Đường dẫn truy cập

Ngu trung


Quan sát tình hình chính trị Việt Nam gần đây, chúng ta không thể không đặt câu hỏi: nhà cầm quyền tham nhũng, khinh rẻ dân chúng và khiếp nhược trước Trung Quốc đến như vậy mà tại sao dân chúng nói chung vẫn im lặng và một số không ít người vẫn tiếp tục ủng hộ họ?

Chúng ta tạm thời gạt bỏ câu hỏi thứ nhất. Cái gọi là im lặng của dân chúng bao giờ cũng là một bí ẩn. Im lặng có nhiều ý nghĩa và xuất phát từ nhiều lý do. Có sự im lặng của sự thỏa mãn nhưng cũng có sự im lặng của sự bất bình. Có sự im lặng của cảnh trời trong mây đẹp nhưng cũng có sự im lặng trước bão tố. Không ai biết trước được. Ở các xứ độc tài, nơi không có các cuộc điều tra dư luận lại càng không thể biết được. Năm ngoái, trước khi Hosni Mubarak bị lật đổ và trước khi Muammar Gaddafi bị bắn chết, không ai hiểu được sự im lặng của dân chúng Ai Cập và Libya cả. Cả các cơ quan tình báo lớn nhất của Tây phương cũng không hiểu.

Cái không-thể-hiểu xin tạm thời bỏ qua. Chỉ xin tập trung vào câu hỏi thứ hai: Tại sao vẫn có một số không ít người tiếp tục ủng hộ chính quyền?

Chắc chắn, với một số rất đông, là vì quyền lợi. Trên một blog trong nước, có người kể lại lời nói một số cựu chiến binh và thương binh: Mất chế độ, người ta cũng sẽ mất luôn cả hưu bỗng. Bảo vệ chế độ, do đó, cũng là bảo vệ quyền lợi của chính họ. Đó là cách lập luận của những người đã về hưu. Còn với những người đang tại chức, điều đó lại càng rõ. Phương châm của Công an Việt Nam thể hiện rất rõ điều đó: “Còn Đảng còn mình.” Mà không phải chỉ công an. Ở ngành nào cũng thế. Có đảng tịch là có chức và có quyền. Có chức và có quyền là tự nhiên có tiền. Tiền như mọc ra từ các tấm thẻ đảng. Lại là tiền nhiều nữa. Không làm gì cả cũng có tiền. Tiền do người ta… cúng. Bảo vệ đảng, do đó, trở thành việc bảo vệ kho bạc và kho vàng của chính mình.

Việc bảo vệ chính quyền vì quyền lợi của chính mình thời nào cũng có. Chính phủ càng phi nghĩa và phi nhân, quyền lợi càng lớn; quyền lợi càng lớn, sự bảo vệ càng tích cực. Tất cả những chuyện đó đều dễ hiểu.

Chúng ta chỉ bàn đến số người khác: Họ vẫn muốn bảo vệ chính quyền dù họ không được hưởng quyền lợi gì trực tiếp từ chính quyền ấy cả. Người ta gọi đó là lòng trung thành.

Một số học giả Tây phương cho lòng trung thành ấy là nguyên nhân chính khiến chế độ cộng sản ở Việt Nam, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên vẫn còn đứng vững sau khi toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Nga và Đông Âu bị sụp đổ vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990. Người ta cũng cho lòng trung thành ấy đã bén rễ sâu xa trong văn hóa và lịch sử của cả ba nước, chủ yếu thông qua Nho giáo, một học thuyết lâu đời và có ảnh hưởng cực lớn, vốn đề cao sự hòa thuận và đặc biệt, sự trung hiếu đối với các bậc bề trên. Trong văn hóa Nho giáo, sự phản kháng không phải chỉ có màu sắc chính trị mà còn được xem là thuộc phạm trù đạo đức: Nó bị xem như một tội lỗi.

Thật ra, Nho giáo đề cao lòng trung thành nhưng lại không hề chủ trương một thứ ngu trung. Mạnh Tử từng bảo với những bạo chúa như Kiệt Trụ thì nên giết; giết chúng không phải là giết vua mà là giết những tên thất phu. Điều đó có nghĩa là với những bậc thánh hiền trong Nho giáo, có hai loại trung thành khác nhau: có loại trung thành chính đáng và có loại trung thành sai lầm, hay thường gọi là ngu trung.

Trung như Lý Trần Quán đối với Trịnh Khải là ngu trung. Năm 1786, khi Đoan Nam Vương Trịnh Khải bị Nguyễn Huệ đuổi chạy, cuối cùng, bị bắt, phải tự tử. Để tỏ lòng trung, Lý Trần Quán đã sai mua quan tài và sai người đem đi chôn sống. Ông không cần biết Trịnh Khải đã làm gì với vua Lê và đã làm được gì cho đất nước. Ông cũng không cần biết Nguyễn Huệ là ai; và giữa Nguyễn Huệ và Trịnh Khải, ai đang và sẽ đóng góp nhiều cho đất nước hơn. Ông không cần biết. Ông chỉ cần biết Trịnh Khải là chủ của ông. Ông không cứu được Trịnh Khải vậy ông phải chết. Đơn giản chỉ có vậy.

Bây giờ hẳn sẽ không có ai sẵn sàng tuẫn tiết nếu nhà cầm quyền sụp đổ như Lý Trần Quán ngày trước. Nhưng, với những mức độ khác nhau, một thái độ ngu trung như vậy không phải là không có.

Ở thời nào ngu trung cũng có một số đặc điểm giống nhau:

Thứ nhất, người ta trung với cái danh của người lãnh đạo chứ không phải với tư cách và hành động của người ấy. Trong sinh hoạt chính trị ở Tây phương hiện nay, người ta cũng đề cao lòng trung thành, nhưng cội rễ của sự trung thành ấy được xây dựng trên sự đồng thuận về chính sách chứ không phải trên cá nhân hay huyền thoại của tổ chức. Ở Việt Nam, ngược lại, khi nói đến “trung với đảng”, nhất là trong thời điểm hiện nay, người ta lại gạt bỏ các chính sách của đảng mà chỉ tập trung vào quá khứ hào hùng của một thời nào xa lắc, một quá khứ đẫm đầy màu sắc huyền thoại.

Thứ hai, người ta xem biểu hiện chính, thậm chí, duy nhất của sự trung thành là sự vâng phục tuyệt đối. Cấp trên nói đúng: nghe theo, đã đành. Cấp trên nói sai rành rành, vẫn cứ nhắm mắt tuân theo. Cứ xem các diễn văn và các lời lẽ tuyên truyền của chính phủ như Kinh Thánh. Cứ lặp lại như vẹt chứ không có chút hoài nghi. Ở Tây phương, ngược lại, người ta đề cao thứ trung thành kèm theo óc phê phán. Chỉ trung thành với những cái đúng. Hơn nữa, chỉ trung thành khi dám lên tiếng phê phán những cái sai của chính giới lãnh đạo của mình. Chính vì thế, không hiếm người sẵn sàng lên tiếng chỉ trích đảng của họ. Hay chính phủ của họ. Sự trung thành đối với cái đúng và đối với quyền lợi dân tộc được xem là chính đáng và cao cả hơn hẳn sự trung thành đối với một cá nhân hay một tổ chức.

Ở Việt Nam hiện nay, đồng lõa lớn nhất của cái ác và cái độc hại chính là những thứ ngu trung như thế.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG