Tập đoàn Admiralty của Nga mới hạ thủy tàu ngầm thứ năm có tên gọi Khánh Hòa mà hãng này đóng cho Việt Nam, trong khi báo chí Trung Quốc dường như cho thấy sự lo ngại về khả năng tấn công của ‘các át chủ bài’ trên biển của Việt Nam.
Việt Nam đặt mua 6 tàu ngầm của Nga với giá trị nhiều tỷ đôla trong chuyến công du tới Moscow hồi năm 2009 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Hai chiếc đầu tiên, được đặt tên là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đã được bàn giao cho phía Việt Nam và chiếc thứ ba mang tên Hải Phòng đang trên đường tới Việt Nam.
Chiếc tàu ngầm thứ tư cũng đã được thử nghiệm, và chiếc thứ 6 cũng đã được đóng.
Theo hợp đồng này, Nga sẽ chuyển giao tất cả 6 tàu cho Việt Nam trước năm 2016, cũng như huấn luyện các thuỷ thủ Việt Nam vận hành tàu ngầm, và cung cấp các linh kiện cần thiết.
Phát biểu mới đây về hoạt động của quân đội Nga trong năm 2014, Thứ trưởng Quốc phòng nước này nói rằng quan hệ quân sự với Việt Nam đang “ngày càng phát triển”.
Trong khi đó, báo chí Trung Quốc ở nước ngoài và tại đại lục đã bày tỏ quan ngại rằng Việt Nam có thể dùng các tàu ngầm mua của Nga để chặn tuyến tiếp vận cho một đơn vị đồn trú của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa.
Hoàn cầu Thời báo, một ấn phẩm của tờ Nhân dân Nhật Báo cho rằng tất cả các tàu ngầm lớp Kilo mà Việt Nam mua của Nga đều được trang bị các tên lửa đạn đạo với tầm tấn công lên tới 280 km, tức là có bắn tới Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông, nơi đặt Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc.
Tờ báo đưa nhiều tin giật gân của Trung Quốc còn cho rằng các cơ sở hải quân lớn của Trung Quốc trên đảo Hải Nam cũng nằm trong tầm ngắm của các tàu ngầm của Việt Nam.
Ngoài ra, theo Hoàn cầu Thời báo, tàu ngầm của Việt Nam cũng có thể sử dụng các ngư lôi dẫn đường bằng radar để mở các cuộc tấn công vào các tàu tiếp vận của quân đội Trung Quốc.
Tuy nhiên, tờ báo cũng đưa tin rằng Trung Quốc đã triển khai ba tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo tới đảo Hải Nam để đề phòng khả năng xảy ra xung đột quanh quần đảo Trường Sa. Thêm nữa, Bắc Kinh cũng có thể triển khai tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân tới vùng biển vừa kể, nếu cần.
Theo nhận định của tạp chí tạp chí Quốc phòng châu Á - Thái Bình Dương có trụ sở ở Đài Bắc, dù tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam có lợi thế về khả năng tấn công chống tàu và tấn công các mục tiêu trên bộ, chúng không được thiết kế để tấn công các tàu ngầm của đối phương.
Tờ Global Times cho rằng, với nhiều kinh nghiệm đã sử dụng và nắm rõ điểm yếu của tàu ngầm của Nga, hải quân Trung Quốc sẽ có nhiều khả năng hơn, và sẽ “gây thiệt hại nặng” cho Việt Nam nếu giao tranh bùng ra.
Phía Việt Nam chưa lên tiếng bình luận về những nhận định của báo chí Trung Quốc.
Theo Interfax, QĐNĐ, Global Times, Duowei News, Want China Times