Đường dẫn truy cập

Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương


Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương
Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương

Đọc thơ chữ Hán của Nguyễn Du, tôi nghĩ đến Nguyễn Khuyến. Và cũng nghĩ đến một người khác nữa: Hồ Xuân Hương.

Nguyễn Du được xem là ông hoàng của thơ Việt Nam, còn Hồ Xuân Hương lại được tôn vinh là “bà Chúa thơ Nôm”. Giữa “ông hoàng” và “bà chúa” dường như có một điểm chung: mối tình kéo dài ba năm.

Trước khi nói về mối tình của họ, xin nói một chút về Hồ Xuân Hương. Cho đến nay, hầu như giới phê bình và nghiên cứu đều đồng ý với nhau một điểm: Đó là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất và cũng là nhà thơ độc đáo nhất của Việt Nam. Về điểm thứ nhất, tôi rất tâm đắc với bảng xếp hạng của Xuân Diệu: Nguyễn Trãi, Đoàn Thị Điểm (nếu bà thực sự là tác giả của bản dịch Chinh phụ ngâm hiện hành), Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương và Tú Xương là năm nhà thơ lớn nhất trong văn học cổ điển Việt Nam. Về điểm thứ hai, cũng đã có nhiều người nhấn mạnh: với những bài thơ Nôm còn lại hiện nay, Hồ Xuân Hương là một hiện tượng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Việt Nam. Hồ Xuân Hương có thể không bằng Nguyễn Du ở sự bát ngát trong tâm tình, sự lộng lẫy và đa dạng của bút pháp, đặc biệt, Hồ Xuân Hương không có một tác phẩm nào đồ sộ, nguy nga có thể sánh được với Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nhưng mặt khác, Hồ Xuân Hương lại độc đáo hơn Nguyễn Du. Độc đáo hơn vì cá tính mạnh mẽ hơn, phong cách sắc sảo hơn, ngôn ngữ dữ dội hơn. Nguyễn Du là người đi đến tận cùng nỗi đoạn trường chung của nhân loại. Hồ Xuân Hương là người đi đến tận cùng màu sắc riêng tây trong một con người. Nguyễn Du là đóa hoa đẹp nhất trong các loài hoa. Hồ Xuân Hương là đóa hoa lạ nhất trong các loài hoa. Chung quanh Nguyễn Du, châu tuần nhiều nhà thơ khác, gần gũi ở nhiều khía cạnh, tuy mức độ tài hoa có thể ít hơn. Chung quanh Hồ Xuân Hương hầu như không có ai cả. Nguyễn Du cao ngất mà không lẻ loi. Hồ Xuân Hương, ngược lại, là một hiện hữu dị thường, một mình chiếm riêng một góc trời.

Nhưng nhà thơ được xem là độc đáo nhất của Việt Nam ấy lại là một hiện tượng vô cùng phức tạp. Phức tạp, trước hết, là về tư liệu. Trước, người ta không biết gì về bà. Đến độ nhiều người nêu lên giả thuyết: bà không có thật. Tên của bà chỉ là một cái tên giả của một hay một số nhà thơ nam tinh nghịch nào đó. Sau, người ta tìm ra khá nhiều tài liệu về bà. Nhưng những tài liệu ấy lại mâu thuẫn với nhau đến độ nếu tin vào chúng, chúng ta sẽ có không phải một mà là hai hay ba nhà thơ mang tên Hồ Xuân Hương khác nhau. Hoàn toàn khác nhau.

Trong các khám phá liên quan đến Hồ Xuân Hương, quan trọng nhất là việc phát hiện tập thơ Lưu Hương Ký vào năm 1963. Tập thơ gồm 52 bài: 24 bài chữ Hán và 28 bài chữ Nôm. Đặc biệt, trong tập thơ có một bài tựa viết năm 1814 của một người có biệt hiệu là Tốn Phong, người Nghệ An. Trong bài tựa, Tốn Phong tự nhận mình là bạn của Hồ Xuân Hương, tự Cổ Nguyệt Đường, con cháu họ Hồ ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Chính Hồ Xuân Hương đã nhờ ông viết lời tựa ấy: “Đây là tất cả thơ văn trong đời tôi từ trước đến nay, nhờ anh làm cho bài tựa.”

Xuất hiện vào năm 1814, đó là văn bản cổ nhất và cũng đáng tin nhất liên quan đến thơ Hồ Xuân Hương. Trước khi tập Lưu Hương Ký được phát hiện, toàn bộ những bài thơ Nôm được truyền tụng lâu nay đều chỉ được lưu hành trong dân gian trong cả một thế kỷ. Chúng chỉ được sưu tập và in thành sách vào năm 1913 (nhà xuất bản Xuân Lan).

Tuy nhiên, ở đây lại xuất hiện một số vấn đề: một, không có bài thơ nào trong tập Lưu Hương Ký năm 1814 và Thơ Hồ Xuân Hương năm 1913 trùng nhau cả; hai, phong cách và giá trị của hai tập thơ cũng khác hẳn nhau: thơ trong cuốn sách in năm 1913 vốn chứa đựng các bài thơ được truyền tụng rộng rãi lâu nay sắc sảo và độc đáo bao nhiêu, thơ trong Lưu Hương Ký lại hiền lành và bình thường bấy nhiêu.

Trước hai hiện tượng trên, chúng ta có thể có ba giả thuyết chính:

1. Có hai Hồ Xuân Hương khác nhau. Tạm gọi là HXH1, tác giả của các bài thơ được truyền tụng rộng rãi lâu nay, và HXH2, tác giả của tập Lưu Hương Ký do Tốn Phong viết lời tựa. Một số nhà nghiên cứu không quyết liệt đến mức xem HXH1 và HXH2 là hai người khác nhau, nhưng, khi phê bình, họ tạm loại trừ HXH2 ra khỏi phạm vi phân tích và đánh giá. Họ chỉ tập trung vào HXH1 với những bài thơ họ cho là thực sự xuất sắc.

2. Có một Hồ Xuân Hương thật và một Hồ Xuân Hương giả. HXH2 là Hồ Xuân Hương thật, có văn bản đàng hoàng và khả tín; còn HXH1, tức tác giả của những bài thơ nổi tiếng trong quần chúng lâu nay, từ “Khóc Tổng Cóc” và ”Khóc ông phủ Vĩnh Tường” đến “Làm lẽ”, “Không chồng mà chửa”, “Bánh trôi nước”, “Quả mít”, v.v… là Hồ Xuân Hương giả. Giả ở đây được hiểu theo nghĩa là: Đó chỉ là biệt hiệu được dựng lên để che giấu tông tích của một người thật, có thể là một hay một nhóm nhà nho nghịch ngợm nào đó. Họ làm thơ để cợt nhã, nhưng, dưới áp lực nặng nề của dư luận thời phong kiến, phải ngụy trang dưới một cái tên bịa là Hồ Xuân Hương. Nhưng Hồ Xuân Hương này lại không dính líu gì đến Hồ Xuân Hương, tác giả của Lưu Hương Ký và là bạn của Tốn Phong.

3. Cả HXH1 và HXH2 chỉ là một. Tuy nhiên, thuộc nhóm này, có hai khuynh hướng khác nhau:

3.1.Chỉ có những bài thơ trong Lưu Hương Ký là thực sự của Hồ Xuân Hương. Còn những bài thơ tương truyền của HXH1, trải qua trên dưới một thế kỷ truyền miệng, đã ít nhiều bị/được dân gian hóa. Giống như ca dao. Điều này giải thích tại sao chúng không còn giống hẳn với phong cách của những bài thơ trong Lưu Hương Ký. (Đó là chưa kể nhiều bài thơ bị gán đại cho Hồ Xuân Hương.)

3.2.Xem tất cả những bài thơ được truyền tụng lâu nay và những bài thơ trong Lưu Hương Ký là của một tác giả. Không chút thắc mắc nào cả. Khuynh hướng này có chút ngây thơ. Nhưng đó là cách dễ dàng nhất. Bởi vậy, có vẻ càng ngày càng có nhiều người chấp nhận.Trong phạm vi một bài viết ngắn để đăng trên blog, tôi không có tham vọng đi sâu vào các vấn đề nêu trên. Vả lại, thành thực mà nói, bản thân tôi cũng còn hết sức phân vân. Tôi biết, trên thế giới, không ít người từng thử nghiệm nhiều phong cách khác nhau. Tuy nhiên, điều ấy chưa từng xảy ra ở Việt Nam, nhất là ở thời Trung Đại, lúc ngay cả ý niệm về cái gọi là phong cách cũng chưa hề xuất hiện. Tất cả những cái gọi là phong cách của các tác giả cổ điển Việt Nam đều có tính chất tự phát. Đã là tự phát thì cũng không thể có vấn đề ngụy trang.

Bởi vậy, ở đây, khi nói đến mối tình giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương, chúng ta tạm giới hạn vào HXH2, tác giả của Lưu Hương Ký (và một số bài thơ vịnh Hạ Long do Hoàng Xuân Hãn sưu tầm được).

Đó là một mối tình có thật chứ không phải là giai thoại. Bằng chứng là một bài thơ có nhan đề “Cảm cựu kiêm trình Cần Chánh học sĩ Nguyễn Hầu”, trong tập Lưu Hương Ký. Bài thơ như sau:

Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung,
Cậy ai tới đấy gửi cho cùng.

Chữ tình chốc đã ba năm vẹn,
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không.

Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập,
Phấn son càng tủi phận long đong.

Biết còn mảy chút sương siu mấy
Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong.

Nhan đề bài thơ nghĩa là “Nhớ người cũ – viết gửi Cần chánh học sĩ Nguyễn hầu”. Xin lưu ý là, trong nguyên tác, ngay dưới nhan đề là một tiểu chú: “Hầu, Nghi Xuân, Tiên Điền nhân” (Hầu, người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân). Cả hai đều cho thấy cái người được gọi là “Nguyễn hầu” ấy không thể là ai khác ngoài Nguyễn Du. Thứ nhất, trùng họ: họ Nguyễn. Thứ hai, trùng quê quán: Nguyễn Du quê quán ở Tiên Điền, Nghi Xuân. Và thứ ba, trùng chức vụ: tháng 2 năm 1813, lúc đang làm Cai Bạ Quảng Bình, Nguyễn Du được thăng chức Cần chánh điện học sĩ, trước khi được cử làm chánh sứ đi Trung Quốc tuế cống.

Dựa vào nhan đề liên quan đến chức vụ của Nguyễn Du, người ta có thể biết bài thơ được sáng tác vào năm 1813, một năm trước khi Hồ Xuân Hương nhờ Tốn Phong viết lời tựa. Nhưng như vậy, mối tình kéo dài “ba năm vẹn” giữa hai người xảy ra vào lúc nào? Hoàng Xuân Hãn đoán nó phải xảy ra vào khoảng 1792-1795, lúc Nguyễn Du còn khá trẻ, khoảng dưới 30 tuổi. Lý do là, sau đó, nhất là kể từ năm 1802, lúc đã ra làm quan, rất ít khi Nguyễn Du có mặt lâu ở Hà Nội. Hết làm tri huyện Phù Dung lại làm tri phủ Thường Tín, rồi vào Huế, và làm Cai Bạ ở Quảng Bình. Nếu ông đi ra Bắc thì cũng chỉ ở lại một thời gian ngắn. Dù sao, đây cũng chỉ là giả thuyết. Cái gọi là mối tình “ba năm” ấy không nhất thiết là gần gũi trọn vẹn ba năm. Ở xa, nhưng thỉnh thoảng gặp nhau, cũng là tình yêu chứ?

Bài thơ trên là một trong những bài thơ hay nhất trong tập Lưu Hương Ký. Hay và cảm động. Nó cho thấy, dù có chút chua chát, Hồ Xuân Hương vẫn còn yêu Nguyễn Du. Và vẫn còn băn khoăn không biết Nguyễn Du có còn nhớ thương mình? Đó là ý nghĩa của chữ “sương siu” ở câu thứ 7, theo Hoàng Xuân Hãn, có nghĩa là bịn rịn.

Không hiểu sao, khi đọc bài thơ trên, tôi cứ ao ước HXH1 và HXH2 là một người. Chỉ là một người.

Cứ tưởng tượng “bà Chúa thơ Nôm” và “ông hoàng” của thơ ca Việt Nam là tình nhân của nhau?

Thì thú vị biết chừng nào.

***

Chú thích:

Tài liệu về Hồ Xuân Hương khá nhiều. Ở đây, tôi sử dụng ba cuốn chính:

Thơ Hồ Xuân Hương của Nguyễn Lộc, nxb Văn Học, Hà Nội, 1982.

Thiên tình sử Hồ Xuân Hương của Hoàng Xuân Hãn, nxb Văn Học, Hà Nội, 1995.

Hồ Xuân Hương, tiểu sử văn bản: Tiến trình huyền thoại dân gian hóa của Đào Thái Tôn, nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 1999.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG