Đường dẫn truy cập

Tân lãnh đạo Hồng Kông đối mặt với nhiều thách thức


Tân lãnh đạo đặc khu hành chánh Hong Kong Lương Chấn Anh và vợ Regina
Tân lãnh đạo đặc khu hành chánh Hong Kong Lương Chấn Anh và vợ Regina
Nhiệm kỳ 5 năm của tân hành chánh trưởng quan Hồng Kông Lương Chấn Anh đã bắt đầu với với một cuộc biểu tình chống chính phủ qui tụ hơn 100.000 người. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Michael Lipin ở Hồng Kông, cuộc biểu tình rầm rộ hôm chủ nhật chỉ là một trong nhiều thách thức mà nhà lãnh đạo mới của đặc khu hành chánh này phải đối mặt.

Trong nhiều năm qua, mỗi năm cứ đến ngày 1 tháng 7 là dân chúng Hồng Kông lại rủ nhau kéo đến Công viên Victoria để biểu tình chống chính phủ. Cuộc biểu tình năm nay là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ năm 2004. Nhiều người biểu tình đòi ông Lương Chấn Anh từ chức, vài giờ sau khi ông tuyên thệ nhậm chức.

Ông Lương Chấn Anh là một thương gia giàu có, năm nay 57 tuổi, và từng làm công chức trong chính quyền Hồng Kông. Ông được bầu làm hành chánh trưởng quan hồi tháng 3 bởi một ủy ban gồm 1.200 người, hầu hết là những người trung thành với chính phủ Trung Quốc.

Bà Lưu Tuệ Khanh, Phó Chủ tịch Đảng Dân chủ Hồng Kông và là thành viên Viện Lập pháp, cho biết những người biểu tình cảm thấy bất mãn vì họ nghĩ rằng ông Lương sẽ không đại diện cho quyền lợi của họ.

Bà Lưu cho biết: "Họ không thích ông ấy. Họ nghĩ rằng ông ấy chỉ là bù nhìn của Bắc Kinh. Chính sách “một quốc gia hai chế độ” mà cựu lãnh tụ Trung Quốc Đặng Tiểu Bình hứa hẹn với người dân Hồng Kông giờ đây có thể nói là đã tan nát. Và dân chúng ở đây họ e rằng với sự can thiệp ngày càng nhiều của chính phủ trung ương, quyền tự trị cao độ, các quyền tự do, thể chế pháp trị và các quyền dân sự của Hồng Kông sẽ bị mất đi."

Những người biểu tình cũng cảm thấy tức giận vì ông Lương Chấn Anh đã thú nhận hồi tháng trước là ông đã tân trang nhà trái phép. Ông Lương đã công khai xin lỗi và đã tháo dỡ phần xây thêm. Nhưng nghị viên Lưu Tuệ Khanh nói rằng dân chúng vẫn nghi ngờ về lòngï thành thực của ông Lương.

Bà Lưu nói: "Lúc đầu ông ấy nói là không xây nhưng bây giờ thì có lẽ là ông ấy đã xây, cho nên người dân cho rằng ông ấy nói láo. Đó là một chuyện rất xấu. Tôi không biết ông ấy phải làm thế nào để vượt qua thử thách này. Cách tốt nhất là có một người độc lập và có uy tín đứng ra thực hiện một cuộc điều tra độc lập và công bố báo cáo điều tra. Nếu không thì người dân sẽ chất vấn ông ấy mỗi ngày và rồi ông ấy sẽ trả lời lúc thì thế này lúc thì thế kia. Và như vậy thì chính phủ thể nào không vận hành được."

Các nhà phân tích cho rằng cuộc biểu tình tuần hành hôm chủ nhật cũng có mục đích phản đối cái chết khả nghi của ông Lý Vượng Dương, một nhà tranh đấu kỳ cựu ở Trung Quốc. Chính phủ ở Bắc Kinh nói rằng cái chết của ông Lý hồi tháng trước ở miền trung Trung Quốc là một tai nạn.

Ông Michael DeGolyer, giáo sư chính trị học của Đại học Báp Tít Hồng Kông, cho biết nhiều người biểu tình tin là nhà cầm quyền Trung Quốc đã giết hại ông Lý và họ cảm thấy lo ngại cho tương lai của Hồng Kông.

Ông DeGolyer cho biết: "Họ lo lắng rất nhiều về vấn đề tham nhũng, về vấn đề nói dối và về việc Hồng Kông có thể lâm vào tình trạng giống như ở Hoa Lục. Họ rất lo ngại là ông Lương Chấn Anh sẽ cai trị theo cách của Hoa Lục chứ không tôn trọng những giá trị lâu đời của Hồng Kông."

Giáo sư DeGolyer cho hay những yếu tố khác thúc đẩy dân chúng Hồng Kông xuống đường biểu tình là sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng và sự bất mãn của giới trung lưu về việc lương bổng không tăng trong lúc vật giá không ngừng leo thang.

Trong cuộc tiếp xúc với báo chí hôm thứ hai, ông Lương Chấn Anh hứa sẽ nghiêm túc xem xét tới nguyện vọng của người dân và sẽ ra sức thỏa mãn những đòi hỏi của họ. Nhưng tại một cuộc tiếp xúc với dân chúng sau đó, nhà lãnh đạo mới của Hồng Kông đã bị những phản kháng lớn tiếng trách mắng, làm bùng ra một cảnh tượng hỗn loạn khiến cảnh sát phải hộ tống ông rời khỏi cuộc họp.

Một thách thức khác nữa của ông Lương Chấn Anh là những đảng phái dân chủ tổ chức cuộc biểu tình ngày 1 tháng 7 đang tìm cách chiếm thêm ghế đại biểu ở Viện Lập pháp trong cuộc bầu cử ngày 9 tháng 9 để họ có thể phủ quyết các chính sách của chính phủ. Trong khi đó những vụ tranh chấp nội bộ đang diễn ra trong khối đại biểu thân chính phủ.

Giáo sư Michael DeGolyer cho rằng ông Lương Chấn Anh có thể vượt qua những thách thức này bằng cách hành động một cách nhanh chóng.

Ông DeGolyer nói: "Nếu từ nay cho tới cuộc bầu cử tháng 9 mà ông ấy có hành động để khẳng định lập trường là ủng hộ Bộ Luật Cơ Bản và một số giá trị của Hồng Kông; nếu trên phương diện tuân thủ qui tắc mà ông ấy chứng tỏ được bản thân ông và những quan chức của ông là trong sạch - như sự trông mong của dân chúng ở mọi nơi đối với các viên chức chính quyền, thì ông ấy có thể vượt qua cơn sóng gió này."

Trong cuộc bầu cử sắp tới, số đại biểu Viện Lập pháp sẽ từ 60 người tăng lên tới 70 người, trong đó có phân nửa được cử tri trực tiếp bầu ra và hầu hết số ghế còn lại sẽ được bầu chọn bởi các đoàn thể chức nghiệp có xu hướng ủng hộ phe cầm quyền.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG