn bất hợp pháp đến từ Indonesia trong khi những người còn lại đã chi tiền cho những băng đảng buôn người nhiều ngàn đôla để được đưa tới Australia bằng tàu từ Malaysia hay Sri Lanka.

Thủ tướng Julia Gillard cần sự hậu thuẫn của phe đối lập để đưa ra các chính sách về việc mở các trung tâm xúc tiến tiến trình người tị nạn tại các nước láng giềng, nhưng bà tuyên bố thảm họa vừa qua đã khiến cuộc tranh luận không thể xúc tiến:

Bà Gillard nói: “Chúng ta đã chứng kiến quá nhiều tổn thất về sinh mạng. Ðây là một thảm kịch lớn, nhưng không phải là thảm kịch mà chỉ có đất nước chúng ta phải chứng kiến. Tôi sẵn sàng mở thêm các cuộc thảo luận. Tôi thấy thật đáng tiếc vào dịp cuối tuần lãnh đạo của đảng đối lập đã bác bỏ bất cứ sự thay đổi chính sách hay chuyển biến trong lập trường của phe đối lập. Theo tôi đây là lúc mà dân chúng trông đợi chúng ta dẹp vấn đề chính trị sang một bên.”

Lãnh đạo phe đối lập Tony Abbott sẽ không ủng hộ kế hoạch của chính phủ muốn đưa người tị nạn sang Malaysia để đổi lại việc Australia nhận nhiều ngàn người được chứng nhận là người tị nạn từ nước này. Ông Abbott lập luận rằng người tị nạn chính trị nên được đưa tới các trại do Australia bảo trợ tại hòn đảo nhỏ Nauru ở Thái bình dương là nơi đã chứa những người tị nạn trước đây.

Ông Abbott đã từng nói với quốc hội ở Canberra là ông cam kết sẽ ngăn chặn những tàu thuyền hướng tới Australia.

Ông Abbott nói: “Nếu có ai bị qui trách nhiệm cho tình trạng bi thảm này thì chắc chắn đó là những kẻ buôn người đã nhắm mồi vào những người đang tuyệt vọng muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn ở Australia. Thưa bà Chủ tịch, rõ ràng là vào thời điểm nay tất cả chúng ta nên tự vấn lương tâm xem hành động như thế nào là tốt nhất để đua ra chính sách sẽ chấm dứt vĩnh viễn công cuộc mua bán độc ác này.”

Các chính sách tị nạn của Australia bị tạm ngưng khi Tối cao pháp viện đưa ra phán quyết năm ngoái rằng đề nghị trao đổi người với Malaysia là trái pháp luật.

Chính phủ Úc tin rằng với sự hậu thuẫn của phe đối lập biện pháp này có thể được phục hồi, nhưng nhà lập pháp bảo thủ Russell Broadbent nói ông sẽ không ủng hộ:

Ông Broadbent cho biết: “Giải pháp Malaysia đề nghị là một cuộc trao đổi người, một cuộc trao đổi người với qui mô lớn. Có nghĩa là chúng ta đi vào con đường y như bọn buôn người đã làm. Bọn chúng đổi người lấy tiền. Chúng ta thì đổi người để đạt được một chính sách. Tôi sẽ không tham gia vào một hành động nào có tính cách đổi chác con người.”

Quốc hội Úc họp phiên họp cuối trong tuần này trước khi nghỉ. Mặc dù vấn đề di dân bao trùm các tiến trình họp một thỏa thuận về thỏa hiệp giữa hai đảng lớn có phần chắc sẽ không đạt được.

Dân biểu độc lập Rob Oakeshott nói rằng các thành viên quốc hội cần phải ở lại họp cho tới khi đạt được một chính sách khả thi.

Ông Oakeshott nói: “Những rối loạn chức năng hiện nay về chính sách ắt hẳn làm cho vấn đề này trở thành cấp bách vì như quý vị đã biết, tất cả chúng ta sẽ về nhà vào cuối tuần này. Nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề trước cuối tuần, chắc chắn tôi sẽ là người yêu cầu quốc hội ở lại họp cho tới khi giải quyết xong. Chúng ta đã làm cộng đồng Úc thất vọng trong tư cách một quốc hội, cũng như bốn quốc hội trước đây vì không giải quyết được vấn đề, và sự kiện này phải được chỉnh đốn lại.”

Australia đang cộng tác với Indonesia, Sri Lanka và Malaysia để tìm cách ngăn chận làn sóng người tị nạn liên tục hướng tới Úc bằng tàu thuyền.

Cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd tin là chỉ có nỗ lực phối hợp của quốc tế mới có thể chận đứng được những con người tuyệt vọng đi tìm nơi trú ẩn ở một quốc gia khác:

Ông Rudd nói: “Ðó là lý do vì sao vấn đề này cần phải được giải quyết trên bình diện toàn cầu. Chúng ta có trách nhiệm, nhưng vì hằng đêm chúng ta không nhìn thấy trên truyền hình, mỗi ngày trên thế giới đều xảy ra thảm kịch vì người ta tìm cách trốn đi tìm nơi mà họ nghĩ thấy an toàn hơn.”

Mặc dù có sự tranh luận sôi nổi ở Australia về chuyện người tị nạn đến Úc bằng tàu thuyền, đại đa số những người tìm được sự bảo vệ dành cho người tỵ nạn ở Australia đến đây bằng máy bay. Tính chung, số người này ít so với các nước phát triển khác. Canberra cấp visa cho khoảng 13.000 người mỗi năm chiếu theo nhiều hiệp định quốc tế khác nhau.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG