Đường dẫn truy cập

Nơi diễn tập của dân chủ


Giáo dân Thái Hà ở Hà Nội thắp nến cầu nguyện cho Luật sư Lê Quốc Quân, ngày 29/9/2013.
Giáo dân Thái Hà ở Hà Nội thắp nến cầu nguyện cho Luật sư Lê Quốc Quân, ngày 29/9/2013.
Để đàn áp những người tranh đấu cho dân chủ và chủ quyền quốc gia hiện nay, nhà cầm quyền Việt Nam phải đối diện với rất nhiều nghịch lý.

Trước, cách đây mấy chục năm, biện pháp trấn áp những người phản kháng, nhất là dưới hình thức biểu tình, có lẽ rất dễ dàng: Một, công an cứ nhào đến lấy dùi cui nện vào đầu, vào vai, vào ngực, vào bất cứ chỗ nào trên thân thể những kẻ cứng đầu hay những “tên phản động”. Không có ai trong số những người yêu nước hay bất đồng chính kiến có thể khỏe hơn công an và có khả năng chịu đòn lâu dài nên việc giải tán các đám biểu tình thường rất nhanh chóng. Hai, kín đáo hơn, cứ đến thẳng nhà từng người, còng tay và đẩy thẳng vào nhà tù, cho nhịn đói dài dài là bao nhiêu nhiệt huyết sẽ nguội tắt hết ngay.

Có điều, cả hai biện pháp trên đều khó áp dụng được trong hoàn cảnh hiện nay. Thứ nhất, với phương tiện truyền thông đại chúng bây giờ, tất cả các biện pháp trấn áp thô bạo ấy đều rất dễ dàng được ghi lại và phát tán khắp nơi trong một thời gian rất ngắn. Thứ hai, sau khi nhiều hiệp ước quốc tế đã được ký kết, Việt Nam chịu khá nhiều áp lực từ bên ngoài, một trong những áp lực ấy là phải tôn trọng nhân quyền. Thứ ba, một phần liên quan đến lý do thứ hai vừa kể, một phần như là hệ quả của xu hướng toàn cầu hóa, Việt Nam dù muốn hay không cũng buộc phải tỏ vẻ “văn minh” để bảo vệ các quyền lợi kinh tế và chính trị của mình. Họ không thể bất chấp dư luận bên ngoài được.

Cuối cùng, chính quyền chỉ còn hai biện pháp chính:

Thứ nhất, tạo áp lực lên từng cá nhân bất đồng chính kiến.

Phổ biến nhất là áp lực tình cảm. Công an, cán bộ địa phương đến rỉ tai thuyết phục hoặc đe dọa ông bà, bố mẹ, vợ hoặc chồng, con cái, hoặc bà con để mọi người dùng tình cảm khuyên can những người bất đồng chính kiến, vì gia đình, từ bỏ con đường tranh đấu cho tự do, dân chủ và chủ quyền quốc gia. Với một số người, cách này khá hữu hiệu: Người ta có thể cứng cáp trước bạo lực nhưng lại dễ mềm lòng trước nước mắt của bà, của mẹ, của vợ hay của con cái. Cuối cùng, không ít người đành bỏ cuộc.

Không làm áp lực trên tình cảm được thì người ta tạo áp lực về kinh tế bằng cách xúi (hoặc ra lệnh) chủ đuổi việc. Nghe kể, một số luật sư can đảm lên tiếng phản đối chính quyền hoặc đứng ra biện hộ cho những người tranh đấu cho dân chủ thì bị công an thay phiên nhau đứng trước cửa khuyên can khách hàng đừng vào văn phòng luật của họ với lời dọa dẫm: “Luật sư ấy phản động, nhờ ông/bà ấy cãi thì tội và hình phạt sẽ nặng thêm, nguy hiểm lắm!” Thế là bao nhiêu thân chủ đều giạt ra hết. Văn phòng luật sư vắng hoe. Càng ngày càng vắng hoe.

Thứ hai, nếu những biện pháp tạo áp lực về tình cảm cũng như về kinh tế ở trên không thành công, người ta dùng biện pháp khác: lôi ra tòa để xử. Mục tiêu của các phiên tòa ấy nhằm: một, trừng phạt những người dám chống đối lại chính quyền; hai, đe dọa những người còn lại; và ba, chứng tỏ với thế giới là Việt Nam là một nhà nước pháp quyền, nghĩa là, dân chủ.

Thế nhưng biện pháp trấn áp qua hình thức xét xử công khai như vậy gần đây rõ ràng là thất bại thảm hại.

Thất bại rõ nhất là nó biến chính quyền Việt Nam thành lố bịch. Không thể tìm ra lý do chính đáng để kết tội những người yêu nước và yêu dân chủ, chỉ muốn thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình, chính quyền đành phải sử dụng những cáo buộc hết sức nhảm nhí như trốn thuế hay hủ hóa. Trong một đất nước cứ ra ngõ là gặp đĩ vậy mà công an lại xúm vào làm lớn chuyện về hai cái “bao cao su đã qua sử dụng” của Cù Huy Hà Vũ, nghe, ai cũng thấy buồn cười. Cũng trong một đất nước hầu như mọi người ít nhiều đều trốn thuế, cán bộ càng làm lớn và càng giàu càng trốn thuế nhiều, việc mấy người làm ăn cò con như Điếu Cày Nguyễn Văn Hải và luật sư Lê Quốc Quân bị bắt và phải ra toà về tội trốn thuế, nghe, ai cũng thấy lố bịch.

Thất bại trầm trọng hơn là ở điểm khác: Một mặt, nhà cầm quyền muốn dùng tòa án để chứng minh nền pháp quyền của mình trước thế giới, mặt khác, trong việc tiến hành các phiên xử, người ta lại không thể giấu giếm được bàn tay lông lá của những kẻ cầm quyền, cuối cùng, các quan tòa biến thành những con rối, chỉ đọc những bản án đã được ai đó viết sẵn từ trên đưa xuống. Mà việc viết các bản án ấy lại thay đổi tùy theo các cuộc trao đổi chính trị với các cường quốc. Cùng một tội trạng giống nhau, khi cần làm cao, người ta tuyên án thật nặng, khi phải nhún nhường, người ta tha bổng hoặc cho án treo. Những điều ấy làm cho mọi người trên thế giới thấy rõ: chính quyền lấy mạng sống của dân chúng nước mình ra ngã giá với ngoại quốc. Một cách cò kè hết sức dã man.

Nhưng thất bại nhất là ở điểm này: Xét xử là để răn đe, nhưng dường như chả có ai sợ cả. Người bị kết tội, ngay cả một thiếu nữ trẻ măng như Nguyễn Phương Uyên, cũng không sợ. Những người chung quanh cũng không sợ. Theo dõi các phiên toà mấy năm qua, tôi thấy có một hiện tượng đáng chú ý: bất chấp những sự cấm cản của chính quyền, số người đến tham dự trước các tòa án càng lúc càng đông. Công an đánh dẹp lần này, lần sau họ lại tụ tập. Phiên tòa xét xử Nguyễn Phương Uyên ở tận Long An, nhiều người từ Hà Nội, Sài Gòn cũng như từ nhiều địa phương khác, cũng lặn lội đến nơi để bày tỏ sự ủng hộ đối với em. Phiên tòa xét xử Lê Quốc Quân cũng vậy. Nhiều người tận miền Trung hoặc miền Nam cũng có mặt.

Cuối cùng, mỗi phiên tòa lại trở thành một cơ hội để dân chúng nhìn thấy rõ hơn bản chất độc tài của chế độ. Là một cuộc tập hợp của lực lượng dân chủ. Là một diễn tập của dân chủ.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG