Đường dẫn truy cập

Người gốc Việt sống biệt lập ở Mỹ?


Tình trạng sống tách biệt của người Việt thể hiện rõ nét nhất tại các địa hạt thuộc thành phố Los Angeles và quận Cam, nơi có Little Saigon.
Tình trạng sống tách biệt của người Việt thể hiện rõ nét nhất tại các địa hạt thuộc thành phố Los Angeles và quận Cam, nơi có Little Saigon.
Người Mỹ gốc Việt sống tách biệt ở Hoa Kỳ, dù tới định cư tại quốc gia này hàng chục năm nay. Kết quả của một cuộc nghiên cứu do Đại học Brown thực hiện cho thấy rằng đây là một sự lựa chọn của người nhập cư gốc Việt, vốn đa phần xuất thân là người tỵ nạn.

Tình trạng sống tách biệt như vậy thể hiện rõ nét nhất tại các địa hạt thuộc thành phố Los Angeles và quận Cam, nơi có Little Saigon – địa điểm cư ngụ đông đảo nhất của người Việt.

Trả lời VOA Việt Ngữ, ông John Logan, giáo sư bộ môn xã hội học của Đại học Brown, một trong các tác giả của nghiên cứu, nói rằng đã hàng chục năm kể từ khi những người Việt đầu tiên đặt chân tới Mỹ sau Chiến tranh Việt Nam, và giờ là thời điểm thuận lợi để đánh giả đầy đủ sự hội nhập của họ tại Mỹ.

Ông nói: “Trong vòng 10 năm qua, con số người Việt tại Mỹ đã tăng 60% - 70%, và phần đông số này là dân nhập cư. Nhưng phần lớn sự gia tăng này là thế hệ thứ hai và thứ ba của người Mỹ gốc Việt. Cộng đồng người Việt là một trong những sắc dân thuộc loại lớn nhất ở Hoa Kỳ”.

Cuộc nghiên cứu của Đại học Brown được tiến hành đối với 6 nhóm dân châu Á gồm Trung Quốc, Philippines, Ấn Độ, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam.

Một trong những chỉ số đánh giá vị thế kinh tế xã hội của các sắc dân châu Á là giáo dục. Mọi sắc dân được tiến hành nghiên cứu, trừ người gốc Việt, có trình độ giáo dục cao hơn người da trắng không thuộc gốc Mỹ Latin.

Ông Logan cho biết, người gốc Việt nằm trong nhóm có nhiều điểm bất lợi.

Nhìn chung, so với các nhóm sắc dân châu Á khác như người Philippines, Triều Tiên hay Trung Quốc, người Việt có trình độ học vấn thấp hơn, thu nhập thấp hơn và có tỷ lệ người thất nghiệp cao hơn.
Giáo sư John Logan nói.
Ông nói: “Nhìn chung, so với các nhóm sắc dân châu Á khác như Philippines, Triều Tiên hay Trung Quốc, người Việt có trình độ học vấn thấp hơn, thu nhập thấp hơn và có tỷ lệ người thất nghiệp cao hơn. Nhưng người gốc Việt lại khá hơn cộng đồng người Mỹ gốc Phi hoặc gốc Mỹ Latin. Đây là đánh giá chung. Tôi phải nhấn mạnh rằng sự đa dạng tồn tại trong bất kỳ sắc dân nào ở Hoa Kỳ, và tôi chắc rằng trong cộng đồng người Việt có những người hết sức thành công”.

Theo cuộc nghiên cứu, người Việt cũng là nhóm có tỷ lệ nghèo khổ và số lượng người nhận trợ cấp xã hội cao.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, Chủ tịch tổ chức có tên gọi Nghị hội Toàn quốc của người Việt ở Hoa Kỳ, tán đồng ý kiến này.

“Các dân khác như người Ấn Độ hay là người Trung Hoa sau này họ sang bên Mỹ với rất nhiều tiền. Họ là di dân nên họ tính được trước và họ để dành tiền mang đi. Người Việt đa phần khi sang Mỹ là những người tỵ nạn, với rất ít tiền nong nếu họ có. Vì thế họ phải túm tụm, tập trung lại để dựa vào kinh tế gia đình mà lợi tức rất thấp", ông Bích nói.

Chúng ta dựa vào nhau, sống chật chội một chút trong một gia đình. Chứ bấy giờ chúng ta đi mượn của ngân hàng Mỹ thì không có đủ tài sản để thế chấp cho món nợ. Thành ra đó là một thứ chiến lược để tồn tại. Tôi cho rằng người Việt đã rất khôn khéo để đi qua được các bước đầu rất là khó khăn.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích nói.
"Cái cách đó là cách có thể tồn tại được. Chúng ta dựa vào nhau, sống chật chội một chút trong một gia đình. Chứ bấy giờ chúng ta đi mượn của ngân hàng Mỹ thì không có đủ tài sản để thế chấp cho món nợ. Thành ra đó là một thứ chiến lược để tồn tại. Tôi cho rằng người Việt đã rất khôn khéo để đi qua được các bước đầu rất là khó khăn”.

Giáo sư Logan cho biết, trên toàn nước Mỹ, cộng đồng người gốc Việt sống tách biệt như cộng đồng người gốc Mỹ Latin hay gốc Phi.

Ông nói đây là điều đáng ngạc nhiên vì các nhà nghiên cứu nghĩ rằng người gốc châu Á dễ dàng hòa nhập vào các cộng đồng bản địa. Ông nhận định có hai yếu tố lý giải cho điều này.

“Một là, có thể người Mỹ gốc Việt có nhiều lựa chọn về mặt văn hóa tại khu vực sinh sống không khác gì ở Việt Nam. Một lý do khác có thể là người Việt không có nhiều lựa chọn về nơi họ sinh sống thế nên họ phải ở nơi mà giá cả có thể chấp nhận được. Đối với nhiều người nhập cư, điều đó đồng nghĩa với việc sống tại cộng đồng gồm người di dân với giá nhà cửa rẻ, hợp túi tiền cùng cơ hội tìm được việc làm cần tay nghề thấp từ những người đồng hương khác trong cộng đồng”.

Trong khi đó, ông Bích thừa nhận có hiện tượng người Việt sống tập trung như ở quận Cam, nhưng ông cho rằng ‘không nên tổng quát hóa quá’ vì ở nhiều nơi người Việt cũng sống rải rác trong cộng đồng người Mỹ da trắng.

Có những người sinh ra tại Việt Nam và di cư sang Mỹ vẫn giữ những nếp sống kiểu Việt Nam dù họ hòa nhập vào cuộc sống Mỹ.
Giáo sư John Logan nói.
Giáo sư Đại học Brown cũng cho biết rằng hiện cộng đồng người Việt hiện phải đối mặt với tình trạng thế hệ con cháu sinh ra ở Mỹ chỉ thích nói tiếng Anh và không muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam.

“Có những người sinh ra tại Việt Nam và di cư sang Mỹ vẫn giữ những nếp sống kiểu Việt Nam”, ông Logan nói thêm.

Hiện có hàng triệu người Việt sinh sống tại Hoa Kỳ, và là cộng đồng người Việt lớn nhất trên thế giới ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Tại các bang như ở Virginia, nơi có hàng chục nghìn người Mỹ gốc Việt sinh sống, không khó để mua được mọi mặt hàng phục vụ cho đời sống của người Việt giống như ở trong nước.

Ở đây, người gốc Việt có thể sử dụng tiếng Việt để đọc báo, nghe đài, mua nhà, đi chợ, hay đi thăm khám bác sỹ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG