Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam mới lên tiếng nhấn mạnh rằng Mỹ không có ý định thay đổi hệ thống chính trị của Việt Nam, đồng thời nói rằng việc tôn trọng sự khác biệt sẽ thúc đẩy quan hệ sâu rộng giữa hai nước.
Ông Ted Osius vừa gặp gỡ báo giới vào đầu tuần này ở Hà Nội để thông báo về kết quả của chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ hai tuần trước đó.
Nhà ngoại giao của Mỹ cho biết rằng trong cuộc gặp song phương ở phòng Bầu dục trong Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Barack Obama và ông Trọng đã khẳng định sẽ “tôn trọng hệ thống chính trị của nhau”.
Trước khi trở lại Việt Nam làm nhiệm vụ, sau khi chứng kiến cuộc hội kiến giữa các nhà lãnh đạo hai nước, đại sứ Osius đã tiếp xúc với cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Little Saigon ở California.
Trong cuộc tiếp xúc này, ông cho biết đã trả lời thẳng thắn một câu hỏi mà nhiều người Việt ở Mỹ vẫn hay đặt ra:
“Tôi đã nhận được câu hỏi rằng Mỹ sẽ có chương trình gì để thay đổi chính phủ Việt Nam và tôi đã trả lời thẳng rằng đó không phải là chính sách của Mỹ. Chính sách của Mỹ là tôn trọng sự khác biệt trong hệ thống chính trị của các quốc gia khác. Cách duy nhất để có thể tăng cường lòng tin giữa hai nước là phải nói rõ sự tôn trọng của chúng tôi đối với một hệ thống chính trị khác biệt. Đó không phải là câu trả lời mà những người đó muốn nghe, nhưng đó là chính sách của nước Mỹ và điều đó đã được Tổng thống Hoa Kỳ nói nhiều lần. Lợi ích của Mỹ là chúng tôi muốn thấy một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng, độc lập, tôn trọng dân chủ, nhân quyền và pháp quyền. Việt Nam thành công thì điều đó cũng nằm trong lợi ích của Mỹ”.
Chính sách của Mỹ là tôn trọng sự khác biệt trong hệ thống chính trị của các quốc gia khác. Cách duy nhất để có thể tăng cường lòng tin giữa hai nước là phải nói rõ sự tôn trọng của chúng tôi đối với một hệ thống chính trị khác biệt.Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius
Ông Osius nói thêm rằng không cần phải có một hệ thống chính trị giống hệt nhau thì mới có được quan hệ sâu rộng.
Nhiều ý kiến trên các diễn đàn của người Việt ở nước ngoài suốt nhiều năm qua đều cho rằng cần phải thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam thì đất nước mới dân chủ và thịnh vượng.
Trong khi ở trong nước, nhiều người lại cho rằng việc làm đó có thể dẫn tới bất ổn chính trị.
Khi được hỏi rằng chuyến thăm tới Mỹ vừa qua và Nhật Bản sắp tới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ ảnh hưởng ra sao tới trục quan hệ Việt – Trung – Mỹ, ông Ted Osius nói rằng Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam có quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước láng giềng.
“Mới đây cựu Tổng thống Clinton đã đến thăm Việt Nam và tôi nhớ lại trong thời gian chuyến thăm, có một cựu chiến binh Việt Nam đã được phỏng vấn ở ngoài khách sạn Deawoo. Người cựu chiến binh này đã nói một câu là có 1.000 người bạn vẫn là không đủ, còn có một kẻ thù là quá nhiều. Vì vậy nếu chúng ta xem xét đến lịch sử của Việt Nam thì quan điểm của tôi là người Việt Nam có một khao khát lớn đối với hòa bình, về mối quan hệ hài hòa với các nước láng giềng cũng như các quốc gia khác”.
Dù chính quyền Bắc Kinh không trực tiếp nhận định về chuyến thăm Mỹ của ông Trọng, báo chí nhà nước Trung Quốc đã có nhiều bình luận mà một số nhà quan sát cho là “mang tính dọa nạt” Hà Nội.
Tờ Hoàn cầu Thời báo, một ấn phẩm của Nhân dân Nhật Báo thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, viết rằng Hà Nội “đang chịu sức ép chính trị ngày càng tăng từ Mỹ mà về lâu dài sẽ là một thách thức đối với sự ổn định của Việt Nam”.
Hoàn cầu Thời báo nói thêm: “Mối quan hệ thân cận hơn giữa Việt Nam và Mỹ một phần là nhằm đối phó với Trung Quốc và kéo theo biện pháp trả đũa từ Trung Quốc. Điều này sẽ gây áp lực lên cả ba phía, và khi đó, Việt Nam có thể trở thành kẻ chịu thiệt hại nhiều nhất”.
Đáp lại, tờ PetroTimes của Việt Nam dẫn lời ý kiến chuyên gia gọi những bình luận này là “ngang ngược, láo xược và gây mất đoàn kết quan hệ Việt – Trung".