Đường dẫn truy cập

Serbia đạt tiến bộ trong tiến trình gia nhập EU


Serbia đã thực hiện một bước "không thể đảo ngược" tiến tới chỗ gia nhập Liên hiệp Âu châu, với cuộc đàm phán về hai chương đầu của tiến trình gia nhập khai mạc ngày 15/12 tại Brussels. Từ trung tâm tin tức Tây Âu của đài VOA tại London, thông tín viên Phillip Wellman gởi về bài tường thuật.

Các nhà phân tích cho biết việc khai mạc cuộc đàm phán của Liên hiệp Âu châu hôm 15/12 là một phần thưởng dành cho sự hợp tác của Serbia trong việc bình thường hoá quan hệ song phương với Kosovo và giao nộp những nghi can tội ác chiến tranh.

Các cuộc thảo luận sơ bộ về việc Serbia gia nhập EU đã bắt đầu cách nay khoảng hai năm.

Ông James Ker-Lindsay, một nhà nghiên cứu của Trường Kinh tế London, cho biết cuộc đàm phán này đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn đầu kéo dài khá lâu.

Ông Ker-Lindsay nói: "Bây giờ chúng ta thật sự tiến hành những công việc khó khăn là bắt đầu chuyển hoá Serbia. Đây là lúc mà tiến trình thật sự của tất cả những khía cạnh của cuộc sống thường nhật, mà Serbia phải thay đổi để chuẩn bị cho việc gia nhập EU, được xem xét một cách hết sức kỹ lưỡng."

Cuộc đàm phán này tập trung vào những qui định về kiểm soát tài chánh và những mối quan hệ giữa Serbia với Kosovo. Ông Robert Ledger, một nhà phân tích của tổ chức Global Risk Insights ở London, cho rằng vấn đề Kosovo có thể sẽ gây trở ngại cho cuộc đàm phán.

Ông Ledger cho biết: "Vấn đề chính là việc bình thường hoá quan hệ với Kosovo. Đó là một vấn đề rất gai góc đối với cả hai phía."

Thủ tướng Serbia Aleksandar Vucic tuyên bố vấn đề này sẽ không ngăn cản tiến trình hội nhập và khẳng định rằng 'Serbia thuộc về Liên hiệp Âu châu.'
Thủ tướng Serbia Aleksandar Vucic tuyên bố vấn đề này sẽ không ngăn cản tiến trình hội nhập và khẳng định rằng 'Serbia thuộc về Liên hiệp Âu châu.'

Kosovo tách khỏi Sebia trong cuộc chiến tranh Kosovo năm 1999 và tuyên bố độc lập vào năm 2008. Belgrade không công nhận chủ quyền của Kosovo, nhưng đã có những sự nhượng bộ để đổi lấy quyền tự trị cho những thành phố của người Serbia ở Kosovo.

Thủ tướng Serbia Aleksandar Vucic tuyên bố vấn đề này sẽ không ngăn cản tiến trình hội nhập và khẳng định rằng "Serbia thuộc về Liên hiệp Âu châu."

Tuy nhiên, không phải mọi người ở quốc gia vùng Balkan này đều đồng ý như vậy. Gia nhập Liên hiệp Âu châu sẽ mang lại những lợi ích kinh tế, nhưng đa số dân chúng Serbia tin rằng những lợi ích đó không nhiều như sự tuyên truyền của chính phủ, nhất là khi họ nhìn vào những kinh nghiệm của hai nước thuộc Nam Tư cũ là Slovenia và Croatia.

Giáo sư Marco Hoare của Đại học Kingston cho biết Serbia bị chia rẽ giữa hai phe là phe tự do và phe dân tộc cực đoan.

Ông Hoare nói: "Những người thuộc phe tự do xem họ là người Âu châu và muốn phát triển theo đường lối tự do, dân chủ của Tây phương. Những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan xem Tây phương là kẻ thù, là những người đã dội bom Serbia năm 1999 và làm cho Nam Tư bị tan rã. Họ tin là họ sẽ bị mất đi văn hoá của mình nếu họ gia nhập Liên hiệp Âu châu và họ chống đối những thứ như quyền của người đồng tính luyến ái và quyền của thiểu số."

Nga không công khai chỉ trích các kế hoạch của Serbia để gia nhập Liên hiệp Âu châu. Mối quan tâm của Moskova dường như là sự nới rộng của liên minh NATO và họ đã gọi việc NATO mời Montenegro gia nhập hồi đầu tháng này là "một bước đồi đầu công khai."

Serbia cho biết họ không có ý định trở thành một thành viên NATO, và mới đây họ khẳng định là sẽ duy trì vị thế trung lập về quân sự nếu họ gia nhập Liên hiệp Âu châu.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích Dijedon Imeri của tập san quốc phòng Jane’s, Serbia khó lòng duy trì vị thế trung lập trong lúc tiến tới chỗ hội nhập hoàn toàn vào Âu châu.

Chủ tịch Liên hiệp Âu châu Jean-Claude Juncker tuyên bố liên hiệp này phải thẩm định lại những nỗ lực nới rộng.
Chủ tịch Liên hiệp Âu châu Jean-Claude Juncker tuyên bố liên hiệp này phải thẩm định lại những nỗ lực nới rộng.

Ông Imeri cho biết: "Sẽ khó duy trì sự cân bằng này trong dài hạn, và điều đó tuỳ thuộc vào những diễn biến ở miền đông Ukraine và sự can dự của Nga ở khu vực đó. Nếu Nga tiếp tục con đường hiện nay thì Serbia khó lòng duy trì sự mơ hồ trong chính sách đối ngoại và rốt cuộc họ sẽ phải chọn lựa."

Serbia loan báo các kế hoạch để hoàn tất những biện pháp cải cách để gia nhập Liên hiệp Âu châu vào năm 2019, nhưng hầu hết các nhà phân tích cho rằng Serbia sẽ gia nhập liên hiệp này trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2025.

Trong lúc tiến hành cuộc đàm phán với Serbia, các nhà thương thuyết của Liên hiệp Âu châu tại Brussels cũng đã thực hiện lại cuộc thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề gia nhập, hơn một năm sau khi Chủ tịch Liên hiệp Âu châu Jean-Claude Juncker tuyên bố liên hiệp này phải thẩm định lại những nỗ lực nới rộng.

Các nhà phân tích cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với nhiều thách thức rất lớn trong nỗ lực gia nhập Liên hiệp Âu châu, nhất là về các vấn đề nhân quyền và pháp trị.

Trong bản phúc trình hồi tháng trước về Thổ Nhĩ Kỳ, Uỷ hội Âu châu yêu cầu Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thu hồi những biện pháp hạn chế tự do truyền thông và tăng cường sự bảo vệ cho các quyền con người.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG