Ở thời điểm bắt đầu một năm mới, có lẽ không có người nào quan tâm đến chính trị Việt Nam lại không tự hỏi: Trong năm mới này, Việt Nam sẽ về đâu?
Sự kiện nổi bật và thu hút sự chú ý nhiều nhất tại Việt Nam trong năm nay là cuộc đại hội được tổ chức vào mỗi năm năm của đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội này có hai khía cạnh quan trọng nhất: một là bầu lên giàn lãnh đạo mới và hai là đưa ra những kế hoạch mới trong vòng năm năm tới. Ở khía cạnh thứ hai, theo giới quan sát chính trị Việt Nam, không có gì mới. Vẫn là những lời hứa hẹn. Vẫn duy trì những cấu trúc quyền lực quen thuộc. Vẫn đi theo cái gọi là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong đó các công ty quốc doanh vẫn chiếm vai trò chủ đạo. Khía cạnh thứ nhất được nhiều người quan tâm hơn. Thế nhưng cho đến nay, trước đại hội mấy tuần, không ai biết được những thu xếp về nhân sự sẽ như thế nào cả. Tất cả vẫn còn trong bí mật. Những gì chúng ta biết được đều chỉ là tin đồn không thể kiểm chứng được.
Tuy nhiên, dù bất cứ người nào lên làm tổng bí thư, chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội và thủ tướng, có bốn vấn đề chắc chắn sẽ không thay đổi: Một, về ý thức hệ, Việt Nam vẫn tiếp tục theo đuổi cái gọi là chủ nghĩa xã hội. Hai, về cấu trúc quyền lực, Việt Nam vẫn tiếp tục độc đảng và từ khước xu hướng dân chủ hoá. Ba, với chủ trương “định hướng xã hội chủ nghĩa”, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển – nếu có phát triển - ì ạch, số công ty bị phá sản càng lúc càng nhiều, số nợ công càng ngày càng chồng chất. Và bốn, về đối ngoại, Việt Nam vẫn tiếp tục chơi trò đu dây giữa Mỹ và Trung Quốc.
Xin nói thêm về điểm cuối cùng nêu trên. Nhiều người tự hỏi: Không biết tổng bí thư mới của Việt Nam sẽ là người thân Mỹ hay thân Trung Quốc? Theo tôi, câu hỏi ấy quá đơn giản. Cơ chế quyền lực tại Việt Nam không cho phép người nào, kể cả tổng bí thư, có thể hoàn toàn quyết định chính sách đối ngoại. Tất cả đều là những quyết định tập thể. Mà cái gọi là tập thể trong giới lãnh đạo Việt Nam, từ bao lâu nay, vẫn luôn luôn bị phân hoá, và hệ quả của sự phân hoá ấy là chính sách cuối cùng bao giờ cũng có tính chất chiết trung, lửng lơ ở giữa, để làm vừa lòng mọi người. Vả lại, quan hệ với Trung Quốc rất phức tạp. Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc quá nhiều, đặc biệt về kinh tế. Áp lực của Trung Quốc trên lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam cũng quá nặng. Cái gọi là nỗ lực “thoát Trung” rất khó thực hiện, trừ phi người ta sẵn sàng chấp nhận hai điều: Một, hy sinh quyền lợi của mình và gia đình mình; và hai, chấp nhận rủi ro, kể cả chiến tranh với Trung Quốc. Tôi không tin là giới lãnh đạo Việt Nam dám chấp nhận sự hy sinh và rủi ro như vậy. Thành ra, với Trung Quốc, người ta vẫn tiếp tục nhường nhịn. Khi Trung Quốc lấn tới, người ta chỉ lên tiếng phản đối lấy lệ. Rồi đâu vẫn vào đấy. Sẽ không có xung đột nào xảy ra cả.
Khi đã quyết định tiếp tục nhường nhịn Trung Quốc, người ta cũng không thể dám công khai thắt chặt quan hệ liên minh với Mỹ. Bởi đó là điều Trung Quốc không thể chấp nhận được. Hơn nữa, đó cũng chính là điều giới lãnh đạo Việt Nam từng hứa hẹn với Trung Quốc: không liên minh với quốc gia này để chống lại quốc gia khác. Hứa hẹn như thế là đã tự nguyện vẽ ra lằn ranh không thể vượt qua được đối với Mỹ.
Lửng lơ ở giữa, Việt Nam sẽ dùng Trung Quốc để lôi kéo sự quan tâm của Mỹ: để bảo vệ con đường hàng hải tự do ở Biển Đông, Mỹ rất cần sự hợp tác của Việt Nam, nước có diện tích biển lớn nhất trên con đường lưỡi bò của Trung Quốc. Việt Nam cũng sẽ dùng viễn ảnh ngả theo Mỹ để cò kè ngã giá với Trung Quốc: để hiện thực hoá con đường lưỡi bò trên Biển Đông, điều Trung Quốc cần nhất là sự khuất phục của Việt Nam.
Với chính sách đu dây như vậy, con đường dân chủ hoá của Việt Nam cũng bị bế tắc. Còn nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc, Việt Nam không thể dân chủ hoá khi điều đó chưa xảy ra với Trung Quốc. Nhưng triển vọng dân chủ hoá tại Trung Quốc chắc chắn còn khá xa vời. Bởi vậy, không hy vọng gì trong năm 2016 này tình trạng dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam sẽ thay đổi.
Về phía Mỹ, trong quan hệ với Việt Nam cũng như với bất cứ nước nào khác, Mỹ bao giờ cũng đặt vấn đề dân chủ và nhân quyền như một điều kiện cho mọi quan hệ đối tác. Tuy nhiên, đó chỉ là trên lý thuyết. Trên thực tế, có hai vấn đề. Một là Việt Nam vẫn có thể cứ giả bộ tôn trọng dân chủ và nhân quyền theo kiểu thả một người thì bắt lại một người như họ đã từng làm lâu nay. Hai là, như hầu hết các chuyên gia nhận định, các chính sách ngoại giao của Mỹ chủ yếu có tinh thần thực tiễn luận (realism) chứ không dựa trên một ý thức hệ cứng nhắc nào cả, do đó, từ trước đến nay, Mỹ cũng đã từng ủng hộ nhiều chính phủ độc tài nếu sự ủng hộ ấy có lợi cho Mỹ. Bởi vậy, nếu Mỹ muốn lôi kéo Việt Nam vào trận chiến chống Trung Quốc trên Biển Đông thì việc nhắm mắt làm ngơ trước sự độc tài của chính quyền Việt Nam không phải không thể xảy ra.
Ở trên, chúng ta nói đến xu thế dân chủ hoá từ quan hệ với nước ngoài, chủ yếu là với Trung Quốc và Mỹ. Con đường dân chủ hoá có thể xuất phát từ một chiều khác: từ dưới lên trên, tức trong nội bộ Việt Nam mà thôi. Ở khía cạnh này, có thể đặt câu hỏi: Liệu một ngày nào đó, không thể chịu đựng nổi độc tài và áp bức, người dân Việt Nam có thể vùng dậy đòi tự do như dân chúng ở một số quốc gia Trung Đông và Bắc Phi đã từng làm trong cái gọi là mùa xuân Ả Rập cách đây mấy năm? Với câu hỏi này, rất khó có câu trả lời chính xác. Trước khi cuộc cách mạng Ả Rập bùng phát, không có ai, kể cả các nhà lãnh đạo Tây phương cũng như các chuyên viên tình báo thượng thặng có thể biết điều đó cả. Nó nổ ra một cách bất ngờ và chóng vánh ngoài sự dự đoán của mọi người.
Có thể nói, nhìn từ quan hệ quốc tế, tình hình chính trị tại Việt Nam trong năm 2016 này chắc cũng không có gì khả quan. Tuy nhiên, điều đó, không có nghĩa là chúng ta phải tuyệt vọng. Có một câu nói của Otto von Bismarck đã thành danh ngôn: “Chính trị là nghệ thuật của cái khả dĩ” (Politics is the art of the possible).
Chúng ta chỉ biết tình hình thực sự của Việt Nam trong năm 2016 này khi tờ lịch cuối cùng của năm bị bóc xuống.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.