Đường dẫn truy cập

Người đồng tính tiếp tục bị phân biệt đối xử ở Indonesia


Những nhà hoạt động đồng tính Indonesia trong một cuộc biểu tình đòi quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBT (đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính và chuyển giới) ở Jakarta, Indonesia, thứ Bảy ngày 21/5/2011.
Những nhà hoạt động đồng tính Indonesia trong một cuộc biểu tình đòi quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBT (đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính và chuyển giới) ở Jakarta, Indonesia, thứ Bảy ngày 21/5/2011.

Những người đồng tính tiếp tục bị phân biệt đối xử ở Indonesia, quốc gia đông người Hồi giáo nhất thế giới. Sau đây là bài tường thuật của thông tín viên Ade Irma của đài voa tại Jakarta.

Bà Angie Abadi là một người nữ đồng tính luyến ái 45 tuổi hiện đang sống chung với một người bạn nữ tại thành phố Hobart, tỉnh Tasmania.

Tuy nhiên bà sanh ra và trưởng thành tại thành phố Yogyakarta của tỉnh Trung Java. Khi lên 12 tuổi, bà nhận ra rằng bà bị người đồng phái thu hút. Nhưng mãi cho đến khi vào đại học bà mới tiết lộ với cha mẹ về khuynh hướng tính dục của bà. May thay, cha mẹ bà chấp nhận điều này dù có những mối rủi ro về mặt xã hội.

Không phải ai cũng có thái độ chấp nhận như vậy trong một xã hội mà những lời nói chống người đồng tính luyến ái vẫn còn phổ biến và những nhân vật nổi tiếng nhanh chóng lên tiếng chống lại những người đồng tính luyến ái nam và nữ, những người lưỡng tính và những người chuyển đổi giới tính.

Bà Angie nhận thức được rằng sống như một người đồng tính luyến ái tại Indonesia có thể mang đến những vấn đề xã hội cho gia đình bà.

Bà Abadi nói: “Tôi muốn sống tại một nơi nào đó bên ngoài Indonesia, xa gia đình tôi. Ý nghĩ này này ở mãi trong đầu tôi kể từ khi tôi nhận ra rằng tôi là một người đồng tính luyến ái, vì tôi biết việc này ảnh hưởng đến gia đình tôi như thế nào.”

Vào năm 2002, bà Angie quyết định thu xếp đồ đạc và chuyển đến Australia.

LGBT được chú ý đến

Đồng tính luyến ái nam hay nữ chưa bao giờ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật tại Indonesia, ngoại trừ tỉnh Aceh, nơi luật Hồi Giáo Sharia được áp dụng.

Tuy nhiên những tranh cãi mới đây về vấn đề đồng tính luyến ái nam cũng như nữ tại Indonesia đã nổi lên trong công chúng và trên mạng xã hội. Việc này bắt đầu bằng sự phẫn nộ đối với việc một tờ truyền đơn cố vấn được một tổ chức ủng hộ đồng tính luyến ái phân phát.

Tổ chức Ủng hộ và Trung tâm Nguồn lực Nghiên cứu về Tình dục (SGRC) được thành lập tại Trường đại học Indonesia vào năm 2014. Họ cho biết mục đích của họ là quảng bá, giáo dục và phát triển những chương trình liên hệ đến tình dục, sinh sản và xu hướng tình dục. SGRC bị các giới chức công quyền chỉ trích là ngả về phía những người đồng tính luyến ái.

Thiếu sự hiểu biết

Ông Andreas Harsono, một nhà nghiên cứu cho Human Rights Watch, nói cộng đồng đồng tính luyến ái nam cũng như nữ tại Indonesia phải đối mặt với nạn kỳ thị trong nhiều năm qua vì cộng đồng này tích cực phát động những chiến dịch đòi hỏi quyền kết hôn giữa những người đồng tính luyến ái. Ông nói tổ chức thiểu số này chỉ muốn một số quyền được tôn trọng, như quyền làm việc và tập họp với cộng đồng --nơi họ có thể tự do bày tỏ, thảo luận hay đặt ra những câu hỏi về việc sự khác biệt của họ.

Ông Harsono nói: “Tuy nhiên, hiện nay vấn đề trở nên phức tạp hơn là chỉ đặt câu hỏi. Những người này thật tội nghiệp. Còn có quá nhiều người đưa ra những nhận định chống đồng tính luyến ái, những người không hiểu vấn đề thực sự là gì.”

Việc thi hành sự hạn chế

Theo qui định của Uỷ ban Truyền thanh Truyền hình Indonesia, các đài phát thanh và đài truyền hình không được phát bất cứ chương trình nào mô tả đồng tính luyến ái nam cũng như nữ, lưỡng tính và chuyển đổi giới tính là chuyện bình thường.

Lệnh cấm này được ban hành sau một cuộc họp với Uỷ ban Bảo vệ Trẻ em Indonesia. Uỷ ban này quan ngại về con số ngày càng gia tăng những chương trình truyền hình mà các diễn viên là những thành viên của cộng đồng đồng tính luyến ái.

Trước đó, chính phủ Indonesia ra lệnh một ứng dụng tin nhắn tức thời có tên là Line bị xóa khỏi tất cả emojis đồng tính luyến ái hay bị cấm không được sử dụng trong nước.

Ông Ismail Yusanto, một phát ngôn viên của một trong những tổ chức Hồi Giáo lớn nhất tại Indonesia, tin là chính phủ nên ban hành những qui luật cấm các hoạt động đồng tính luyến ái trước khi cộng đồng này phát triển quá lớn.

Ông Yusanto nói thêm là những người đồng tính luyến ái có thể “trở lại bình thường” nếu họ ăn năn.

Ông Yusanto nói: “Chúng tôi tin là căn cứ trên khoa học và theo các chuyên gia thì những người đồng tính luyến ái như hiện nay có thể trở nên bình thường.”

Việc tin tưởng là xu hướng tính dục là một chứng bệnh truyền nhiễm có thể chữa lành được khá phổ biến tại Indonesia, nơi những tình cảm thường xuyên được bình luận trên mạng xã hội.

Ông Hartoyo, giám đốc của một tổ chức phi chính phủ ủng hộ đồng tính luyến ái, nói việc thiếu hiểu biết và thiếu giáo dục về đồng tính luyến ái tại Indonesia tạo ra những thành kiến sâu đậm.

Ông Hartoyo nói: “Đối với vấn đề đồng tính luyến ái tại Indonesia, chúng tôi không có nhiều thông tin về quyền của những người đồng tính luyến ái hay những tin tức về tình dục, về việc xác nhận giới tính, về xu hướng tính dục. Do đó đây là một sự hoảng loạn về đạo đức".

Nhiều người -- đang tranh đấu cho việc giáo dục công chúng và cho quyền của những người đồng tính luyến ái, nói họ không còn an toàn nữa và đã trở thành là mục tiêu của những đe dọa trong những tháng qua.

Nạn kỳ thị và thiếu bao dung ngày càng tăng liên hệ đến những người đồng tính luyến ái đã thu hút sự chú ý và quan ngại của bà Angie tại Tasmania. Tại thị trấn nơi bà cư ngụ, nhà cầm quyền quyết định đóng cửa một trường học Hồi Giáo dành cho những học sinh chuyển đổi giới tính sau khi bị áp lực của những phần tử cực đoan tôn giáo địa phương.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG