Đường dẫn truy cập

Một sinh viên Luật của Malaysia bị kết án tù về tội xúi giục nổi loạn


Một sinh viên Luật của Malaysia đã bị kết án một năm tù giam sau khi bị kết tội xúi giục nổi loạn ở Kuala Lumpur hôm thứ Sáu. Theo tường thuật của thông tín viên Kate Lamb, các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ đã lên án phán quyết này, và lên án chính phủ là sử dụng một đạo luật từ thời thuộc địa để bóp nghẹt tự do ngôn luận.

Sinh viên 25 tuổi và cũng là một nhà hoạt động, anh Adam Adli Abdul Halim đã bị ra tòa vì bị cáo buộc về những phát biểu công khai xúi giục nổi loạn trước và sau cuộc tổng tuyển cử hồi năm ngoái của Malaysia.

Hãng tin AP tường thuật rằng tại một cuộc họp chính trị sau cuộc bầu cử mà đảng cầm quyền lâu năm của nước này đã trở lại nắm quyền, anh đã nói với mọi người rằng “hãy xuống đường và giành lại quyền lực”.

Các công tố viên cáo buộc những phát biểu đó có ý đồ kích động công chúng lật đổ chính quyền.

Nhưng các luật sư của Adam Adli nói rằng những bình luận đó chỉ là sự bày tỏ mối quan tâm chân thành về những lo sợ của công chúng có liên quan đến gian lận bầu cử.

Sau phán quyết sáng thứ Sáu, sinh viên đã tweet từ “có tội” và viết rằng “có một quan điểm khác nay dường như là cái tội theo công tố viên thân yêu của chúng ta.”

Bà Maria Chin Abdullah, chủ tịch của nhóm ủng hộ nhân quyền Bersih của Malaysia, nói việc kết án Adam Adli cho thấy luật về nổi loạn cho phép chính phủ kết tội bất cứ phát biểu nào mà họ cảm thấy có tính cách xúc phạm.

“Tôi cho là họ đang gửi đi một thông điệp cho rằng tự do ngôn luận có thể bị coi là phạm tội mà không hề vạch ra các ranh giới. Nếu bạn nhìn vào luật xúi giục nổi loạn, nó rất khái quát. Bất cứ điều gì mà chính quyền cho là xúi giục nổi loạn theo điều luật này và không có một hướng dẫn nào về các hành vi đi đến mức có tính xúi giục nổi loạn”.

17 người Malaysia, trong đó có các chính trị gia đối lập, các nhà hoạt động và các học giả hiện đang đối diện với những cáo buộc theo luật xúi giục nổi loạn 1948 và 6 nguời khác đang bị điều tra.

Các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ nói rằng định nghĩa khái quát và mơ hồ của đạo luật có nghĩa là tất cả các hình thức phát biểu đều có thể bị quy tội.

Chẳng hạn như đầu tháng này, bà Susan Loone, một nhà báo làm việc cho trang tin tức mạng Malaysiakini, đã bị thẩm vấn theo Luật xúi giục nổi loạn về một bài viết trong đó viện dẫn một lời bình luận bị cáo buộc là xúi giục nổi loạn.

Năm ngoái, Thủ tướng Najib Razak nói chính quyền dự trù sẽ thay thế đạo luật xúi giục nổi loại của thời thuộc địa với những đạo luật ủng hộ cho tự do ngôn luận nhiều hơn.

Hôm 9 tháng này, Bộ trưởng tư pháp thông báo rằng tất cả các trường hợp đang giải quyết sẽ được xem xét lại.

Nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Maria Chin Abdullah nói cô nghi ngờ về sự thành thực của chính quyền. Adam Adli là sinh viên hoạt động thứ hai sau Muhammad Safwan Anang bị kết tội xúi giục nổi loạn và bị kết án tù.

“Với bản án áp đặt lên Adam Adli và trên Safwan trước đó, cũng là một sinh viên hoạt động, tôi không nghĩ là có chút thành thật nào trong việc mở rộng không gian dân chủ cho ngôn luận”.

Bình luận về phán quyết hôm nay, tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở ở New York nói rằng chính quyền Malaysia đang cho thấy “kiểu khuynh hướng độc tài thường đi kèm chế độ độc đảng hơn là dân chủ”.

Liên minh cầm quyền Malaysia đã nắm quyền kể từ khi giành độc lập vào năm 1957, khiến cho liên minh trở thành một trong những chính quyền lâu nhất trong lịch sử. Liên minh này suýt thắng cử trong cuộc bầu cử vào tháng 5 năm 2013.

Anh Adam Adli đã được bảo lãnh tại ngoại hôm thứ Sáu. Các luật sư của anh cho biết họ sẽ kháng cáo.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG