Tại Ấn Độ, một vụ tấn công nhà thờ ở một tiểu bang miền trung một lần nữa làm nổi bật những mối quan tâm về bao dung tôn giáo dưới sự cai trị của chính quyền của đảng BJP có xu hướng dân tộc Ấn giáo. Từ New Delhi, thông tín viên Anjana Pasricha của đài chúng tôi gởi về bài tường thuật.
Vụ tấn công xảy ra vài ngày sau khi chính phủ Ấn Độ không chịu cấp visa cho một cơ quan của chính phủ Mỹ muốn nghiên cứu về tự do tôn giáo ở Ấn Độ. Họ nói rằng Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Mỹ không có tư cách để phán xét tình hình tôn giáo tại một nước bảo đảm quyền tự do tôn giáo.
Cảnh sát ở tiểu bang Chattisgarh nói họ đã bắt 7 người dính líu tới vụ tấn công hôm 6 tháng 3, trong đó một đám đông xông vào một nhà thờ gần thủ phủ Raipur rồi hành hung những người dự lễ và đập phá đồ đạc.
Thống đốc tiểu bang Chhattisgarh, ông Raman Singh, tuyên bố: "Tất cả những người phạm tội sẽ bị xét xử và chúng tôi sẽ thực hiện những hành động nghiêm khắc."
Vụ tấn công này làm tăng thêm mối lo ngại là những thành phần tôn giáo cực đoan đã trở nên táo bạo hơn từ khi đảng BJP giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử năm 2014.
Một loạt những vụ tấn công nhà thờ hồi năm 2015 khiến cho Thủ tướng Narendra Modi phải lên tiếng trấn an là chính phủ ông sẽ không cho phép bất kỳ nhóm tôn giáo nào khích động thù hận đối với những tôn giáo khác.
Tuy nhiên, một người phát ngôn của Giáo phận New Dehli, Linh mục Savari Muthu, hôm 7/3 nói "có một sự khác biệt lớn giữa những phát biểu của thủ tướng và bộ trưởng nội vụ với tình hình thực tế."
Linh mục Muthu nêu ra điều ông gọi là một sự gia tăng rõ rệt của con số những vụ tấn công nhà thờ kể từ tháng 5 năm 2014: "Điều đó rất đáng buồn, thật sự rất đáng lo ngại. Những kẻ tấn công đã thoát tội một cách dễ dàng. Họ cảm thấy tự tin rất nhiều về quyền lực hiện nay."
Ngoài các tổ chức Cơ đốc giáo, các nhân vật lãnh đạo Hồi giáo cũng than phiền về việc bị nhắm tấn công bởi các nhóm Ấn Độ giáo cực đoan. Tháng 9 năm 2015, một người Hồi giáo ở ngoại ô New Dehli đã bị một đám đông giết chết vì họ nghi nạn nhân này ăn thịt bò. Tín đồ Ấn Độ giáo, chiếm 80% dân số Ấn Độ, tin rằng bò là một loại động vật linh thiêng.
Chính phủ Ấn Độ nói những vụ tấn công đó là những vụ việc đơn lẻ và họ đã hành động để chống lại các thủ phạm. Tuần trước, khi một nhóm các nhà lập pháp Mỹ bày tỏ quan tâm về những mối đe dọa đối với các nhóm tôn giáo thiểu số, Bộ Ngoại giao ở New Delhi trả lời rằng những vụ việc về bất bao dung tôn giáo hiếm khi xảy ra và có tính chất bất thường.
Ông Ajoy Bose, một nhà phân tích chính trị độc lập, nói rằng không có vụ bạo động lớn vì lý do tôn giáo nào xảy ra kể từ khi đảng BJP lên nắm quyền. Nhưng ông nói thêm: "Có một nhận thức mỗi ngày một mạnh mẽ trong dân chúng là con số tương đối nhiều của những vụ việc rất nhỏ đã làm cho những tín đồ Hồi giáo và Cơ đốc giáo thuộc khối thiểu số có cảm giác là họ bị vây hãm, bị nhắm làm mục tiêu tấn công."
Ông Bose cũng cho rằng tình hình hiện nay không thể nói là rất nguy hiểm, bởi vì Ấn Độ là nước từng có nhiều vụ bạo động qui mô lớn giữa người Ấn Độ giáo và người Cơ đốc giáo.
Mới đây chính phủ Ấn Độ đã từ chối cấp visa cho một phái đoàn của Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, là cơ quan định tiến hành một cuộc điều tra tại chỗ về tự do tôn giáo ở Ấn Độ.
Trong bản phúc trình năm 2015, uỷ ban này nói từ khi Thủ tướng Modi lên nắm quyền, các chính khách liên hệ với BJP đã có những phát biểu khiếm nhã với các nhóm tôn giáo thiểu số, những vụ bạo động đã xảy ra cùng với những vụ ép buộc cải đạo do các nhóm Ấn Độ giáo cực đoan thực hiện.
Ông Satish Misra, một nhà phân tích thuộc Quỹ Nghiên cứu Người Quan sát ở New Delhi, nhận định: "Họ không thích bất kỳ nhóm nào ở nước ngoài hay ở bên ngoài bình phẩm về Ấn Độ. Việc từ chối cấp visa một lần nữa mang lấy sắc thái dân tộc chủ nghĩa và dấy lên tình cảm dân tộc cực đoan. Họ muốn nói ‘Các ông xem kìa, họ là ai mà muốn bình phẩm chúng ta!’"
Năm 2009, chính phủ Ấn Độ do đảng Quốc Đại lãnh đạo cũng đã từ chối cấp thị thực cho phái đoàn của Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ.