Đường dẫn truy cập

Từ Lemur (Nguyễn Cát Tường), Nhất Linh và Phong Hóa Tuần báo đến việc tái tạo chiếc áo dài Lemur tại California, Hoa Kỳ


Áo dài Lemur (Phong Hóa số 90). Cổ may theo lối cổ áo Tây phương. (Hình: Nguyễn Tà Cúc cung cấp)
Áo dài Lemur (Phong Hóa số 90). Cổ may theo lối cổ áo Tây phương. (Hình: Nguyễn Tà Cúc cung cấp)

Kỳ 1

Từ bao nhiêu năm nay, hễ nhắc đến chiếc áo dài là tên Lemur Nguyễn Cát Tường lại được nhắc đến. Ông được coi là người vẽ kiểu một chiếc áo có tên “áo Lemur” dẫn đến áo dài của phụ nữ Việt hiện nay, nghĩa là ông làm một cuộc cách mạng dẫn đến sự thay đổi cả một phần lịch sử y phục của chúng ta. Nhưng có bao nhiêu người được chính mắt nhìn thấy những bức họa kiểu của ông (ký tên Lemur) và được đọc những lời ông viết (ký tên Nguyễn Cát Tường) xuất hiện lần đầu trên Phong Hóa Tuần báo -- do nhà văn Nhất Linh chủ trương vào đầu thập niên 1930 -- để vận động cho cuộc cải cách của ông?

May mắn thay, cách đây hơn 2 năm, người viết có dịp biết một số người trẻ chủ trương Diễn đàn Sách Xưa (Hà Nội) và được họ giúp đỡ tận tình về tài liệu. Anh Lê Tuấn Anh, một trong số bạn trẻ đó, đã không tiếc công “scan” cho người viết 31 số Phong Hóa. Qua những số Phong Hóa đó, người viết có thể tìm hiểu và phân tích về công lao của Lemur Nguyễn Cát Tường. Sau nữa, người viết cũng có thể làm một công việc mà có lẽ chưa ai làm, ít nhất ngoài Việt Nam, là tái tạo chiếc áo dài Lemur căn cứ ngay trên những bức vẽ kiểu trên tờ Phong Hóa.

Bài này sẽ chia ra làm hai phần: phần I là phần trích dẫn một số bài tiêu biểu của Nhất Linh và Nguyễn Cát Tường kèm hình ảnh vẽ kiểu của Lemur và của cả Nhất Linh -- ký tên Đ(ông) S(ơn) -- trích ra từ mục “Vẻ đẹp riêng tặng các Bà các Cô” trên Phong Hóa Tuần Báo và phần thứ II là phần phân tích cuộc vận động này.

Trích dẫn một số bài tiêu biểu của Nhất Linh và Nguyễn Cát Tường kèm hình ảnh vẽ kiểu của Lemur và của cả Nhất Linh -- ký tên Đ(ông) S(ơn) -- trích ra từ mục “Vẻ đẹp của Các Bà Các Cô”

“Vẻ đẹp của các Bà các Cô”, bài của Nhất Linh (ký Nhị Linh),
đăng trên bìa trước Phong hóa Tuần báo số 89, Năm thứ ba, Thứ Sáu, ngày 16. III. 1934

“Thưa ông Nghị,

Tôi đã tiếp được bức thư của ông. Tôi rất lấy làm cảm động về những lời khuyến khích trong thư. Thưa ông, chẳng qua, tôi chỉ là người giới thiệu với độc giả Phong Hóa những ý kiến ông bàn về sự cải cách hương chính mà thôi. Nào tôi có phải là một nhà xã hội học hay chính trị học. Mà ông, xin ông đừng giận, ông cũng vậy, ông cũng không phải là một nhà chính khách […] Đây tôi chỉ trả lời ông về một vấn đề: cải cách y phục của phụ nữ. Vâng, về y phục đàn ông, tôi cũng đồng một ý tưởng với ông. Không có gì tiện gọn và giản dị bằng lối Âu phục […] Còn vẻ đẹp của đàn bà?

Nếu ông chỉ bảo vẻ đẹp của đàn bà ở chỗ mềm mại, dịu dàng, óng ả, xinh tươi thì tôi xin chịu ngay không dám cãi vì tôi cũng nhận như thế. Song ông lại chỉ trích lối y phục phụ nữ của chúng tôi mà ông đoán sẽ giống bức tranh vẽ ngoài bìa một cuốn sách của hiệu Nam Ký: ông chê rằng lối y phục ấy không được phổ thông và chúng tôi chỉ nghĩ đến các bà giàu có sang trọng. Điều đó, thực tôi không phục. Tôi thì tôi cho sự cải cách y phục phụ nữ của chúng tôi chỉ có một ý nghĩa phổ thông dù vẻ đẹp của bộ áo quần do họa sĩ Cát Tường chế ra được hay không được công chúng công nhận và hoan nghênh mặc lòng. Vậng, tôi nói phổ thông, mà rất phổ thông.

[…]

Tôi chưa bàn nên hiến lối y phục của chúng tôi cho các cô ở thôn quê. Song, nếu cô nào muốn theo thì cũng chẳng ai dám chê là lố. Mà dẫu ông khuyên các cô trong làng theo lối ấy thì cũng chẳng ai dám kêu là bạo. Mà bao giờ được thế--rồi tất phải được thế, vì chúng tôi sẽ có nhiều kiểu, ai muốn theo kiểu nào mặc ý—thì sự cải cách y phục của chúng tôi thực sẽ hoàn toàn có tính cách phổ thông. Chúng tôi ao uớc rằng ông sẽ lên chơi tòa báo để chúng tôi được cùng ông nói truyện về dân quê.

Kính thư- Nhị Linh*”

*một bút hiệu của Nhất Linh

Loạt bài “Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô” của họa sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường

“Y phục của Phụ nữ”, Phong Hóa Tuần báo số 86 - Năm thứ ba, Thứ Sáu 23 tháng Hai, 1934, trang 4

“Mới nghe đầu đề, ta chớ vội cho là một vấn đề nhỏ mọn không đáng bàn, một vấn đề thuộc về vật chất. Chính ra vật chất vẫn có mật thiết với tinh thần mà nó lại cùng với tinh thần phân biệt rõ ràng loài người với giống vật. Người ta khác với giống vật là bởi trí khôn và bởi cả quần áo. Các nhà đạo đức thường nói “quần áo chỉ là những vật dùng để che thân thể ta cho khỏi gió, mưa, nắng, lạnh, ta chẳnng nên để ý đến cái đẹp, cái sang của nó làm gì”. Muốn theo đúng như thế, soàng ra ta cũng phải là một bực thánh hiền. Nhưng khốn nỗi, chúng ta chỉ là chúng ta, nghĩa là những người thường, sống chết có hạn, đầy rẫy (dẫy) những lòng ham muốn, những tính xấu xa mà tính ưa đẹp lại là một. Ngoài sự tiện lợi, ta còn ưa thêm cái đẹp cái sang. Chẳng phải chúng ta bây giờ mới thế, các cụ tổ đời xưa cũng đã vậy rồi, trừ các cụ tổ khỉ là không kể, cái đó đã cố nhiên vì các cụ còn là khỉ, chưa biết diện. Theo ý tôi, quần áo tuy dùng để che thân thể, song nó có thể là tấm gương phản chiếu ra ngoài cái trình độ trí thức của một nước. Muốn biết nước nào có tiến bộ, có mỹ thuật hay không, cứ xem y phục của người nước họ cũng đủ hiểu. Y phục của người các nước Âu Mỹ không những rất gọn gàng, hợp với khí hậu xứ họ, mà kiểu mẫu lại rất nhiều và rất đẹp. Như thế đủ tỏ ra rằng họ có một cái trình độ trí thức rất cao, một nền văn minh rất rõ rệt và luôn luôn tiến bộ. Đoái nhìn lại nước nhà, tôi không khỏi có điều chán nản. Trừ y phục của bọn trai chúng tôi, phần nhiều phỏng theo kiểu mẫu của người Âu Mỹ, còn y phục của các bạn gái, tôi xem thấy có nhiều điều bất tiện mà lại không có vẻ chi là mỹ thuật. Tuy rằng vài năm gần đây, y phục của các bạn gái cũng có một vài phần sửa đổi, song sự sửa đổi ấy chẳng qua chỉ ở mấy cái màu sặc sỡ, mấy thứ hàng lạ nước ngoài. Rút cục lại, đâu cũng vẫn hoàn đấy. Công sửa đổi cũng bằng thừa. Phụ nữ đời nay có khác phụ nữ đời xưa họa chăng ở chỗ không đội nón thúng quai thao, không đi dép cong hay giầy “mõm nhái” như họ. Còn thì, vẫn kiểo áo lòe xòe ấy, vẫn cái quần lụng thụng đen ngòm ấy. Hoặc giả cũng có người ưa mặc quần trằng, song tiếc rằng số đó rất ít. Họ có ít không phải là họ sợ mặc quần trắng nó sạch quá, chỉ tại họ sợ cái dư luận “quáng gà” của người mình. Hễ trông thấy bóng một cô mặc quần trằng đi qua là y như có kẻ bất bình nói mát… nào là tân thời, nào là lố bịch… Nhưng nghĩ cho kỹ, những kẻ đó bất bình cũng phải…Vì sao các cô không giám (dám) theo họ ở bẩn? Vì sao các cô lại tự tiện bỏ quần đen, nó là quốc hồn quốc túy của họ? Và quần đen có bẩn cũng chẳng ai thấy mà lại đỡ tốn công giặt. Rõ rại (dại) vô cùng./

Áo dài Lemur (Phong Hóa số 91). May sát người, phần cái cúc (nút) ở hông áo được chia đều thành 4 hình nửa mặt trăng và cả 2 vạt áo cắt thành hình “feston” (rèm hoa). (Hình: Nguyễn Tà Cúc cung cấp)
Áo dài Lemur (Phong Hóa số 91). May sát người, phần cái cúc (nút) ở hông áo được chia đều thành 4 hình nửa mặt trăng và cả 2 vạt áo cắt thành hình “feston” (rèm hoa). (Hình: Nguyễn Tà Cúc cung cấp)

Nhưng nói là nói vậy, nếu các bạn gái không sợ ở sạch, tôi sẽ khuyên nên mặc hẳn quần trắng. Cái quần trắng cũng như cái đường ngôi lệch, đôi giầy gót cao, e nó chẳng hề tiêu biểu cho sự lãng mạn, dâm ô. Nếu các bạn cũng lại đồng ý như tôi: “sống thời buổi nào, theo thời buổi ấy” mà lựa gió soay (xoay) chiều, tôi xin đánh bạo khuyên thêm các bạn nên sửa sang lại bộ áo. Sửa sang đây không phải là công việc dễ. Vẫn biết rằng mỗi bước tiến là một bước hay, mỗi điều mới là một điều lạ, song bước vội hay ngã, mà mới quá, có thể làm ta chướng mắt. Vậy sửa đổi, ta phải sửa đổi dần, tỉ như người chèo (trèo) thang phải chèo (trèo) từng bậc.

Bộ áo các bạn gái rồi đây phải như thế nào? Trước hết, nó phải hợp với khí hậu xứ ta, với thời tiết các mùa, với công việc, với khuôn khổ, với mực thước của thân hình mỗi bạn, sau nữa, nó phải gọn gàng, dản (giản) dị, mạnh mẽ và có vẻ mỹ thuật và lịch sự. Nhưng dù thế nào, nó cũng phải có cái tính cách riêng của nước nhà mới được. Các bạn là phụ nữ Việt Nam, vậy áo của các bạn phải có một vẻ riêng để người khác khỏi nhầm các bạn với phụ nữ nước ngoài, như nước Tàu, nước Pháp, nước Nhật Bản chẳng hạn… mà cả nước Lồ lố nữa (nếu nó cũng là một nước). Các bạn thử để ý nhận xem cái áo hiện thời của các bạn có điều gì bất tiện và thừa không?

Muốn để các bạn khỏi mất thì giờ vô ích, tôi xin thưa: Chính cái cổ là thừa và hai ống tay bất tiện. Cúc cổ chẳng bao giờ cài thì cái cổ để làm gì, tôi xin hỏi? Để che cổ ư? Thì nó nhỏ síu (xíu) thế kia, che thế nào đủ, vả lại áo các phụ nữ nước lạnh bên Âu Mỹ còn chẳng cần cổ, nữa là xứ ta khí hậu rất nóng. Còn hai ống tay thì… thì các bạn cứ thử co tay lại vuốt mái tóc mà xem. Có phải nó chật quá không? …nó khó chịu và bất tiện lắm không? Mà người không dám co tay vào, ruổi (duỗi) tay ra thì mất hết vẻ tự nhiên, mềm mại, yểu điệu của trời đất phú riêng cho các phụ nữ không? Không những thế, các kiểu áo của các bạn nó lại còn kỳ dị lắm nữa. Nếu các nhà mỹ thuật Âu Mỹ qua xứ ta, chẳng may lần đầu mà được thấy những bộ áo của các bạn, tôi dám chắc họ phải ngạc nhiên mà buột mồm kêu: “Ố là là…” (nếu họ là người Pháp). Phải, họ lấy làm lạ là phải vì phụ nữ nhà Nam sống trong thế kỷ thứ hai mươi này mà còn giữ những bộ quần áo lôi thôi, lốc thốc như thế ư?

Trời sinh ra người, vốn sẵn dành cho các hình dáng riêng, chỗ nở chỗ thắt hợp với đủ phương diện mỹ thuật chứ chẳng phải là trơn tuột như cái hộp kẹo sìu hay ống bột “nét-lê”. Bởi vậy áo mặc phải ăn với người, phải có đường lối văn minh thì vẻ đẹp ấy mới có thể lộ ra ngoài được. Sau nữa kiểu mẫu phải tùy theo từng người mà thêm bớt. Ví dụ như áo người gầy phải nhiều nếp chếp thêm mà áo người mập mạp phải cho lẵn thì trông mới mất vẻ khẳng khiu hay sồ sề. Muốn các bạn hiểu được những sự sửa sang hay thêm bớt đó thì từ kỳ sau tôi sẽ lần lượt phô bầy những kiểu mẫu tôi đã nghĩ được.

Tôi mong rằng rồi đây các bạn gái sẽ tiến bước, gác bỏ ra ngoài những điều bình phẩm vô giá trị. Vẫn biết rằng: người ta phải cần dư luận, nhưng dư luận “quáng gà” ta có quyền vứt bỏ. Điều gì hay, ta theo, dở ta bỏ, miễn là ta không làm gì quá lạm, rởm đời có thể tổn hại đến hạnh phúc, hại đến danh dự của ta và của nước.” (Nguyễn Cát Tường)- Xem tiếp kỳ 2

Vài nét về Nguyễn Tà Cúc

Nguyễn Tà Cúc sinh năm 1953 tại Vụ Bản, Nam Định. Di cư vào Nam năm 1953 lúc mới có sáu tháng tuổi. Sống ở Sàigòn cho đến khi rời Việt Nam di tản sang Hoa Kỳ vào tháng 4 năm 1975. Học tại các Trường Nữ Trung học Gia Long, Đại học Khoa học và Đại học Vạn hạnh, Sàigòn. Năm 2007, trở lại Pennsylvania để tiếp tục việc học dở dang từ năm 1980. Tốt nghiệp Cử nhân năm 2009 và tốt nghiệp Cao học năm 2010 về Hoa Kỳ Học (American Studies). Cô làm Thư ký Tòa soạn Nguyệt san Khởi Hành (Nam California) do nhà thơ Viên Linh làm Chủ nhiệm và Chủ bút và cũng là người duy nhất cùng nhà thơ Viên Linh làm tạp chí văn hóa này. Là người viết phê bình của Khởi Hành, cô đã viết nhiều loạt bài liên quan đến Văn học Miền Nam và những vấn đề Phụ nữ.

XS
SM
MD
LG