Mặc dầu gần đây Bắc Triều Tiên đã tỏ thái độ hợp tác, Seoul và Washington chưa cho thấy dấu hiệu sẽ nới lỏng áp lực đối với chế độ của ông Kim Jong Un. Cả hai nước vẫn quan ngại về chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng và cam kết duy trì chính sách kiềm chế mạnh là trừng phạt kinh tế và cô lập chính trị để buộc chế độ này phải từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Chuyên gia phân tích về Triều Tiên, ông Daniel Pinkston, một chuyên gia thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu Xung đột của trường Đại học Babes-Bolyai ở Rumani nói nhiều người trong cộng đồng quốc tế hoài nghi về các nỗ lực giao tiếp mới đây của Bắc Triều Tiên, tỷ như tham gia vào các cuộc đoàn tụ gia đình và không phóng một hỏa tiễn sau khi tỏ ý định làm như vậy.
“Sách lược của Bắc Triều Tiên là giao tiếp và chứng tỏ sự hợp tác về một số lãnh vực trên cơ bản chọn lựa nhưng không liên kết với thành tích phi hạt nhân hóa.”
Sở tình báo Quốc gia ở Seoul hôm qua cho biết Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị cho một cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư, mặc dầu có phần chắc việc ấy sẽ không diễn ra trong tương lai gần.
Tại Washington hôm qua, ông Sung Kim, đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về chính sách Bắc Triều Tiên, đã nói với Ủy ban Ngoại vụ Thượng viện rằng chính phủ Bình Nhưỡng tiếp tục thách thức thiện chí của cộng đồng quốc tế.
“Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tiếp tục vi phạm các cam kết và nghĩa vụ quốc tế và tiếp tục theo đuổi vũ khí hạt nhân và các phương tiện thực hiện như một ưu tiên sách lược quốc gia bất chấp phúc lợi của dân chúng và trong khi đó vẫn có các hành động ngược đãi khủng khiếp đối với họ.”
Chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên
Theo một thỏa thuận chung năm 2005 giữa “6 bên” gồm Nam Triều Tiên, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản, Bắc Triều Tiên đã đồng ý bãi bỏ chương trình hạt nhân của họ để đổi lấy viện trợ kinh tế, bảo đảm an ninh và quan hệ ngoại giao tốt hơn.
Nhưng Bình Nhưỡng đã không tôn trong cam kết và đã tiến hành các cuộc thử nghiệm hạt nhân trong những năm 2006, 2009 và 2013, tất cả đều gây phương hại cho thỏa thuận và đưa đến việc Liên Hiệp Quốc áp đặt các biện pháp chế tài đối với Bắc Triều Tiên.
Washington và Seoul đã kêu gọi Bình Nhưỡng đình chỉ chương trình hạt nhân của họ theo thỏa thuận năm 2005 trước khi bước vào bất cứ cuộc thương nghị quốc tế mới nào.
Năm ngoái, LHQ đề nghị đưa Bắc Triều Tiên ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế vì những tội ác chống nhân loại dựa vào một bản phúc trình ghi nhận một mạng lưới nhà tù chính trị ở Bắc Triều Tiên và các hành động tàn ác như giết người, bắt làm nô lệ, tra tấn, cưỡng hiếp và cưỡng bách phá thai. Đề nghị này đã bị đình trệ tại Hội đồng Bảo an, nơi Trung Quốc và Nga nắm quyền phủ quyết.
Mới đây, Bắc Triều Tiên cho hay sẽ tiến hành một cuộc thử nghiệm hạt nhân khác và sẽ phóng một hỏa tiễn vệ tinh tầm xa trong dịp kỷ niệm ngày thành lập đảng cầm quyền vào tháng 9.
Hoa Kỳ và Seoul đã lập luận rằng việc phóng hỏa tiễn này sẽ là một cuộc thử nghiệm phi đạn đạn đạo trá hình và những hành động khiêu khích như thế sẽ châm ngòi cho các biện pháp chế tài quốc tế mạnh hơn nữa.
Bắc Kinh cũng nêu quan ngại và khuyến cáo Bình Nhưỡng phải tỏ ra tự chế.
Cuối cùng, vụ phóng hỏa tiễn đã không diễn ra, và xoa dịu một vụ khủng hoảng quốc tế có thể xảy ra. Thay vì thế, một phái đoàn cấp cao của Trung Quốc đã đi thăm Bắc Triều Tiên.
Cơ quan tình báo Nam Triều Tiên cho rằng ảnh hưởng và áp lực của Trung Quốc đã góp công một phần vào việc đình chỉ vụ phóng hỏa tiễn, nhưng cũng nêu ra rằng Bình Nhưỡng chưa sẵn sàng về mặt kỹ thuật để tiến hành vụ phóng thử nghiệm phi đạn.
Trong bối cảnh các phát biểu trước đây, và sự kiện Bắc Triều Tiên đầu tư vào chương trình hỏa tiễn, các chuyên gia cho rằng có nhiều phần chắc là cuộc thử nghiệm cuối cùng sẽ vẫn diễn ra.
Liên minh Trung Quốc-Bắc Triều Tiên
Quan hệ giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đã căng thẳng sau khi Bình Nhưỡng tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ ba vào năm 2013.
Nhưng chuyến thăm mới đây của phái đoàn Trung Quốc dường như cho thấy bang giao đã cải thiện, và thái độ hợp tác của Bình Nhưỡng mới đây – trong đó có việc tham gia vào các cuộc đoàn tụ gia đình liên-Triều, có thể phản ánh ảnh hưởng trọng tài của Bắc Kinh.
Bộ trưởng Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên Hong Yong-pyo hôm này tuyên bố, “Bang giao giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đã phục hồi nhanh hơn dự kiến.”
Trung Quốc ủng hộ việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và các biện pháp chế tài của LHQ năm 2013 đối với Bình Nhưỡng, nhưng Trung Quốc cũng cung cấp hậu thuẫn kinh tế cấp thiết cho miền Bắc để duy trì tình hình ổn định biên giới và trong khu vực.
Theo ông Pinkston, Bắc Kinh có thể tìm cách hối thúc Washington và Seoul hạ thấp ngưỡng cho các cuộc đàm phán mới, nhưng chung cuộc Bắc Triều Tiên sẽ bác bỏ mọi sự dung hòa về chương trình hạt nhân của họ hay bất cứ cải cách nội bộ nào đề cập đến những vụ vi phạm nhân quyền.
“Những thay đổi đó quá cực đoan. Đó không phải là cải cách. Đó là thay đổi mang tính cách mạng. Dứt khoát mang tính cách mạng trong bối cảnh Bắc Triều Tiên.”
Dường như chế độ Kim Jong Un cũng duy trì việc nắm chắc quyền hành mặc dầu Cơ quan tình báo Quốc gia Nam Triều Tiên báo cáo một số lớn người dân Bắc Triều Tiên tiếp tục đào tỵ qua miền Nam để tránh cảnh thiếu hụt thực phẩm triền miên và áp bức chinh trị gay gắt.
Và trong khi nhà nước độc tài cấm chỉ dân chúng tiếp cận tin tức quốc tế, cơ quan tình báo nói rằng một con số ngày càng tăng dân chúng miền Bắc được cho là bí mật xem truyền hình và nghe các chương trình phát thanh Nam Triều Tiên.