Đường dẫn truy cập

'Mỹ, TQ cần hợp tác thêm về quân sự để ngăn chặn xung đột'


Máy bay trinh sát Poseidon P-8-A của Hải quân Hoa Kỳ.
Máy bay trinh sát Poseidon P-8-A của Hải quân Hoa Kỳ.

Vụ đối đầu tuần trước giữa một máy bay trinh sát của Hoa Kỳ và một chiến đấu cơ phản lực của Trung Quốc cho thấy cần phải có sự hợp tác nhiều hơn về quân sự và những quy định giao tiếp được thoả thuận giữa hai nước. Đó là nhận định của các chuyên gia.

Ngũ Giác Đài cho hay chiếc máy bay Poseidon P-8A của Hải quân Hoa Kỳ lúc đó đang ở trong không phận quốc tế, cách đảo Hải Nam miền mam Trung Quốc khoảng 200 kilomet, vào lúc đối đầu với chiềc phản lực cơ Trung Quốc hôm thứ ba tuần trước.

Chiếc phản lực cơ Thẩm Dương J-B11 bay ngang qua bên dưới chiếc máy bay của Hoa Kỳ 3 lần cố ý cho thấy vũ khí đang chở dưới bụng máy bay, theo lời phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, Đề đốc John Kirby. Vào một thời điểm, ông nói cánh của chiếc phản lực cơ đã đến gần cánh của máy bay Hoa Kỳ trong vòng 9 mét.

Đề đốc Kirby gọi các hành động của phi công Trung Quốc là ‘hung hăng” và “thiếu chuyên nghiệp” và cho biết Ngũ Giác Đài đã bày tỏ với Bắc Kinh sự “phản đối mạnh mẽ” về thao tác vừa kể.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc gọi lời chỉ trích này là “hoàn toàn vô căn cứ.” Trong một thông cáo, Bộ này nhấn mạnh rằng phi công hành động một cách chuyên nghiệp và giữ một khoảng cách an toàn. Thông cáo nói mọi chê trách về vụ việc đều là do phía máy bay Mỹ và đòi Hoa Kỳ ngưng tiến hành các phi vụ thám thính ở gần Trung Quốc.

Vụ này gợi nhớ tới năm 2001, khi một cuộc thao tác tương tự của một phi công Trung Quốc đã đưa tới vụ đụng chạm trên không trung giữa một phản lực cơ chiến đấu J-18 của Trung Quốc và một máy bay trinh sát EP-3 của Hải quân Hoa Kỳ. Vụ đụng chạm này đã gây thiệt mạng cho viên phi công Trung Quốc và buộc chiếc máy bay của Hoa Kỳ phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam, châm ngòi cho một vụ khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng.

Nguy cơ xảy ra thêm những vụ đối đầu trên không trung

Chiến đấu cơ Thẩm Dương J-B11 của Trung Quốc
Chiến đấu cơ Thẩm Dương J-B11 của Trung Quốc

Nguy cơ xảy ra thêm những vụ đối đầu trên không trung

Nhiều chuyên gia phân tích quốc phòng trông đợi sẽ chứng kiến thêm nhiều vụ đối đầu nguy hiểm trên không trung, vào lúc quân đội Trung Quốc mạnh hơn và khó chịu hơn với sự hiện diện của quân đội Mỹ quá gần lãnh thổ của mình.

Ông Kerry Brown, một nhà cựu ngoại giao Anh ở Bắc Kinh, nay đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc của trường Đại học Sydney nói: “Trung Quốc cảm thấy họ có quyền đội với một không gia chiến lược quanh biên giới của họ. họ không để các máy bay đến gần biên giới của Hoà Kỳ và do đó cảm thấy, “Tại sao lực lượng Mỹ lại đến quá gần chúng ta như thế?.

Ông Brown nói những vụ suýt đi đến đụng độ như tuần này là “cực kỳ nguy hiểm,” không những đối với các phi công và các lực lượng khác có liên quan trực tiếp, mà bởi vì những sự cố đó có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát về mặt ngoại giao. Theo ông, “Đó chính xác là loại tình huống mà ta có thể thấy mọi sự hoàn toàn leo thang.”

Các giới chức Hoa Kỳ và Trung Quóc đều đã đưa ra lời kêu gọi công khai có thêm sự hợp tác quân sự và đối thoại để có thể giảm bớt căng thẳng và gia tăng sự thông cảm, và đa số các giới chức cho rằng đang đạt được tiến bộ trên mặt trận này.

Các cuộc đàm phán mới nhất diễn ra trong tuần này, khi Ngũ Giác Đài cho hay các giới chức Hoa Kỳ và Trung Quốc đã họp tại Washington trong khuôn khổ các cuộc thảo luận đã được hoạch định từ lâu về các hành sử trên biển và trên không. Các giới chức Hoa Kỳ nói với đài VOA rằng vụ việc suýt xảy ra trong tuần trước đã được bàn đến trong các cuộc đàm phán.

Nhưng ông Brown nói cho đến nay, những cuộc đàm phán như thế vẫn chưa có đủ tác dụng.

Ông nói: “Ta có những cố gắng nhắm tới hình thức đối thoại đó, nhưng hình thức này không được tổ chức chặt chẽ là mấy. Và thực sự là cần được chuẩn bị sẵn sàng để mỗi bên hiểu rõ các lằn ranh đỏ là gì. Vấn đề vào lúc này là không có nhiều sự thông cảm về phía Trung Quốc về những lằn ranh đỏ của Mỹ là gì. Và các giới chức quốc phòng có thể nghĩ rằng mọi người đều biết rõ, rất rõ về phía Trung Quốc, nhưng điều rõ ràng là có vấn đề về thông tin liên lạc.”

Cần xác lập những quy định được cả hai bên chấp thuận

Xác lập những quy định về cách hành sử được cả hai bên và quốc tế chấp thuận là một cách khác để giảm thiểu nguy cơ về một sự leo thang đáng kể, theo nhận định của chuyên gia quốc phòng John Blaxland của trường Đại học Quốc gia Australia.

Ông nói: “Cần phải có các nguyên tắc được thừa nhận. Chúng ta đã thấy những lời kêu gọi về sự kiện này ở vùng Biển Đông. ASEAN đã kêu gọi có những sắp xếp về một bộ quy tắc hành sử cho những tàu thuyền ngoài khơi. Tôi nghĩ đối với máy bay cũng thế.”

Nhưng có những thắc mắc về việc liệu Trung Quốc có sẵn sàng tôn trọng các luật lệ và tập tục quốc tế khi có xung đột với quyền lợi và các khẳng định lịch sử. Ông Blaxland gợi ý rằng thái độ khiêu khích của Trung Quốc có thể cho thấy là họ muốn ‘viết lại các luật lệ’ thường được quốc tế đồng thuận.

Ông nói: “Đường lối của họ đã tỏ ra khá khiêu khích và thiếu thân thiện đối với một số quốc gia. Họ chưa tìm cách giao tiếp trên một cơ sở đồng thuận. Họ tìm cách khiêu khích Philippines, và nay lại tìm cách khiêu khích Việt Nam, và chúng ta đã thấy điều đó nhắm cả vào các tàu thuyền của Hoa Kỳ nữa. Đây thực sự là một đường lối chiến đấu, không phải là một đường lối cố gắng tìm ra sự đồng thuận qua những thủ tục cùng được thừa nhận.”

Các giới chức quân sự và các nhà quyết định chính sách của Hoa Kỳ cũng phải quyết định liệu có đáng tiếp tục khẳng định sức mạnh hải và không quân Mỹ ở quá gần bờ biển Trung Quốc, khi rõ ràng là điều đó sẽ gây khó chịu cho Bắc Kinh và có thể dẫn đến sự đối đầu.

Ông Blaxland nói: “Có lẽ Hoa Kỳ có thể thực hiện một vài nhượng bộ ở đây. Mặt kia ở đây là nếu ta thực hiện sự nhượng bộ đó, thì liệu có dẫn đến những nhượng bộ lớn hơn nữa hay chăng?

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG