Đường dẫn truy cập

Sự trỗi dậy của IS gây chuyển biến tại Syria và Iraq năm 2014


Các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo trong một cuộc diễu hành ở Raqqa, phía bắc Syria, hồi đầu năm 2014. (Ảnh tư liệu, AP/Trung tâm Truyền thông Raqqa của nhóm IS)
Các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo trong một cuộc diễu hành ở Raqqa, phía bắc Syria, hồi đầu năm 2014. (Ảnh tư liệu, AP/Trung tâm Truyền thông Raqqa của nhóm IS)

Sự nổi lên của nhóm Nhà nước Hồi giáo như một lực lượng nhiều thế lực ở Iraq và Syria vào đầu năm 2014 đã thay đổi động năng trong khu vực. Các phương pháp tàn bạo của họ - kể cả việc hành quyết và nô lệ cưỡng bách – đã gây kinh hoàng cộng đồng quốc tế, thu hút các lực lượng Tây phương vào cuộc xung đột. Nó cũng gây manh mún trong cuộc chiến ở Syria, nơi các vụ tấn công của lực lượng chính phủ tiếp tục gây thương vong ác liệt.

Nhà nước Hồi giáo, còn gọi là ISIL hay ISIS, xuất thân từ một nhóm chủ chiến Hồi giáo Sunni khác, là al-Qaida ở Iraq. Sự nổi lên nhanh chóng của nhóm này trong năm 2014 gây kinh động cộng đồng quốc tế, theo ông Michael Stephens, giám đốc Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia ở Qatar:

“Rất rõ là có những vấn đề chồng chất lên ở Iraq vào cuối năm 2013 nhưng mọi người đều bị Syria làm phân tán… Khi ISIS thực sự mở cuộc tấn công ở Iraq, tổ chức này đã thay đổi hoàn toàn cục diện.”

Hồi đầu tháng Giêng, ISIS đã chiếm thị trấn Fallujah của Iraq. Ông Sajjan Gohel là Giám đốc An ninh Quốc tế của Quỹ châu Á Thái Bình Dương.

“Sự kiện đó lẽ ra là một lời cảnh tỉnh. Chúng ta đã ngủ mê trong vấn đề này và đã vào cuộc rất trễ.”

Hồi tháng 5, nhóm này đã chiếm thành phố lớn thứ nhì của Iraq là Mosul. Binh sĩ Iraq bỏ trốn, và ISIS đã cướp vũ khí của họ cùng với áng chừng 400 triệu đôla. Nhóm này tự lấy tên là “Nhà nước Hồi giáo.” Các chiến binh của nhóm đã chiếm những khu vực rộng lớn ở miền bắc Syria và Iraq. Ông Sajjan Gohel giải thích cuộc tiến quân nhanh của bọn họ.

“Bọn họ đã trả lại phần đất bị chế độ Assad chiếm cho dân bộ tộc. Bọn họ cho phép dân chúng điều hành các cơ sở kinh doanh. Bọn họ kết hôn với các gia đình. Vì thế mà họ tăng cường vị thế ở địa phương.”

Ngược lại, Thủ tướng Iraq người Shia, ông Nouri al-Maliki bị cáo buộc là kỳ thị người Sunni, từ đó đã châm ngòi cuộc nổi dậy. Dưới áp lực của quốc tế, ông đã từ chức hồi tháng 8.

Vào lúc lực lượng Nhà nước Hồi giáo tràn qua khắp miền bắc Iraq, người Yazidi thiểu số bị kẹt ở ngọn núi Sinjar. Hàng trăm người bị giết; hàng ngàn người đã bị bắt và bị buộc làm nô lệ.

Lực lượng Peshmerga người Kurd đã tham chiến. Hoa Kỳ bắt đầu các cuộc không kích nhắm vào các vị trí của Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và sau đó ở Syria. Hoa Kỳ được sự góp sức của các đồng minh như Anh Quốc, và cả các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập, và gần đây nhất là Iran.

Nhà nước Hồi giáo đáp lại bằng cách thu hình các vụ chặt đầu một số con tin Tây phương – trước sự kinh hoàng của thế giới. Ông Gohel nhận định:

“ISIS đã đoàn kết cộng đồng quốc tế, nơi ta thấy các đối tác thường có quan hệ rất căng thẳng như Iran và Hoa Kỳ, cả các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập chưa hề can dự vào cuộc chiến chống các phần tử cực đoan trước đây một cách có ý nghĩa.”

Trong khi đó, lực lượng chính phủ dưới quyền Tổng thống Bashar al-Assad tiếp tục oanh kích các khu vực do phe nổi dậy chiếm đóng. Đạo quân Giải phóng Syria đang chống lại cả chính phủ và các lực lượng Hồi giáo; những lời khẩn cầu cấp thiết đòi thêm vũ khí của Tây phương cho đến nay chưa được chú ý. Theo ông Michael Stephens, tình trạng đó có thể thay đổi:

“Tôi nghĩ năm tới điều chúng ta sẽ thấy là một sự cam kết rõ ràng hơn từ phía người Mỹ khi họ nhận ra rằng ngày càng cần đến nhiều biện pháp hơn để có thể ngăn chặn cả Iraq và Syria sụp đổ thành hư không.”

Trong khi mối đe dọa do Nhà nước Hồi giáo đề ra ngày càng tăng, các chuyên gia phân tích cho rằng giới lãnh đạo sẽ đối diện với áp lực ngày càng tăng phải chiến đấu với nhóm khủng bố không những từ trên không, mà còn cả trên các vùng cát của Iraq và Syria.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG