Sau hơn 8 năm, tôi mới trở lại Đà Lạt vào một ngày đầu Xuân Bính Thân. Và một trong những điều mà tôi háo hức nhất khi thăm lại thành phố cao nguyên xinh đẹp và đầy mộng mơ quyến rũ này là diện kiến những bậc tiền bối lừng danh trong Nhóm Thân hữu Đà Lạt.
Tên tuổi đầu tiên mà tôi tìm đến là TS Hà Sỹ Phu, người vẫn thường được coi là thủ lĩnh của nhóm học thuật và đấu tranh dân chủ nổi tiếng khắp trong và ngoài nước ở Đà Lạt.
Do người ta đánh lại số nhà nên phải mất một lúc lâu tôi mới tìm được nhà ông theo địa chỉ mà ông công bố trên website cá nhân. Đập vào mắt tôi là một căn nhà cấp bốn nép mình khiêm tốn dưới cái dốc ngắn sát ngay bên đường Bùi Thị Xuân. Cánh cửa ngôi nhà khép chặt cùng ổ khoá bên ngoài báo hiệu chủ nhân đi vắng.
Tôi hỏi nhà hàng xóm thì được biết vợ ông phải vào Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cấp cứu cả tuần nay và ông phải ở trong viện để chăm sóc vợ.
Đến thăm vợ chồng ông ở bệnh viện, tôi khá bất ngờ khi lần đầu tiên được gặp ông ngoài đời – một con người khá nhỏ nhắn chứ không như hình dung của tôi qua các bức ảnh trên mạng. Câu hỏi chợt bật ra trong đầu tôi: Điều gì trong con người nhỏ bé, râu tóc bạc phơ cùng ánh mắt hiền từ và bao dung kia đã khiến cả hệ thống chính trị ở Việt Nam phải khiếp sợ suốt bao năm?
Ông rất cởi mở và chân thành sau khi nghe tôi tự giới thiệu, bởi ông cũng đã biết đến “tên tuổi” tôi từ lâu. Và cuộc trò chuyện của chúng tôi cứ diễn ra như thể giữa hai người thân lâu ngày mới gặp lại nhau.
Ông cho biết, vợ ông bị xuất huyết ở gan, cộng thêm chứng máu khó đông nữa nên bệnh tình rất nguy hiểm. Từ ngày nhập viện bà phải thường xuyên truyền đạm chứ hầu như không ăn uống được gì.
Sức khoẻ ông vốn không tốt, lại phải sống trong cảnh thường xuyên bị nhà cầm quyền sách nhiễu, khủng bố suốt hơn 25 năm qua nên giờ đây tình hình sức khoẻ sa sút nghiêm trọng, với đủ thứ bệnh tật trong người. (Trong khoảng thời gian đó, ngoài một năm ngồi tù, ông còn phải trải qua hơn 400 trăm buổi bị công an hỏi cung và làm việc, mà ông nhận xét là “như vậy thì còn chi là đời một con người nữa?”)
Trước kia, mỗi khi viết sách viết báo, ông cứ viết liền tù tì một mạch, bởi tất cả đã có sẵn trong đầu ông rồi. Chỉ khi nào cần trích dẫn chính xác cho tác phẩm của mình, ông mới phải tra cứu tài liệu. Nhưng giờ thì trí nhớ của ông đã suy giảm nhiều, thường hay quên.
Ông tỏ ra rất thương yêu và quan tâm, lo lắng cho vợ. Ông nói, những gì ông làm được cho cộng đồng, xã hội và đất nước trong hàng chục năm qua trước hết là nhờ sự hy sinh to lớn và thầm lặng của bà.
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi có lẽ còn kéo dài, nếu như không vì trước đấy, khi ông sửa lại gối cho vợ và giới thiệu tôi với bà, tôi thấy bà thì thầm điều gì đó với ông, rồi ông quay sang nói với tôi: “Chúng ta chỉ nên trao đổi chừng 10 phút thôi, bởi tôi còn phải chăm sóc vợ.”
Tôi nhận thấy trong ánh mắt của bà dường như phảng phất một nỗi e sợ nào đấy. Rõ ràng, không chỉ sức khoẻ mà cả tính mạng của bà đang nằm trong tay một cơ sở y tế nhà nước, trong khi vị khách đường đột của vợ chồng bà lúc này lại là một đối tượng vô cùng “nhạy cảm” của chế độ: người vạch trần những tội ác khủng khiếp của một loạt lãnh đạo cộng sản chóp bu kể từ năm 2008 đến nay. Sau bao năm cùng chồng nếm đủ mùi bầm dập từ cái chính thể vẫn tự vỗ ngực “là đạo đức, là văn minh”, bà hoàn toàn ý thức được mối nguy hiểm đó.
Điều này lại càng được xác thực khi tôi đứng lên từ biệt ông bà. Tôi đề nghị chụp với ông bức ảnh lưu niệm, nhưng ông đã hết sức nhã nhặn từ chối.
Nỗi sợ của bà Hà Sỹ Phu hoàn toàn không phải là cá biệt, mà chỉ là một trường hợp điển hình trong xã hội cộng sản.
Đại tá Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Trưởng ban Lịch sử Binh chủng Phòng không - Không quân, là một trường hợp tương tự. Ông từng một thời gian hoạt động khá tích cực trong nhóm các nhà lão thành cách mạng và các trí thức phản tỉnh của chế độ. Tuy nhiên, sau lần phải vào Viện Quân y 108 mổ tim cách đây mấy năm rồi phải thường xuyên uống thuốc do viện cấp, ông không còn tham gia vận động dân chủ nhiều như trước nữa. Điều kiện sức khoẻ chỉ là lý do thứ yếu; quan trọng hơn, như ông từng có lần nói với tôi: “Người ta có thể cắt thuốc tôi bất cứ lúc nào.” Với một người từng là đảng viên, sỹ quan cao cấp, từng viết tới hàng chục tập hồi ký cho các vị tướng quân đội và biết nhiều thứ chuyện “thâm cung bí sử” của chế độ, hơn ai hết ông hiểu tính mạng của mình đang nằm trong tay ai.
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng ở Hải Phòng, thuật lại câu chuyện là năm 2008, trước đám tang Cụ Hoàng Minh Chính, hai viên công an đã đến nhà ông để ngăn cấm ông đi dự đám tang. Họ đã không ngần ngại lấy cái chết vô cùng thương tâm của cặp vợ chồng nghệ sỹ nổi tiếng Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh, để doạ ông.
Cái chết đầy bí hiểm của những nhân vật cao cấp trong bộ máy như Dương Bạch Mai, Hoàng Văn Thái hay Lê Trọng Tấn, v.v. vẫn còn là những nghi án lịch sử, mà thủ phạm đáng ngờ nhất lại chính là các “đồng chí” của họ.
Trong cuộc trò chuyện ngày 20/1/2013, Trung tướng Đặng Quốc Bảo (nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn, nguyên Trưởng ban Khoa giáo Trung ương) cho tôi biết là để bày tỏ những điều mà ông tâm huyết nhất về hiện tình đất nước, về tương lai giống nòi với các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, ông đã phải kèm theo những lời lẽ như thế này: “Nếu các anh muốn giết tôi thì dễ thôi vì tôi tự giết tôi. Tôi không còn sống được bao lâu nữa. Các anh không giết tôi thì rồi tôi cũng chết thôi” (!!!).
Nhiều người gặp tôi cũng không khỏi “thắc mắc” là tại sao tôi vẫn còn tồn tại trên đời này sau ngần ấy năm phải đương đầu trực diện với bao thế lực hắc ám. Tôi giải thích với họ rằng gia đình tôi cũng đã “no nê chê chán” với những “ân huệ” của họ, hết trại tâm thần đến nhà tù, cùng bao phen thoát chết trong gang tấc khác. Họ muốn bịt miệng chúng tôi nhưng thành bại lại do ý Trời; điều đó nằm ngoài ý chí của họ. Hơn 8 năm trước, tôi đến Đà Lạt là trên đường trốn chạy khỏi sự truy sát của họ, chứ hoàn toàn không phải tham quan du hí gì. Ngoài ra, nếu họ không giết chúng tôi thì còn có kẻ bán tín bán nghi, chứ họ xuống tay với chúng tôi rồi thì đến đứa trẻ cũng tin những gì chúng tôi tố cáo là sự thật.
Bất luận thế nào tôi cũng chia sẻ với những ai mang trong mình nỗi sợ hãi và cảnh giác thường trực trước cộng sản. Đơn giản, đó không phải là nỗi sợ của con người trước phường trộm cướp bất lương. Đó là nỗi sợ đầy bản năng của con người trước loài ác quỷ.
* Blog của Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.