Cuộc sống của những người Rohingya ở Myanmar tiếp tục bị khốn đốn trong lúc tân chính phủ của Liên minh Dân chủ Toàn quốc thực hiện lại những biện pháp bị cho là bất công đối với nhóm sắc tộc thiểu số theo đạo Hồi. Thông tín viên Paul Vrieze của đài VOA tường thuật từ thành phố Sittwe.
Nạn nghèo túng - cùng với những sự hạn chế đối với quyền đi lại và quyền tiếp cận các dịch vụ của chính phủ, đã khiến hàng vạn người Rohingya tìm cách vượt biên sang Malaysia để tìm việc làm trong những năm vừa qua.
Số người vượt biên đã bắt đầu giảm đi sau khi Liên minh Dân chủ Toàn quốc của bà Aung San Suu Kyi giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội và lên nắm quyền hồi tháng trước.
Ông Ayub Khan, một người Rohingya bán thuốc tây ở Sittwe, nói “Hiện nay số người vượt biên rất ít. Lý do chính không phải vì sự nguy hiểm của những chuyến hải hành, mà vì Liên minh Dân chủ Toàn quốc lên nắm quyền. Một số người hy vọng tình hình ở sẽ được cải thiện đôi chút. Tôi cũng hy vọng là người Rohingya sẽ có được những cơ hội bình đẳng.”
Tuy nhiên, những mối hy vọng đó đã bắt đầu phai nhạt từ khi tân chính phủ yêu cầu Đại sứ quán Mỹ không dùng từ Rohingya và khởi động lại một tiến trình gây nhiều tranh cãi để xác minh quốc tịch của nhóm người thiểu số này.
Bà Kasita Rochanakorn, người phát ngôn của văn phòng Myanmar của Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc, nói với đài VOA “Chúng tôi đã được chính phủ Myanmar cho biết là họ đang thực hiện tiến trình xác minh quốc tịch.” Bà cho biết Cao uỷ Tị nạn đã hối thúc giới hữu trách Myanmar bảo đảm rằng tiến trình này “có tính chất tự nguyện” và mang lại những sự thay đổi cụ thể trong cuộc sống của những người được cấp quốc tịch.
Với những biện pháp mới, chính phủ của Liên minh Dân chủ Toàn quốc giữ nguyên lập trường của chính phủ tiền nhiệm do quân đội lãnh đạo là bác bỏ những đòi hỏi của khoảng 1 triệu người Hồi giáo vô quốc tịch. Hầu hết những người này cho biết gia đình họ đã sinh sống nhiều đời ở tiểu bang Rakhine và họ muốn được công nhận là công dân Myanmar thuộc sắc tộc Rohingya. Chính phủ trước đây nói rằng nhiều người trong số đó đã nhập cảnh bất hợp pháp vào Myanmar trong vài thập niên qua và gọi họ là người Bengali. Quan điểm này nhận được sự tán thành của những người thuộc phong trào Phật giáo theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan có nhiều thế lực.
Luật sư Kyaw Hla Aung, một nhân vật lãnh đạo cộng đồng Rohingya ở làng Thet Kel Pyin, cho biết những quyết định hồi gần đây của Liên minh Dân chủ Toàn quốc đã làm cho các cộng đồng người Hồi giáo cảm thấy thất vọng. Ông nói “Hiện nay chúng tôi rất buồn vì Liên minh Dân chủ Toàn quốc chưa làm gì cho chúng tôi cả. Họ cũng chưa tiếp xúc với chúng tôi.”
Một thiếu nữ Hồi giáo nói với đài VOA “Dân chúng nghe nói bà Aung San Suu Kyi không muốn dùng chữ Rohingya cho nên họ đã mất hy vọng đối với tân chính phủ và tân quốc hội.”
Ông Win Htein - một thành viên cấp cao của Liên minh Dân chủ Toàn quốc, nói rằng câu hỏi mà phóng viên VOA nêu ra với ông về người Rohingya là “ngu xuẩn”. Ông nói “Tại sao ông lại hỏi câu hỏi này? Đất nước của chúng tôi hiện nay có cả ngàn vấn đề.”
Ông David Mathieson, một nhà nghiên cứu Myanmar của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, cho biết giới lãnh đạo Liên minh Dân chủ Toàn quốc “quá yếu kém trong việc giải quyết vấn đề người Rohingya và thiếu sự cởi mở trong việc thảo luận vấn đề này.” Ông nói thêm rằng Luật Quốc tịch năm 1982 của Myanmar cần phải được sửa đổi vì luật đó đã được soạn thảo với mục đích loại trừ người Rohingya.
Trong một diễn tiến khác, luật sư Kyaw Hla Aung cảnh báo về những mối căng thẳng trong vài ngày qua sau khi chính quyền tiểu bang Rakhine nghe theo yêu cầu của những nhân vật lãnh đạo cộng đồng và quyết định siết chặt an ninh để tiến hành một cuộc kiểm kê dân số ở Aung Mingalar, khu xóm duy nhất còn sót lại của khoảng 4.200 người Hồi giáo ở Sittwe.
Ông Aung Win, một cư dân ở Aung Mingalar, nói “Lúc trước những người bán hàng có thể tới xóm chúng nhiều lần mỗi ngày. Nhưng bây giờ chính quyền chỉ cho họ tới đây một lần mà thôi. Chúng tôi gặp khó khăn trong việc mua lương thực, rau trái và thuốc men.”
Ông Aung Win cho biết “Nhiều người Rohingya từng cảm thấy lạc quan, nhưng tình hình bây giờ dường như đang trở nên tồi tệ hơn.”