Đường dẫn truy cập

Pháp gọi việc Hoa Kỳ nghe lén là 'không thể chấp nhận được'


Từ trái sang: Cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac, Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Đương kim Tổng thống Francois Hollande.
Từ trái sang: Cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac, Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Đương kim Tổng thống Francois Hollande.

Pháp sắp gửi một giới chức tình báo hàng đầu đến Washington sau khi có những bản tin bị tiết lộ dường như cho thấy Hoa Kỳ đã nghe lén ba nhà lãnh đạo trước đây, kể cả đương kim Tổng thống Francois Hollande. Ông Hollande mô tả việc nghe lén theo như lời cáo buộc là việc “không thể chấp nhận được.”

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã triệu tập Đại sứ Hoa Kỳ tại Pháp, bà Jane Hartley, đến để thảo luận về những bản tin do Wikileaks và hai cơ quan tin tức Pháp tiết lộ. Các bản tin này nói có bằng chứng là từ năm 2006 đến năm 2012, Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ NSA đã nghe lén các cuộc nói chuyện của tổng thống Pháp Francois Hollande và những người tiền nhiệm của ông là hai ông Nicolas Sarkozy và Jacques Chirac. WikiLeaks và các ký giả sẽ còn nhiều điều khác được tiết lộ sau.

Tin tức chưa được kiểm chứng đã châm ngòi cho sự phẫn nộ ở Pháp, mặc dầu dường như các tin này không gây ra nhiều ngạc nhiên. Ông Hollande đã triệu các phiên họp khẩn hôm thứ Tư để thảo luận về những cáo buộc. Ông nói trong một phát biểu rằng việc Hoa Kỳ nghe lén là không thể chấp nhận được.

Phát biểu trước quốc hội vào cuối ngày, Thủ tướng Manuel Valls gọi những lời cáo buộc là rất nghiêm trọng.

Ông nói Hoa Kỳ phải thừa nhận nguy cơ họ đề ra cho tự do, nhưng cũng phải làm mọi thứ trong quyền hạn của mình để mau chóng hàn gắn thiệt hại đã gây ra cho quan hệ Mỹ-Pháp.

Một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia nói Washington không và sẽ không nhắm mục tiêu vào những thông tin liên lạc với ông Hollande, nhưng ông này không đề cập đến những thông tin liên lạc trước đây.

Trong nhiều vấn đề, những bức điện dường như của chính phủ Hoa Kỳ thảo luận những lo ngại của ông Hollande về vụ khủng hoảng khu vực euro của Hy Lạp và ông Sarkozy tính đến việc tái khởi động các cuộc hòa đàm Trung Đông mà không có sự tham dự của Washington. Một thành viên trong đảng của ông Sarkozy vừa đổi tên thành đảng Cộng hòa mô tả các tin tức là kinh động.

Thành viên của đảng, ông Eric Ciotti nói với đài phát thanh France Info rằng Washington cần phải cung cấp một lời giải thích và cũng phải xin lỗi về các tập tục mà ông gọi là bất xứng.

Nhưng chuyên gia phân tích Philippe Moreau Defarges của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp tin rằng vụ tranh cãi sẽ sớm phai nhạt:

“Không phải là điều lạ. Hôm nay tôi nghĩ WikiLeaks là một vấn đề cũ rồi. Hôm nay, có những ưu tiên khác, liên quan đến Trung Đông, liên quan đến Địa Trung Hải … đó là lý do vì sao tôi nghĩ chuyện này sẽ bị lãng quên mau chóng.”

Những hồ sơ bị tiết lộ trước đây cũng đã có vẻ gợi ý là NSA nghe lén Thủ tướng Đức Angela Merkel, và có thể cả các đồng minh khác nữa. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã ra lệnh đình chỉ việc nghe lén các nhà lãnh đạo các nước đồng minh. Ông Hollande năm ngoái nói ông đã thảo luận những mối quan ngại về việc nghe lén với ông Obama và nói rằng “sự tin cậy đã được phục hồi.”

Các bản tin dường như được tính toán để trùng hợp với một cuộc biểu quyết chung cuộc tại Quốc hội Pháp vào cuối ngày thứ Tư về một dự luật gây nhiều tranh cãi có liên quan đến vấn đề theo dõi.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG