Một bản phúc trình mới của LHQ về lao động và di trú ở châu Á-Thái Bình Dương nói rằng những lợi ích kinh tế từ việc di trú thường bị bỏ qua. Phúc trình kêu gọi các chính sách quảng bá hợp tác thêm trong khu vực để tránh nguy cơ làm tăng thêm tình trạng bất bình đẳng và nạn vi phạm nhân quyền. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Ron Corben ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật.
Tính toàn cầu trong năm 2013 có hơn 213 triệu người di trú trên khắp thế giới với trên 59 triệu người sống trong vùng châu Á-Thái Bình Dương, đánh dấu một xu hướng gia tăng kể từ năm 1990.
Bản phúc trình LHQ công bố trong tuần này nói trên toàn thế giới, có trên 95 triệu người di trú xuất thân từ các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đó là mức tăng gần 50% trong vòng 2 thập niên vừa qua. Và, theo bản phúc trình, xu hướng này chắc chắn sẽ tiếp tục.
Ông Hongjoo Hahm, Phó bí thư điều hành Ủy ban Kinh Xã LHQ đặc trách châu Á-Thái Bình Dương, tức UNESCAP nói lực đẩy chính lèo lái việc di trú trong vùng là kinh tế.
“Lợi ích kinh tế là lý do vì sao dân di trú xê dịch và chúng ta thấy dân di trú phần lớn di dời không giống như các khu vực khác trên thế giới. Tại châu Á, một trong những đặc điểm lớn nhất và độc đáo nhất là di trú diễn ra từ miền nam đến miền nam, ngoại trừ những người đi tới các nước dầu khí trong vùng Vịnh”.
Mỗi năm, khoảng 2 triệu người Philippines ra đi để làm việc ở nước ngoài. Hơn một nửa triệu công nhân rời khỏi Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia và Pakistan hàng năm.
Các điểm đến chính của nhiều người bao gồm các nước như Brunei Darussalam, Kazakhstan, Malaysia, Maldives, Liên bang Nga, Singapore và Thái Lan.
Nhưng các hạn chế áp dụng dối với công nhân di trú ở một số nước tiếp nhận tác động đến quyền di trú và hạn chế việc tiếp cận các biện pháp bảo hộ xã hội. Phúc trình LHQ nói những hạn chế như thế thường không được biện minh về mặt kinh tế và có hại cho nhân quyền.
Ông Hongjoo của UNESCAP nói người ta cũng nhận thấy những vấn đề như tác động trực tiếp của di trú đối với lương bổng và tình trạng bất bình đẳng ở địa phương là rất nhỏ.
“Điều chúng tôi nhân thấy về mặt khác là tác động đối với lương bổng, đối với tình trạng bất bình đẳng và công ăn việc làm phần lớn được định trước và là một chức năng của các chính sách chính phủ - chứ không phải là của dân di trú. Khi cung cấp cho dân di trú công ăn việc làm tử tế, khi đối xử với dân di trú như dân của mình, hòa nhập họ vào nền kinh tế và đối xử họ như lao động quốc dân – thì điều đó thực sự có lợi cho nền kinh tế quốc dân”.
Nhưng ông Phil Robertson, Phó giám đốc đặc trách châu Á của tổ chức Human Rights Watch, nói các chính phủ khu vực, như Malaysia, thích di trú bất thường “ngắn hạn” hơn, khiến nhiều di dân trong nền kinh tế bất thường không chính thức phải đối mặt với tình trạng không được mấy sự bảo vệ.
“Qua tất cả những vấn đề này người ta có cảm tưởng an ninh quốc gia bị thổi phồng cho rằng về mặt nào đó những người tị nạn và di dân này cấu thành một hình thực đe dọa đối với đất nước họ. Ta thấy tình trạng này ở Thái Lan, nơi thường đề cập đến dân di trú như những đám đông người tị nạn hỗn tạp, ta thấy tình trạng này ở Malaysia, nơi có nỗ lực tìm cách tiếp tục kiềm giữ người tị nạn đứng ngoài nền kinh tế chính quy, không ban cho họ quyền làm việc.”
Ông Robertson nói Cộng đồng Kinh tế ASEAN, tức AEC, cũng đã thất bại trong việc hình thành các chính sách làm việc của di dân phản ánh những sắp xếp hiện hữu có liên quan đến hàng hóa và dịch vụ.
Các kinh tế gia LHQ nói xu hướng di trú trong tương lai cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những thay đối dân số trong khu vực, nhất là ở những vùng dân số lớn tuổi hơn, với lời kêu gọi có những chính sách khu vực dựa vào sự tôn trọng nhân quyền, công ăn việc làm tử tế và bảo vệ xã hội cả cho công dân lẫn người di trú.