Các cuộc oanh tạc ở Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần này đang làm leo thang vụ xung đột giữa chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và các phần tử ly khai người Kurd. Nó cũng nêu ra những thắc mắc mới về việc ai là người Hoa Kỳ ủng hộ trong trong cuộc xung đột tại Syria và quy mô của các mục tiêu Hoa Kỳ.
Giới phân tích cảnh báo những vụ tấn công cũng có thể dẫn tới sự can dự nhiều hơn của lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria và làm tăng thêm căng thẳng với Hoa Kỳ.
Vụ tấn công lớn nhất, vụ đánh bom xe tự sát ngay trong lòng thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ tư đã khơi ra lời hứa mau chóng và giận dữ đòi trả đũa của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Ông đã đổ lỗi cho các phần tử ly khai người Kurd và những người ủng hộ bên ngoài – ý nói là Syria.
Trong một bài phát biểu truyền hình, ông Erdogan nói, “Mặc dầu những người đứng đầu PYD và PKK nói việc này không có liên hệ gì đến họ, dựa vào thông tin do bộ trưởng nội vụ và các cơ quan tình báo của chúng tôi thu thập được, thì họ chính là thủ phạm.”
Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên chiến với PKK hay Đảng Công nhân người Kurd, từ mấy chục năm. Kể từ năm ngoái, miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành chiến địa khi ông Erdogan tăng cường đàn áp các phần tử ly khai người Kurd sau khi một cuộc ngưng bắn mong manh sụp đổ.
Ông Erdogan cũng đã mở rộng cuộc chiến vào Syria, với xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ ở biên giới bắn vào lãnh thổ Syria nơi lực lượng người Kurd hoạt động.
Các nhà phân tích nói những vụ đánh bom mới nhất đem lại một lý do cho nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ leo thang cuộc tấn công.
Ông Davis Lewin, đứng đầu về chính sách tại Hội Henry Jackson, một tổ chức nghiên cứu ở London, nói với đài VOA: “Tôi có cảm tưởng ông Erdogan không phải là người cần có cớ để theo đuổi những chính sách loại này nhưng tôi trông đợi ông sẽ chắc chắn sử dụng nó để giành lợi thế. Ông sẽ sẵn sàng sử dụng sự kiện này và bất cứ diễn biến chính trị nào khác có thể được để kiểm soát các nhu cầu sách lược của ông là gì và làm việc ấy.”
Phản ứng của ông Erdogan đe dọa gây phương hại nhiều hơn cho mối quan hệ vốn đã có vấn đề giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ.
Hai nước đồng minh NATO đều muốn lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad của Syria và tiêu diệt nhóm chủ chiến Nhà nước Hồi giáo; nhưng các quyền lợi của họ đối kháng nhau khi có liên hệ đến người Kurd. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ nhắm mục tiêu và chiến binh người Kurd để đẩy lui cuộc tấn công của ông Assad ở miền bắc Syria.
Mục đích của Thổ Nhĩ Kỳ là ngăn chặn chiến binh người Kurd ở cả hai bên biên giới giáp với Syria. Ảnh hưởng ngày càng tăng của người Kurd trong vụ xung đột khiến ông Erdogan rất lo ngại. Ông sợ rằng nếu tiếp cận được vũ khí và huấn luyện quân sự thì người Kurd có thể tăng cường cuộc vận động đòi thành lập một nước độc lập, chủ yếu trên vùng đất nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Merin Gurcan, một chuyên gia phân tích độc lập về an ninh tại Istanbul và là một cựu thiếu tá trong lực lượng đặc biệt quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, nói với đài VOA: “Đối thủ đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria là chế độ Assad và đối thủ thứ nhì là PYD, thực thể chính trị trên thực tế của người Kurd hiện đang điều hành miền bắc Syria. Do đó Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ, cả hai nhân tố này, họ có những lợi ích chính trị khác nhau ở Syria.”
Ông Erdogan đã công khai biểu lộ sự bất mãn đối với Hoa Kỳ.
Trong một bài diễn văn gay gắt vào ngày 10 tháng 2, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã kích Washington ủng hộ phe nổi dậy người Kurd mà ông nói là đã biến vùng này thành một “biển máu.” Ông Erdogan yêu cầu: “Tôi kêu gọi nước Mỹ, tôi đã giải thích điều này cho quý vị bao nhiêu lần rồi. Quý vị ở về phía chúng tôi, hay về phía tổ chức khủng bố PYD và PKK?”
Bài diễn văn được đưa ra 1 ngày sau khi chính phủ ông triệu tập đại sứ Hoa Kỳ ở Ankara.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn Hoa Kỳ ngưng ủng hộ phe nổi dậy người Kurd ở Syria và phần lớn sự căm phẫn mới đây là do việc Washington từ chối không định danh PYD là một tổ chức khủng bố.
Hôm nay, ông Erdogan bầy tỏ sự quan ngại rằng chính quyền Obama vẫn chưa làm việc này và gợi ý rằng Hoa Kỳ đang phạm một lỗi lầm có thể có hậu quả sâu rộng.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói với các phóng viên: “Cách đây vài tháng trong cuộc hội kiến Tổng thống Obama, tôi nói với ông rằng Hoa Kỳ đang cung cấp vũ khí. 3 máy bay chở đầy vũ khí đã đến nơi, một nửa rơi vào tay Daeshm và một nửa vào tay PYD.”
Các giới chức Hoa Kỳ đang tập trung vào các yếu tố tích cực của một mối quan hệ mà họ coi là cực kỳ có giá trị.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mới đây tuyên bố khi một phóng viên nêu câu hỏi về những lời than phiền của Thổ Nhĩ Kỳ: “Chúng tôi thông cảm những mối quan ngại mà Thổ Nhĩ Kỳ lâu này đã bày tỏ về một số tổ chức này, một số là các tổ chức của người Kurd. Và chúng tôi sẽ tiếp tục mở cuộc thảo luận với họ, bởi vì chúng tôi tán thành sự đóng góp của họ. Chúng tôi cũng tán thành việc họ có những mối quan ngại này, và chúng tôi sẽ tiếp tục giải quyết vấn đề.”
Sau vụ đánh bom thảm khốc ở Ankara nhắm mục tiêu vào nhân viên quân đội, Washington mau chóng gửi lời chia buồn với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và Bộ Ngoại giao đã lập lại “cam kết chặt chẽ” của Hoa Kỳ đối với việc hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ “trong cuộc chiến chung chống lại chủ nghĩa khủng bố.”
Căng thẳng giữa Washington và ông Erdogan gia tăng vào một thời điểm quan trọng trong vụ xung đột ở Syria, trong lúc lực lượng Syria tiếp tục cuộc tấn công vào thành phố Aleppo chủ chốt.
Vụ tấn công hôm thứ tư tại Ankara đối với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ là một sự tái khẳng định rằng mối đe dọa của người Kurd bao trùm lên mọi mối quan tâm khác vào lúc này.