Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Campuchia bênh vực thỏa thuận về người tị nạn với Australia


Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen đang tìm cách xoa dịu các mối lo ngại về những thiệt hại xã hội và kinh tế gây ra bởi kế hoạch nhận người tị nạn với Australia. Theo tường trình cho Đài VOA của Thông tín viên Ron Corben từ Bangkok, Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch có trụ sở tại Mỹ đã kêu gọi ngưng thỏa thuận này cho đến khi Campuchia cải thiện hệ thống hỗ trợ cho người tị nạn.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen lên tiếng bênh vực chương trình tái định cư người tị nạn trong một bức thư viết trong tuần trước gởi cho chính trị gia đối lập Kem Sokha, đệ nhất phó chủ tịch Quốc hội.

Hôm nay, nhật báo Phnom Penh Post tại Campuchia đăng chi tiết bức thư này, tường thuật rằng Thủ tướng bênh vực khả năng của Campuchia trong việc nhận người tị nạn. Ông Hun Sen nói khoảng 85 người tầm trú thuộc chương trình năm 2009 từ các nước như Pakistan, Sudan, Miến Điện và Việt Nam đã được tái định cư.

Ông nói thêm là những dịch vụ dành cho những người mới đến sẽ được Australia chi trả qua 35 triệu đô la của chương trình tái định cư.

Thỏa thuận ký vào tháng 9 năm nay đã bị các tổ chức nhân quyền và Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc cực lực chỉ trích. Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc nói những người tị nạn tại Campuchia vốn đã phải đối mặt với những nhiều khó khăn về tài chánh và tiếp tế tại quốc gia nghèo túng này.

Bà Elaine Pearson, giám đốc tại Australia của Human Rights Watch nói Campuchia cần phải cải tổ chương trình tái định cư người tị nạn trước khi người tị nạn đến theo thỏa thuận với Australia.

“Kinh nghiệm tại Campuchia đã khá tệ hại đối vối những người tị nạn hiện hữu. Ý tôi muốn nói là những người này phải đối mặt với đủ mọi vấn đề. Không có người nào được cấp giấy tờ cư trú hợp lệ và hậu quả là mỗi một bước để giải quyết bất cứ việc gì, họ đều phải nộp tiền cho tham nhũng và phạt vạ. Nhiều người thất nghiệp chỉ ở nhà. Họ không muốn lâm vào rủi ro phải trả tiền cho nhà cầm quyền Campuchia.”

Những người tị nạn hội đủ điều kiện tái định cư tại Campuchia hiện tạm trú tại đảo Nauru ở Thái Bình Dương. Những người này đã bị Canberra từ khước không cấp cho tình trạng tị nạn, theo chính sách khắt khe hơn của chính phủ Australia đối với những người đến nước này bằng tàu thuyền.

Australia đã gây khó khăn hơn cho những người tầm trú đến bờ biển nước này vì cho rằng nhiều người đến bằng tàu thuyền là những di dân kinh tế, chứ không phải là người tị nạn.
Australia đã gây khó khăn hơn cho những người tầm trú đến bờ biển nước này vì cho rằng nhiều người đến bằng tàu thuyền là những di dân kinh tế, chứ không phải là người tị nạn.

Trong những năm gần đây, Australia đã cố gắng gây khó khăn hơn cho những người tầm trú đến bờ biển nước này vì cho rằng nhiều người đến bằng tàu thuyền là những di dân kinh tế, chứ không phải là người tị nạn. Giới hữu trách cũng nói là bằng cách truy dẹp những tàu thuyền đến Australia, họ làm nản lòng những tay buôn người thực hiện các chuyến đi nguy hiểm trên biển.

Australia đang có kế hoạch tài trợ tạm thời những dịch vụ cần thiết và tái định cư cho những người tị nạn tình nguyện đến Campuchia, trong ít nhất một năm, và sau đó hỗ trợ trên căn bản từng trường hợp một. Australia cho biết sẽ cung cấp bảo hiểm y tế trong vòng 5 năm.

Nhưng những người tị nạn tại Campuchia chỉ có giấy tờ tạm thời được gọi là 'prakas' - xác nhận quyền được ở lại Campuchia, nhưng không đủ để dùng trong những mục đích chính thức khác, gồm việc mở một tài khoản trong ngân hàng.

Thượng nghị sĩ Sarah Hanson-Young, một thành viên của đảng Xanh trong Quốc hội Australia, thực hiện một cuộc đánh giá kéo dài một tuần lễ tại Campuchia trong tháng này và cho biết Campuchia không được trang bị đầy đủ để đáp ứng những nhu cầu của một nhóm người khác dễ bị tổn thương.

“Dù họ có mặt tại đây hợp pháp theo giấy tờ của chính phủ nhưng họ không được dành cho việc làm, họ không được tiếp cận với những dịch vụ địa phương mà không có bất cứ loại thẻ chứng minh nhân dân cộng đồng được công nhận. Họ không thể mua được một thẻ dùng trong máy điện thoại di động, không thể mua xe máy, hay mở tài khoản ngân hàng để gởi tiền. Họ được đối xử để chỉ thất bại mà thôi.”

Nữ tu Công giáo Australia, Sơ Denise Coghlan, đã làm việc tại Campuchia kể từ năm 1990, nói những người tị nạn sẽ cần những cố vấn về chấn thương tinh thần vì ảnh hưởng của việc bị giam giữ tại trại Nauru và điều chỉnh để thích hợp với Campuchia. Sơ Coghlan lo ngại Australia đang tạo ra tiền lệ đối phó với những người tị nạn.

Chính phủ Canberra hy vọng bằng cách truy dẹp những tàu thuyền đến Australia, họ làm nản lòng những tay buôn người thực hiện các chuyến đi nguy hiểm trên biển.
Chính phủ Canberra hy vọng bằng cách truy dẹp những tàu thuyền đến Australia, họ làm nản lòng những tay buôn người thực hiện các chuyến đi nguy hiểm trên biển.

“Tôi thực sự xấu hổ cho Australia vì trút trách nhiệm cho những nơi khác, nhưng thật khó hiểu tại sao họ lại chọn một số nước nghèo nhất với nhiều người nghèo để cung cấp dịch vụ cho một nhóm người khác sẽ phải vất vả trong cuộc sống lúc ban đầu. Tôi cảm thấy rất buồn về chuyện này. Australia đang đặt ra một tiền lệ hết sức nguy hiểm nếu nước này bắt đầu bán đứng những người tị nạn.”

Phúc trình của Human Rights Watch kêu gọi Australia theo dõi chặt chẽ việc thực thi thỏa thuận và kêu gọi chính phủ Campuchia hợp tác với các cơ quan Liên hiệp quốc và những tổ chức phi chính phủ liên hệ để bảo đảm người tị nạn được đối xử công bằng và được cung cấp những trợ giúp chính thức.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG