Đường dẫn truy cập

Nông dân Châu Á tiếp tục gánh chịu nhiều thiệt thòi


Nông dân làm việc trong ruộng lúa ở ngoại ô Agartala, thủ phủ bang Tripura, Ấn Độ.
Nông dân làm việc trong ruộng lúa ở ngoại ô Agartala, thủ phủ bang Tripura, Ấn Độ.

Hầu như toàn bộ lương thực ở Châu Á Thái Bình Dương được sản xuất bởi các nhà nông canh tác với qui mô nhỏ. Nhưng có một điều mỉa mai là chính những người này lại là khối người đông đảo nhất trong số những người nghèo khó và đói kém trong xã hội. Từ Bangkok, thông tín viên Steve Herman của đài VOA gởi về bài tường thuật.

5 nông dân vùng Châu Á Thái Bình Dương hôm nay đã nhận được giải thưởng của một cơ quan của Liên hiệp quốc nhân Ngày Lương thực Thế giới nhờ công lao và sáng kiến của họ trong lãnh vực nông nghiệp gia đình hay còn gọi là canh tác hộ gia đình.

“Thỉnh thoảng chúng ta mới cần tới bác sĩ hay luật sư, nhưng chúng ta cần tới nông dân ba lần mỗi ngày.” Bà Estrella Penunia, Tổng thư ký Hiệp hội Nông dân Á châu cho Phát triển Nông thôn Bền vững, đã phát biểu như vậy tại buổi lễ trao giải ở Bangkok.

Ông Hiroyuki Komuna, Giám đốc khu vực của Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc (FAO), đã đề cập tới một sự mỉa mai là mặc dù hầu hết lương thực trong khu vực được sản xuất bởi các nông dân canh tác hộ gia đình, nhưng “những người này chiếm phần lớn nhất trong số những người nghèo khó, đói kém trong xã hội chúng ta.”

“Tại sao chúng tôi nghèo?”, bà Penunia đã đặt câu hỏi như vậy và nêu ra nhiều nguyên do khác nhau, trong đó có vấn đề quyền đất đai không được bảo đảm, đất đai bị các công ty tư nhân chiếm đoạt, không có hạt giống tốt với giá phải chăng, khó tiếp cận nguồn vốn, giá thành đầu vào ở mức cao và hệ thống đường sá không tốt khiến cho việc đưa nông sản ra thị trường trở nên khó khăn.

Nông dân nghèo khó vì đất đai bị các công ty tư nhân chiếm đoạt, không có hạt giống tốt với giá phải chăng, khó tiếp cận nguồn vốn, giá thành đầu vào ở mức cao và hệ thống đường sá không tốt khiến cho việc đưa nông sản ra thị trường trở nên khó khăn.
Nông dân nghèo khó vì đất đai bị các công ty tư nhân chiếm đoạt, không có hạt giống tốt với giá phải chăng, khó tiếp cận nguồn vốn, giá thành đầu vào ở mức cao và hệ thống đường sá không tốt khiến cho việc đưa nông sản ra thị trường trở nên khó khăn.

Một thách thức khác nữa là làm thế nào để thuyết phục những người trẻ tuổi theo đuổi nghề nông chứ không đi tìm những công việc có lương cao hơn ở thành thị.

Trong bài diễn văn đọc tại lễ trao giải ở trụ sở FAO ở Bangkok, Công chúa Chakri Sirindhorn của Thái Lan nói rằng: “Phải có đủ đầu tư ở các khu vực nông thôn để cho những người trẻ muốn ở lại và nhận lãnh trách nhiệm nuôi ăn cho nhiều người với một phuơng thức bền vững.”

Ông Kim Nhạc Phẩm, một nông dân ở tỉnh Triết Giang của Trung Quốc, là một trong những người trở về quê quán để theo đuổi nghề nông.

Ông Kim nói: “Ở làng tôi chỉ còn người già và con nít... Tại sao tôi trở về để làm nghề nông? Trước hết, tôi muốn bảo vệ phương thức canh tác cổ truyền của chúng tôi. Tôi vẫn còn nhớ nụ cười của cha tôi vào mùa thu hoạch mỗi năm.”

Ông Kim bắt đầu mưu sinh bằng nghề rửa chén tại một tiệm ăn ở Paris trước khi trở thành đầu bếp chính ở đó. Ông về quê ở Khánh Điền để trồng lúa và nuôi cá. Sự thành công của ông đã được FAO tuyên dương.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài VOA, ông Kim cho biết sau khi từ Pháp về quê năm 2007, ông đã sửng sốt khi nhận ra là những kỹ thuật nông nghiệp cổ xưa có thể tốt hơn những phương thức hiện đại.

“Tôi thấy người ta nuôi cá trong những thửa ruộng trồng lúa. Tôi nhớ lại những ngày khi tôi còn bé và nhìn thấy những con cá bơi lội tung tăng trong ruộng,” ông Kim nói. “Chúng tôi đã canh tác từ nhiều ngàn năm nay với một cách thức khôn khéo hơn để bảo vệ sinh thái.”

Ông Kim đã đầu tư 25,000 đô la cho dự án đầu tư nuôi cá trồng lúa của ông, và kết quả là cả lúa lẫn cá của ông đã được cấp bằng chứng nhận quốc gia là thực phẩm “xanh”.

Ông Myo Thant ở Myanmar đã bắt đầu canh tác thử ruộng một héc ta của ông với một con bò và một chiếc máy cày. Giờ đây, ông có hai nông trại, mỗi nông trại rộng hơn 100 héc ta, và thuê mướn khoảng 50 nhân công.

Nông dân làm việc trên ruộng lúa ngoại ô Hà Nội.
Nông dân làm việc trên ruộng lúa ngoại ô Hà Nội.

Nhờ việc sử dụng những hạt giống lai tạo, ông đã có thể gieo trồng 3 vụ mỗi năm với năng suất cao gần 4 lần.

Ông nói: “Tôi là nông dân duy nhất ở Myanmar sản xuất hạt giống lai tạo.” Ông cũng trồng đậu đũa và đậu lăng trong lúc hạn chế việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. Ông dự trù mang bán lúa gạo của mình ra nước ngoài.

Nông dân ở tỉnh Mandalay này cho biết hệ thống thủy lợi của Myanmar không được tốt bằng các nước láng giềng, và nói rằng “Nếu chúng tôi có những hệ thống thủy lợi tốt hơn, sản lượng của chúng tôi sẽ gia tăng rất nhiều.”

Ba người khác được trao giải năm nay là bà Shailaja Popatlal Navandar, người dạy cách canh tác hữu cơ cho phụ nữ ở Ấn Độ; bà Ruth Yvette Hone, một nhà chăn nuôi gia súc ở New Zealand; và ông Patphong Mongkolkarnchanakhoon ở Thái Lan, là người dùng khí đốt sinh học từ phân heo để sản xuất điện dùng trong nhà và nông trại của mình.

Theo ước tính của FAO, sản lượng lương thực toàn cầu cần phải tăng thêm ít nhất là 60% vào năm 2050 để có thể nuôi ăn cho 9 tỉ người của thế giới – phần lớn là những người ở vùng Châu Á Thái Bình Dương.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG