Vấn đề quan hệ giữa nhà nước và công dân luôn là một vấn đề chính trị cơ bản của một quốc gia. Trong giáo trình cho sinh viên các trường luật, khoa học chính trị và hành chính của các nước, như ở Pháp, Anh, Hoa Kỳ, đều có các bài giảng, các bài thuyết trình mở đầu khóa về mối quan hệ giữa nhà nước và công dân.
Theo những bài giảng, thuyết trình, cùng các tài liệu tham khảo liên quan, tổng kết lại lịch sử các nhà nước trên thế giới, có thể chia ra 2 loại nhà nước khác nhau về bản chất. Có một loại nhà nước của một dòng họ, một nhóm, một tôn giáo, một phe phái, một chính đảng… và một loại nhà nước của số đông, của nhân dân, của toàn dân, của xã hội công dân.
Ở giữa 2 loại nhà nước khác nhau về bản chất ấy, có một loại trung gian, gọi là nhà nước quá độ từ độc đoán sang dân chủ, còn được xếp hạng là nhà nước dân chủ một phần (partly democratic).
Phân tích về lịch sử xuất hiện, tính chất, chức năng, tính ưu việt của nhà nước dân chủ, các nhà lý luận tổng kết lại và cho biết nhiều tên gọi khác nhau đã được dùng, như nhà nước che chở - Protector State, nhà nước phúc lợi, nhà nước phục vụ, hoặc theo ý nghĩa tôn giáo, là nhà nước ban phúc – Providence State. Theo ý nghĩa ấy chức năng đầu tiên và cơ bản của nhà nước là bảo vệ cuộc sống an bình của toàn dân, cuộc sống độc lập tự do của đất nước, chống mọi mưu đồ xâm lược, bành trướng, hà hiếp của ngoại bang, bảo vệ cuộc sống bình đẳng tự do của mỗi công dân, gắn bó mọi công dân với nhau trong tập thể tương thân tương trợ của toàn dân.
Ở Pháp có một hình ảnh đẹp. Nước Pháp tự xa xưa đã lấy con gà trống Gaulois làm biểu tượng dân tộc. Từ đó chức năng của nhà nước Pháp, của tổng thống do phổ thống đầu phiếu bầu ra, trước hết là che chở, bảo vệ mọi công dân Pháp, như một con gà trống bảo vệ đàn con đông đảo của mình chống mọi tai họa và bất trắc. Đó là hình ảnh truyền thống một anh gà trống vạm vỡ, hiên ngang, giương đôi cánh rộng che chở mưa gió cho đàn con bé bỏng, và khi cần, trước hiểm họa chết chóc, nó giương cả mười móng vuốt nhọn hoắt, dẩu chiếc mỏ cứng nhọn, má đỏ bừng, kêu rống lên toang toác để báo động và ra oai, chống lại con diều hâu lưu manh khát máu. Con diều hâu hiếu chiến phải chuồn thẳng.
Đó là hình ảnh phải có của một nhà lãnh đạo, của một tổng thống, một quốc trưởng, một «tổng bí thư», một «bộ chính trị» có ý thức về sứ mệnh của mình, khi công dân dưới quyền mình bị đe dọa, bị oan ức, bị hiếp đáp, hay gặp thiên tai địch họa gì khác, như tai nạn, ốm đau, thất nghiệp. Nhà nước che chở và ban phúc thương yêu thần dân của mình như Gà trống thương đàn con, lo việc làm cho người thất nghiệp, lo việc học hành cho con trẻ, lo cho toàn dân có cuộc sống khỏe mạnh, ấm no, lo việc phân phối lại trong toàn xã hội cho công bằng không quá chênh lệch, nghiêm trị bọn tham quan ô lại cho dân được sống yên ổn, đêm ngủ người dân không cần đóng cửa, không ai màng của rơi.
Đối lập với nhà nước che chở, nhà nước ban phúc là một kiểu nhà nước đàn áp, nhà nước bóc lột, tham lam, chỉ lo móc túi dân qua tiền thuế và ngân sách, qua hối lộ và tham nhũng, qua bạo lực và hà hiếp, qua những phiên tòa cưỡng bách. Nó không ban phúc, còn gây họa cho toàn dân, tạo nên dân oan, dân ức, dân kêu dân la khắp muôn phương. Nó che chở kẻ gian, bênh vực bọn hành trướng, mềm yếu với kẻ xâm lược, hống hách với người dân lương thiện, tàn bạo với kẻ yêu nước thương dân. Chỉ vì đó là nhà nước trọng tiền hơn trọng dân, trọng của cải hơn hiền tài, trọng «đất» hơn trọng nước, trọng luật rừng hơn luật pháp. Đó cũng là nhà nước lừa dối, nói giảng đạo đức mà làm điều vô luân, nói tốt mà làm xấu, gây khổ cho dân, gây đâu thương cho toàn xã hội.
Giáo trình chính trị luôn căn dặn sinh viên phải tỉnh táo, không thể đánh giá thực chất của một nhà nước bằng cách dựa vào tên gọi hình thức bên ngoài, vì có nhà nước độc tài đội lốt «dân chủ», nhà nước bóc lột đội lốt «xã hội chủ nghĩa», nhà nưóc phát xít đội lốt «cộng hòa». Muốn xác định một nhà nước thuộc vào loại nào, phải dựa vào việc làm, cung cách cai trị, mối quan hệ hàng ngày trong thực tiễn của nó với đông đảo công dân.
Sống dưới loại nhà nước che chở, nhà nước phúc lợi – mà tiêu biểu hiện nay thường được chỉ ra ở các nước Bắc Âu, như Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, do các đảng Xã hội Dân chủ lãnh đạo, người dân cảm thấy thư thái, ung dung, yêu đời, nhẹ nhàng, không mảy may căng thẳng, lo sợ, buồn khổ thất vọng. Mỗi công dân bỏ phiếu cho ai làm đại biểu cho mình thường nhớ tên, địa chỉ, số điện thoại của các đại biểu đó ở Quốc hội, ở hội đồng cấp tỉnh, quận, để khi cần thì yêu cầu che chở, giúp đỡ ý kiến. Họ gọi đó là «đại biểu của tôi», còn các đại biểu nói trên coi các công dân đã bầu ra mình ở một địa phương là «các công dân của tôi» mà họ có nghĩa vụ che chở, bảo vệ khi cần. Họ tự coi là anh Gà trống mà các công dân đã bầu ra họ là đàn gà con thương yêu cần tận lực bảo vệ che chở, dù cho có bị xây xát, bị thương hay cả hy sinh đến sinh mệnh chính trị của họ.
Tôi viết bài này sau khi hỏi chuyện giáo sư và sinh viên trường khoa học chính trị Sciences Po ở thủ đô Paris, và đọc những giáo trình vỡ lòng về chính trị và liên tưởng đến tình hình chính trị nước ta.
Đến bao giờ ở nước ta có một nhà nước che chở, nhà nước phúc lợi? Phải chăng nhân dân ta là nạn nhân của một kiểu nhà nước gây họa, một nhà nước bóc lột, bất công và tham nhũng? Và đến bao giờ các đại biểu quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh huyện mới tự coi là người che chở, bảo vệ mọi công dân bầu ra mình như anh Gà trống sẵn sàng xả thân vì đàn con thân yêu?
Thế mới biết yêu cầu của đông đảo trí thức, lao động, tuổi trẻ về đổi mới toàn hệ thống cai trị, toàn hệ thống cầm quyền hiện tại là có cơ sở và cấp bách đến đâu.
Tại sao một đảng tự nhận là cách mạng, là tiền phong lại sợ không dám cạnh tranh, đọ sức, ganh đua ngay thật về trí tuệ, tâm huyết với một vài tổ chức chính trị khác qua sự phán quyết bằng lá phiếu của cử tri ? Tại sao lại mất tự tin, lại hèn kém đến vậy ?
Không thay hệ thống chính trị từ «Nhà nước Cảnh sát» sang «Nhà nước Gà trống» thì 1 hay 10 Nghị quyết 47/TW, 1 hay 10 cuộc họp Trung ương kiểu Hội nghị Trung ương 3/ khóa XI, hoặc 1 hay 10 cuộc «họp cán bộ toàn quốc chưa từng có» … cũng chỉ là trò nước đổ đầu vịt, gọi bệnh thì đúng nhưng bốc thuốc thì sai, chỉ là thuốc của lang băm lẩm cẩm dở hơi, vì cả 4 giải pháp: tự phê và phê bình, gương mẫu, trên xuống và dưới lên, giám sát và kỷ luật… đều là giải pháp xưa cũ, vô hiệu, thuốc đã lờn từ lâu lắm rồi.
Vì nước, vì dân, tôi xin nói thẳng cảm nghĩ trung thực của mình với bà con nhà mình, vì không thể nói khác được.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.