Trung Quốc và Nga có thể không ngăn được Hoa Kỳ yêu cầu một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong tuần này về nhân quyền ở Bắc Triều Tiên, nhưng theo dự kiến, hai nước này sẽ ngăn chặn hội đồng thông qua bất kỳ nghị quyết trừng phạt nào.
Hội đồng Bảo an LHQ gồm 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Pháp và Anh; cùng với 10 thành viên không thường trực được bầu ra cho nhiệm kỳ 2 năm.
Năm ngoái, Đại hội đồng LHQ với 193 thành viên đã biểu quyết gửi lên Hội đồng Bảo an một nghị quyết đề nghị đưa Bắc Triều Tiên ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế căn cứ vào một cuộc điều tra của Ủy ban LHQ ghi nhận chi tiết và mạng lưới các nhà tù chính trị và những vụ vi phạm nhân quyền tràn lan, gồm việc tra tấn, bắt làm nô lệ, cưỡng hiếp và giết người.
Hội đồng Bảo an đã thảo luận về đề xuất nhưng không mở cuộc biểu quyết trong tình hình gần như chắc chắn các đồng minh của Bắc Triều Tiên là Nga và Trung Quốc sẽ phủ quyết.
Tuy nhiên một khi Hội đồng Bảo an đã đưa một vấn đề vào nghị trình thì vấn đề đó có thể được đưa ra bàn thảo trở lại vào bất cứ lúc nào.
Là nước giữ quyền chủ tịch Hội đồng trong tháng này, Hoa Kỳ đã ấn định một cuộc họp đặc biệt vào ngày thứ năm để xét lại vấn đề này.
Tin cho hay Trung Quốc đã phản đối cuộc họp và lập luận rằng vấn đề nằm ngoài phạm vi sứ mạng hòa bình và an ninh của Hội đồng.
Nga chắc cũng lên tiếng phản đối như thường lệ và nói rằng vấn đề lẽ ra phải được nêu ra tại một phiên họp trước hồi đầu tháng này.
8 thành viên khác của hội đồng ủng hộ quyết định của Hoa Kỳ đưa vấn đề vào nghị trình, đó là Chile, Pháp, Jordan, Lithuania, Malaysia, New Zealand, Tây Ban Nha và Anh.
Có nhiều phần chắc tại phiên họp ngày thứ năm Trung Quốc và Nga sẽ không đồng ý ủng hộ nghị quyết đưa Bắc Triều Tiên ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế.
Ông Phil Robertson, phó giám đốc chi nhánh Á Châu của tổ chức Human Rights Watch, nói điều quan trọng là tiếp tục duy trì sự chú ý vào vấn đề này ở các cấp bậc cao nhất của LHQ như một cách để làm áp lực buộc Bắc Triều Tiên phải chấm dứt những vụ vi phạm nhân quyền có hệ thống và bắt các nhà lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về hành động vi phạm trước đây.
“Bất kỳ sự đề cập nào đến vấn đề nhân quyền của Bắc Triều Tiên ở Hội đồng Bảo an LHQ đều ngay lập tức gióng lên hồi chuông báo động ở Bình Nhưỡng và đó là việc phải làm. Chúng tôi muốn tiếp tục làm áp lực với họ.”
Trong khi áp lực gia tăng nhắm vào Bình Nhưỡng tại LHQ, căng thẳng giữa hai nước Triều Tiên đã ít nhiều lắng dịu sau khi xảy ra vụ việc ở biên giới suýt leo thang thành một cuộc xung đột quân sự hồi tháng 8.
Trong mấy tháng vừa qua, Bình Nhưỡng đã tỏ ra tự chế một cách bất thường, hợp tác với Seoul chủ trì các cuộc đoàn tụ gia đình và không thực hiện những lời đe dọa phóng một hỏa tiền tầm xa hay tiến hành một cuộc thử nghiệm hạt nhân.
Tuần này, hai nước Triều Tiên sẽ mở các cuộc đàm phán cấp cao lần đầu tiên từ nhiều năm để cải thiện bang giao. Theo dự kiến, hai bên sẽ thảo luận việc tổ chức các cuộc đoàn tụ thường xuyên cho các gia đình bị phân lý và nối lại hoạt động du lịch đến khu nghỉ mát Núi Kim Cương ở miền Bắc đã bị đình chỉ hồi năm 2008 sau khi một du khách Nam Triều Tiên bị binh sĩ Bắc Triều Tiên bắn chết.
Cũng có các dấu hiệu cho thấy bang giao giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, đã xấu đi sau khi Bắc Triều Tiên tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba vào năm 2013, nay cũng đang được hàn gắn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 9 đã cử một phái đoàn đền dự lễ kỷ niệm ngày thành lập đảng lập quốc của Bắc Triều Tiên. Có tin tức về phát triển kinh tế mở rộng tại biên giới Trung Quốc-Bắc Triều Tiên. Và các giới chức ở Seoul nói Bắc Kinh mới đây đã có một ảnh hưởng trong việc kiềm chế Bình Nhưỡng.
Những người ủng hộ việc tìm cách thay đổi Bắc Triều Tiên thông qua giao tiếp, nhất là khi Bình Nhưỡng có thái độ hợp tác, đã tỏ ý nghi ngại rằng các nỗ lực của LHQ có thể gây phương hai cho các tiến bộ chính trị đang đạt được.
Giáo sư John Delury, một chuyên gia phân tích về Bắc Triều Tiên tại trường Đại học Yonsei ở Seoul nêu nhận định:
“Ta không thể từ bỏ cuộc vận động cho nhân quyền. Đồng thời, ta phải thừa nhận rằng có những đường lối khôn ngoan để thúc đẩy các mục tiêu nhân quyền, và rồi có những đường lối thỏa mãn lý luận đạo đức một cách thuần túy mà thực sự không cải thiện đường tình hình tại chỗ.”
Nhà hoạt động của Human Rights Watch, ông Robertson nói buộc Bắc Triều Tiên phải nhận lãnh trách nhiệm về các vụ vi phạm nhân quyền đang diễn tiến không nên là một vấn đề thương nghị có thể được bỏ qua để đạt được tiến bộ chính trị hay thậm chí để đạt được thỏa thuận hạn chế chương trình hạt nhân của nước này.
“Giả thiết rằng mỗi lần diễn ra một cuộc thảo luận về nhân quyền tại LHQ là lại gây trở ngại cho quan hệ liên Triều là rơi vào cái bẫy của Bắc Triều Tiên. Và cái bẫy đó là không ai nên thảo luận về nhân quyền nếu không chúng tôi sẽ nổi giận.”
Bắc Triều Tiên đã bác bỏ những lời cáo buộc về các vụ vi phạm nhân quyền có hệ thống, và nói rằng những lời tố giác ấy nằm trong khuôn khổ của một âm mưu cho Hoa Kỳ đứng đầu nhằm gây mất ổn định cho đất nước họ.