Đường dẫn truy cập

Nghệ sĩ piano Trang Trịnh: Đưa nhạc cổ điển tới gần hơn với khán giả Việt


Theo nghệ sĩ Trang Trịnh, các cuộc thi là con dao hai lưỡi, không nên quá lạm dụng nó để nuôi những ước mơ của mình.
Theo nghệ sĩ Trang Trịnh, các cuộc thi là con dao hai lưỡi, không nên quá lạm dụng nó để nuôi những ước mơ của mình.
Được theo học tại trường âm nhạc nổi tiếng, Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh, với học bổng Sterndale Bennett, sau sáu năm rèn luyện và học tập, cô gái trẻ thuộc thế hệ 8X Trang Trịnh đã tốt nghiệp xuất sắc chương trình thạc sĩ chuyên ngành biểu diễn năm 2010. Được học tập và trải nghiệm qua nhiều lần biểu diễn tại các buổi hòa nhạc lớn tại nhiều quốc gia Châu Âu, nghệ sĩ dương cầm Trang Trịnh luôn cố gắng chắt lọc những điểm tinh hoa trong phong cách biểu diễn của các đồng nghiệp quốc tế và nắm bắt xu hướng mới nhất trên thế giới để đem về giới thiệu cho khán giả Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ. Cô mong muốn âm nhạc cổ điển sẽ tới gần hơn với khán giả Việt Nam và sẽ sớm trở thành một món ăn tinh thần trong đời sống người Việt. Xin mời quý vị cùng lắng nghe bài phỏng vấn nghệ sĩ dương cầm Trang Trịnh với đài VOA Việt ngữ trong chuyên mục Câu chuyện Phụ nữ tuần này.

------------------------------------------------------

please wait

No media source currently available

0:00 0:11:52 0:00
Tải xuống

“Nhịp sống hiện tại của chúng ta rất nhanh, để mà ngồi nghe một bản nhạc ba phút đã khó rồi, chứ đừng nói tới việc nghe một bản sonate của Bethoven dài 20 phút…” Đó là những lời nhận xét của nghệ sĩ dương cầm 8X Trang Trịnh sau buổi biểu diễn âm nhạc cổ điển lớn thứ ba của cô tại Việt Nam, vừa diễn ra vào tháng 12 vừa rồi tại Hà Nội. Cho dù rất bận bịu với những kế hoạch riêng cho năm 2013, cộng thêm việc chênh lệch múi giờ tới 12 tiếng, nghệ sĩ Trang Trịnh vẫn dành cho đài VOA vài phút trò chuyện và chia sẻ một vài điều về những suy nghĩ bản thân về âm nhạc cổ điển và những dự án sắp tới của cô ở Việt Nam. Và sau đây là cuộc phỏng vấn nghệ sĩ Trang Trịnh với đài VOA Việt ngữ.

VOA: Các bạn trẻ hiện nay được sinh ra trong thời đại công nghệ thông tin, so với thế hệ học piano của bạn thì thế hệ các bạn trẻ 9X, hay thậm chí là 10x, ở Việt Nam học piano hiện giờ có gì khác biệt?

Trang Trịnh: Theo như mình được biết ở Việt Nam bây giờ số lượng người học đã tăng lên rất nhiều. Và số người học chơi piano với mục đích là để hiểu về âm nhạc cổ điển đã lớn hơn rất nhiều. Thời Trang còn đi học, những gia đình cho con đi học piano thường muốn con mình theo nghề, trở thành một nghệ sĩ. Thế nhưng hiện tại đàn piano cũng trở nên phổ biến rất là nhiều và rất nhiều gia đình có điều kiện để cho con học. Dĩ nhiên là ở Nhạc Viện và các trường nhạc ở Việt Nam thì trình độ và mức độ học thì vẫn chuyên sâu hơn và cao cấp hơn.

Trang nhận thấy ở phương Tây, nhất là ở Anh thì hiện tại đã có rất nhiều chương trình giảng dạy các nghệ sĩ trẻ. Như ở trường Hoàng gia Anh của Trang chẳng hạn thì cũng giảng dạy các nghệ sĩ trẻ nhận biết được sự thay đổi của khán giả, sự thay đổi của thời đại, và biết cách làm thế nào để âm nhạc của mình có thể tiếp tục sống và đến với công chúng hiện đại. Và Trang nhận thấy là bây giờ rất cần ở thế giới và Việt Nam hiện tại là các nghệ sĩ cần phải sáng tạo hơn nữa trong phương pháp biểu diễn, không phải thay đổi âm nhạc, để âm nhạc cổ điển có một chỗ đứng trong món ăn tinh thần của người việt.

VOA: Ở các nước phương Tây thì việc các em học sinh bắt đầu chơi nhạc cụ trong trường từ tiểu học, hoặc thậm chí sớm hơn là một chuyện phổ biến. Nhưng ở Việt Nam, khi các bậc phụ huynh rất coi trọng việc học văn hóa, theo bạn độ tuổi nào là thích hợp nhất để bắt đầu tiếp xúc và học chơi các nhạc cụ mà vẫn cân bằng được việc học văn hóa?

Trang Trịnh: Trang cũng có gặp rất nhiều bậc phụ huynh và các bậc phụ huynh luôn hỏi Trang là bao giờ nên cho con đi học. Và họ cũng rất là ngại ngần khi cho con đi học nhạc cũng bởi vì là việc học văn hóa quá nặng. Thứ hai là họ cũng có một tư tưởng rằng là nếu cho con học đàn thì không biết con có tài năng hay không. Trang vẫn thường tâm sự với họ là hãy cho con mình học đàn thật sớm, có thể sớm nhất khi 4, 5 tuổi. Bởi vì khi học piano hay bất cứ một loại nhạc cụ nào thì đó cũng là một cách để con bạn học về cách cảm nhận của thế giới, vẻ đẹp của âm thanh.

Không ai cho con đi học Toán mà nghĩ rằng là con mình sẽ trở thành một nhà toán học, cũng không ai cho con đi học Tiếng Anh thì con mình sẽ trở thành một dịch giả, âm nhạc là dành cho tất cả mọi người...
Trang Trịnh
Trang vẫn nói với họ rằng là không ai cho con đi học Toán mà nghĩ rằng là con mình sẽ trở thành một nhà toán học, cũng không ai cho con đi học văn hóa ở trường, Tiếng Anh chẳng hạn, thì con mình sẽ trở thành một dịch giả. Cũng như thế, chúng ta không nên nghĩ rằng cho con học nhạc thì sẽ trở thành một nghệ sĩ chơi đàn, hay là con mình phải có một tài năng đặc biệt gì lắm thì mới có thể học nhạc được. Trang vẫn nói với họ là âm nhạc là dành cho tất cả mọi người và tất cả các em bé đều có quyền và đều nên được cho học âm nhạc ngay từ nhỏ, nhất là piano, Trang nghĩ là 4,5 tuổi là độ tuổi thích hợp.

VOA: Được nhận học bổng theo học Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh là một điều rất đáng tự hào, tuy nhiên quá trình học ắt hẳn không dễ dàng. Bạn có thể chia sẻ một vài khó khăn hay kỉ niệm trong quá trình đó được không?

Trang Trịnh: Khi Trang sang Anh Quốc thì lúc đó Trang 16 tuổi và khi thi vào Học viện Hoàng gia Anh rồi thì Trang cũng cảm thấy rất choáng ngợp trước những người bạn cùng trường và những người bạn cùng khóa với mình. Các bạn ấy giỏi hơn Trang rất nhiều. Trang vẫn nhớ một cái kỉ niệm đó là khi có một lớp học về kiến thức âm nhạc, lịch sử âm nhạc, giáo viên có bật một bản nhạc giao hưởng và hỏi các bạn xem là bản nhạc này được sáng tác năm nào, của ai sáng tác thì hầu hết các bạn đều biết, nhưng Trang thì không có câu trả lời, bởi vì ở Việt Nam, Trang cũng không có cơ hội được tiếp xúc với các buổi hòa nhạc có chất lượng cao hay được nghe nhiều băng đĩa như các bạn ở nước ngoài. Trang vẫn nhớ là từ đó Trang đã phải dành rất nhiều thời gian ở trong thư viện của trường để tiếp tục học tập.

Còn một kỉ niệm nữa mà Trang cũng nhớ đó là khi Trang gặp ông bà giáo của Trang lần đầu tiên tại London, thì Trang mang ba bản nhạc đến cho ông bà nghe. Trang chơi hết sức mình rồi và Trang nghĩ rằng đó là cách tốt nhất Trang có thể thể hiện được. Thế nhưng bà giáo nhìn vào mắt Trang và nói rằng, Trang ơi, đây không phải là âm nhạc. Cảm giác của Trang lúc đó là rất bất ngờ và cũng buồn và cũng shock nữa. Sau đó ông bà mới giải thích là cách Trang đánh lúc đó không hề nghĩ tới tư tưởng của tác phẩm, mà chỉ nghĩ tới cảm xúc của tác phẩm và chủ yếu làm cách nào để chứng tỏ cho ông bà giáo là Trang có khả năng chơi nhạc.

Một người nghệ sĩ phải đặt âm nhạc lên trên cái tôi của mình, và phải đặt tình yêu đối với khán giả, với cuộc sống, lên trên tình yêu với âm nhạc.
Trang Trịnh
Sau khi được ông bà dạy thì Trang cũng nhận ra là một người nghệ sĩ phải đặt âm nhạc lên trên cái tôi của mình, và phải đặt tình yêu đối với khán giả, với cuộc sống, lên trên tình yêu với âm nhạc. Khi mà học những bài học lớn như thế này thì Trang cũng mất rất nhiều thời gian để có thể hiểu và ngấm những bài học như thế. Đúng là khoảng cách học nhạc ở Việt Nam và khi mà ra thế giới thì rất là xa. Cái điều này làm Trang rất nôn nóng và rất muốn chia sẻ những gì mà mình học được ở nước ngoài với các em nhỏ ở Việt Nam.

VOA: Vậy theo bạn khó khăn trong việc dạy âm nhạc, piano ở Việt Nam là như thế nào?

Trang Trịnh: Trang nghĩ có khá là nhiều rào cản. Điều đầu tiên đó là về cơ sở vật chất, cơ hội để tiếp xúc với văn hóa phương Tây. Thật ra âm nhạc cổ điển không phải là một thể loại nghệ thuật riêng biệt mà nó gắn liền rất chặt chẽ cả với lịch sử và nghệ thuật, chẳng hạn như điêu khắc, hội họa, văn học. Khi ở Việt Nam thì có lẽ là sẽ không thể có cơ hội nào để được chiêm ngưỡng một bức tranh của Monet hay rất là khó để xem một vở ballet của Tchaikovsky. Và nếu không xem được vở ballet của Tchaikovsky này hay không nghe được một chương trình opera của Mozart thì rất là khó để chơi được một bản sonate của Mozart hay một bản piano độc tấu của Tchaikovsky.

Điều thứ hai là phương pháp dạy piano trên thế giới vẫn đang được cập nhật hàng năm, nhưng phương pháp dạy piano ở Việt Nam vẫn còn phải cập nhật nhiều hơn. Dĩ nhiên là ở thời đại CNTT như hiện nay với Youtube, các mạng xã hội, cũng như sự phát triển của thông tin internet thì cũng đã có nhiều hơn các cánh cửa để tìm hiểu về âm nhạc phương Tây cũng như văn hóa phương Tây.

VOA: Theo Trang thì tham gia các buổi liên hoan âm nhạc hay cuộc thi có phải là một cách tốt để rèn luyện việc đưa cảm xúc, tâm hồn lên cái tôi của người nghệ sĩ?

Trang Trịnh: Trang nghĩ là các cuộc thi như là con dao hai lưỡi. Các cuộc thi là nơi cho lớp trẻ có một áp lực cần thiết để có thể nâng cao được khả năng chơi và hiểu biết của mình về âm nhạc. Thế nhưng bất kì cuộc thi nào cũng thế thôi, trong bất kì một con người nào cũng vậy, khi tham gia cuộc thi thì ai cũng mong muốn là mình sẽ chiến thắng. Nhiều khi là mong muốn này sẽ làm cho cái tôi cá nhân của người nghệ sĩ lớn hơn là cách thể hiện tác phẩm của người đó. Chính vì thế nên là Trang cũng là người yếu đuối trong mặt này, nên Trang chọn cách là dừng lại không tham gia các cuộc thi tiếp theo nữa. Trang nghĩ là những cuộc thi này sẽ dành cho các nghệ sĩ dương cầm trẻ cái giai đoạn phát triển để cọ xát và học hỏi thêm, có áp lực cần thiết để nâng cao khả năng biểu diễn trên sân khấu, chứ không phải là cách tốt để duy trì cả một quá trình phát triển nghệ thuật của mình. Các cuộc thi là con dao hai lưỡi, không nên quá lạm dụng nó để nuôi những ước mơ của mình. Trang nghĩ ước mơ không nên đặt ở cuộc thi, mà nên đặt ở nơi khán giả.

VOA: Lúc trước bạn có nói tới dự định sẽ biểu diễn ở một số tỉnh thành ở Việt Nam, vậy công tác chuẩn bị của bạn đã đến đâu rồi?

Trang Trịnh: Trang có một dự án Bethoven biểu diễn ở một vài vùng miền ở Việt Nam. Ở Việt Nam, một trong những điều khó khăn nhất để tổ chức một buổi biểu diễn chính là vấn đề tài trợ và hiện tại thì mình cũng đang đi tìm các công ty mà hiểu được ước mơ của Trang và hiểu được giá trị của việc mang âm nhạc cổ điển đến với lớp trẻ. Khi mà Trang về VN biểu diễn như thế này thì công tác tổ chức cũng như công tác truyền thông và công tác tài trợ là những rào cản lớn nhất để mang âm nhạc đến với mọi người. Bởi vì Kpop hay âm nhạc hiện đại hay nhạc trữ tình của Việt Nam thì rất dễ có cơ hội biểu diễn, thế nhưng nhạc cổ điển thì không được ưu ái đến thế. Chính vì thế nên là Trang cũng đang gấp rút cùng với ekip của mình để cố gắng mang âm nhạc cổ điển đến với những vùng miền mà thường không có cơ hội để nghe nhạc cổ điển như là Cần Thơ hay là các tỉnh miền Bắc như Nam Định chẳng hạn.

Ngoài việc chuẩn bị về mặt chuyên môn, chuẩn bị với ekip của mình về sân khấu, dàn dựng, Trang cũng phải dành rất nhiều thời gian để nói chuyện với rất nhiều người để họ cùng bắt sóng và hiểu được ước mơ của Trang cùng với giá trị của việc mang âm nhạc cổ điển đến với khán giả trẻ. Trước mắt sẽ là Sài Gòn và sau đó là Đà Nẵng, Cần Thơ.

Trang vẫn thường nói với mọi người, nhịp sống hiện tại của chúng ta rất là nhanh, để mà ngồi nghe một bản nhạc ba phút đã khó rồi, chứ đừng nói tới việc nghe một bản sonate của Bethoven dài 20 phút. Chính vì thế để đến được với lớp khán giả trẻ sinh ra trong thời đại công nghệ thông tin này, cần phải có những cách mới, sáng tạo hơn, để mang âm nhạc cổ điển đến với các bạn đó.

VOA: Xin cám ơn nghệ sĩ Trang Trịnh đã tham gia trả lời phỏng vấn với đài VOA. Xin chúc bạn sang năm mới sức khỏe dồi dào, luôn vui vẻ, hạnh phúc, và sẽ thành công với các dự án trong năm 2013 này.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG