Đường dẫn truy cập

Một giải pháp cho Việt Nam - Phỏng vấn Giáo sư Vũ Quốc Thúc


Giáo Sư Vũ Quốc Thúc
Giáo Sư Vũ Quốc Thúc

Giáo sư Vũ Quốc Thúc, cựu Khoa Trưởng Trường Luật Sài Gòn, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Việt nam Cộng hòa, cựu Giáo sư Đại Học Paris XII, là người từng nắm nhiều chức vụ quan trọng trong nền Đệ nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa của miền Nam Việt Nam trước đây. Nay đã ngoài 90, nhiều người coi ông như một chứng nhân của lịch sử, người đã theo sát những thăng trầm của đất nước trong một giai đoạn kéo dài trên nửa thế kỷ. Trong Câu Chuyện Việt Nam do Hoài Hương phụ trách tuần này, Giáo sư Vũ Quốc Thúc chia sẻ những ưu tư của ông về hiện tình đất nước, và nguyện vọng của ông muốn đất nước duy trì độc lập và quyền tự quyết.

Việt Nam sẽ giữ vị thế nào trong trật tự thế giới mới đang thành hình, khi mà Trung Quốc ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trên sân khấu thế giới, và giữa lúc Hoa Kỳ đang tăng cường nỗ lực để xây dựng một liên minh khu vực nhằm kiềm hãm Trung Quốc qua chính sách trở lại Châu Á? Giáo sư Vũ Quốc Thúc nhận định:

“Nước Việt Nam hiện nay đang đứng vào một khúc quanh lịch sử. Nếu mà không khéo léo thì có thể dân tộc và đất nước Việt Nam một lần nữa lại lâm vào cái cảnh bị hai thế lực ngoại bang tranh giành trên đất mình và rồi bị lợi dụng người Việt Nam để mà đánh nhau để bảo vệ các quyền lợi của họ. Việt Nam đã qua cái cảnh ngộ đó trong bao nhiêu năm nay rồi, đất nước đã bị tàn phá nhiều rồi, dân tộc đã bị tang tóc đau khổ nhiều lắm rồi... Chính vì thế cho nên chúng ta phải tỉnh táo. Tôi xin thưa rằng nhìn với con mắt người Việt Nam như thế, thì tôi lo ngại vô cùng. Toàn thể công dân ở trong nước cũng như ngoài nước có trách nhiệm làm thế nào để giữ được nước Việt Nam, đừng để một lần nữa bị lâm vào cảnh chiến tranh, huynh đệ tương tàn, rồi thì đất nước bị tàn phá mà rốt cuộc chỉ có ngoại bang được lợi mà thôi.”

Giáo sư Vũ Quốc Thúc nói mặc dù Trung Quốc đang phát triển mạnh và có tham vọng trở thành một siêu cường thứ hai, Việt Nam không thể để cho cường quốc phương Bắc làm mưa làm gió như chốn không người. Giáo sư Vũ Quốc Thúc nói điều quan trọng là người Việt phải làm sao làm chủ được vận mệnh của mình, đừng để đất nước rơi lại vào tình trạng bị động như trong quá khứ, để các siêu cường đưa ra quyết định trong khi người Việt Nam chi biết thi hành. Tuy nhiên các điều kiện thực tế có cho phép Việt Nam làm điều đó hay không?

Giáo sư Vũ Quốc Thúc: "Chúng ta không nên có mặc cảm là chúng ta yếu quá. Ta không phải là một cường quốc về quân sự, nhưng ta đủ sức để ngăn chặn không cho một ngoại bang nào chiếm đóng nước chúng ta. Họ có thể tàn phá chúng ta. Họ có thể đánh bại quân đội chúng ta, nhưng nếu họ muốn chiếm đóng đất nước chúng ta thì chắc chắn họ sẽ bị thất bại, họ sẽ giam mình vào ngõ bí và rồi họ sẽ sa lầy, rồi lực lượng của họ sẽ hao mòn dần dần. Chúng ta có một điều mà không ai có thể tiêu diệt được hết, đó là tình nghĩa dân tộc, là ý chí muốn độc lập, cái quyền tự quyết mà mình phải tha thiết bảo vệ, vậy thì bằng mọi cách, không ai có thể chiếm đóng đất nước chúng ta, biến chúng ta thành nô lệ.”

Giáo sư Vũ Quốc Thúc nói không giống như thời xưa, Việt Nam bây giờ có một số lợi khí ngoại giao trong tay, Việt Nam có thể vận động quốc tế và sát cánh với các nước lân bang để chống chủ nghĩa bành trướng.

Giáo sư Vũ Quốc Thúc giải thích: "Chúng ta có thể khai thác vị trí về địa lý của chúng ta. Đất nước chúng ta là một cửa ngõ để xâm nhập vào nội địa Trung Hoa. Cái quan trọng của Việt Nam chúng ta là ở chỗ đó. Nếu Việt Nam đi với một cường quốc Tây phương, như Hoa Kỳ, để trở thành một cứ điểm hầu xâm nhập Trung Quốc thì tất nhiên sẽ khiến Bắc Kinh lo ngại lắm, nhưng nếu Trung Quốc xâm nhập Việt Nam thì các nước Tây phương sẵn sàng giúp Việt Nam để lợi dụng địa thế chiến lược của Việt Nam.”

Tuy vậy, Giáo sư Vũ Quốc Thúc khuyến cáo chớ nên đi vào con đường đó, bởi vì đó có thể là một thảm họa cho Việt Nam. Ông chủ trương Việt Nam phải giữ quyền chủ động bằng cách đứng giữa các thế lực khu vực:

“Vì thế tôi đã đề nghị nếu Việt Nam bảo vệ được quy chế trung lập vĩnh viễn theo quốc tế công pháp, thì trước hết là cam kết của chúng ta không thể để cho bất cứ một ngoại bang nào dùng đất nước chúng ta làm bàn đạp để xâm lăng một nước khác.”

Giáo sư Vũ Quốc Thúc tin rằng giải pháp trung lập có thể mang lại cho quốc gia quyền toàn vẹn lãnh thổ mà không bên nào được xâm phạm:

“Phải bảo vệ nền trung lập pháp lý đó, và thứ hai là quyền tự do giao thương với bất cứ nước nào, trong trường hợp đó nếu một nước nào xâm lăng nước ta, ta có thể trông cậy vào sự tiếp tay của các ngoại bang để bảo vệ nền độc lập của mình, đồng thời chúng ta cam kết sẽ không đứng về một phe nào nếu xảy ra một sự xung đột trên trường quốc tế.”

Giáo sư Vũ Quốc Thúc đơn cử một tiền lệ là nước Áo vào năm 1945.

“Ngay từ ngày 27 tháng Tư năm 1945, nước Áo đã được công nhận là một cộng hòa liên bang độc lập có chủ quyền. Như vậy nước Áo đã được trung lập mà bây giờ nước này đóng một vai tuồng quan trọng như thế nào trên trường ngoại giao. Thế thì tại sao những gì làm được bên Áo lại không làm được ở Việt Nam?”

Tuy nhiên thực tế là Việt Nam vẫn nằm dưới quyền lãnh đạo của Đảng Cộng Sản ,Việt Nam, vốn có quan hệ mật thiết với Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Giới phân tích nhận định rằng hàng ngũ lãnh đạo hàng đầu Việt Nam hiện nay hầu hết đều thân Trung Quốc, trong các điều kiện đó, nhiều người lo sợ về cái gọi là “hiểm họa Bắc thuộc mới”. Liệu hiểm họa này có thực hay không?

Giáo sư Vũ Quốc Thúc: “Hiểm họa Bắc thuộc đó vẫn có nếu chúng ta cứ nhắm mắt theo đúng cái chủ nghĩa Mác-Lênin, là nền tảng lý thuyết của cộng sản, thì người ta biết là họ đặt sự liên đới của giai cấp vô sản toàn thế giới lên trên cả các quyền lợi quốc gia, họ không công nhận sự khác biệt giữa các quốc gia, mà trái lại, họ cho rằng giai cấp vô sản toàn thế giới là một khối, phải liên đới với nhau.”

Giáo sư Vũ Quốc Thúc nói trên thực tế, lý thuyết cộng sản thực ra không còn nữa và tình liên đới giữa giai cấp vô sản quốc tế cũng không còn.

Ông đơn cử một ví dụ: “Khi những ngư dân ở Quảng Ngãi đi đánh cá mà bị tàu hải giám Trung Quốc đến đánh đuổi, cướp đoạt tài sản, rồi bắt giam thì tôi xin hỏi rằng như thế là Trung Quốc đã đặt cái nghĩa liên đới cộng sản 16 chữ vàng 4 chữ tốt đó, thì họ có đặt cái nghĩa liên đới đó lên trên quyền lợi quốc gia không? Họ đã lợi dụng chủ nghĩa cộng sản, chiêu bài cộng sản để mà ru ngủ, để mà ràng buộc Đảng Cộng Sản Việt Nam. Chúng ta những người dân Việt Nam phải tìm cách để bảo vệ chủ quyền của chúng ta, không ai có thể ru ngủ chúng ta, đánh lừa thế giới dựa trên chiêu bài liên đới cộng sản để mà biến chúng ta thành một quận huyện của Trung Quốc. Khi tôi đòi hỏi trung lập là tôi muốn nhắc nhở (giới lãnh đạo Việt Nam) như thế đó, phải trông cậy vào sức mạnh của mình đã, dù yếu thì yếu, nhưng chúng ta phải cố gắng để tự giải phóng.”

Là một người gắn bó với quê hương và dân tộc trong suốt đời mình, vì hoàn cảnh bị buộc phải đi sống lưu vong, Giáo sư Vũ Quốc Thúc vẫn khẳng định tư cách công dân Việt Nam của ông, và quyền được yêu nước:


“Yêu nước không phải là độc quyền của bất cứ đảng nào hết. Yêu nước là cái quyền và cũng là bổn phận của toàn thể mọi công dân, dù ở trong nước hay ở ngoại quốc cũng thế.”

Trong các điều kiện đất nước còn bị đe dọa và đứng trước nguy cơ có thể mất thêm đất thêm biển, giữa lúc cái hố chia rẽ về ý thức hệ, về chính kiến giữa các tập thể người Việt còn rất sâu, hầu như không tài nào lấp được, liệu Giáo sư Vũ Quốc Thúc có hoài nghi, có ưu tư cho tiền đồ dân tộc?

“Bản tính của tôi lạc quan, thế nên tôi tin rằng tiền đồ của nước Việt Nam nó tươi sáng lắm. Nếu mà tôi hoài nghi những người lưu vong ở hải ngoại hay là những người đang cầm quyền, những người cộng sản trong nước, thì không bao giờ tôi đưa ra những chủ trương như chủ trương trung lập, người ta sẽ cho là tôi viển vông, không tưởng, nhưng chính vì tôi tin tưởng ở tiền đồ của đất nước, tôi tin ở mệnh nước. Và xét lại lịch sử, chúng ta đã từng bị Tàu đô hộ, chúng ta đã từng bị Pháp đô hộ, mà rồi chúng ta vẫn lấy lại được độc lập, thế cho nên tôi tin rằng tương lai của Việt Nam, do cái địa lý, cái vị trí của nó, và do ý chí của người dân Việt, chúng ta ai nấy cũng đều yêu nước, chúng ta đã chứng tỏ khả năng của chúng ta. Tôi cứ nhìn vào tầng lớp thanh niên bây giờ ở hải ngoại, nơi nào tôi thấy họ cũng xuất sắc, đầy đủ khả năng để mà cạnh tranh với lại những người ngoại quốc. Thế thì nếu hoàn cảnh đất nước mà thuận lợi, thì tôi tin rằng không thiếu gì những người sẽ trở lại quê hương, xây dựng lại đất nước, mà ngay những người trong nước lúc đó người ta sẽ nhìn rõ hơn, để hãnh diện hơn về tương lai của dân tộc, người ta không an phận để bây giờ chỉ thụ hưởng thôi, mà trái lại người ta sẽ tìm cách để xây dựng lại đất nước, để cho Việt Nam ngày mai đây cũng sẽ phú cường, hiện đại như là các nước láng giềng ở Đông Nam Á.”

Kính thưa quý vị, ‘Câu chuyện Việt Nam’ do Hoài Hương phụ trách đến đây đã kết thúc, xin chân thành cảm tạ Giáo sư Vũ Quốc Thúc đã dành cho Ban Việt ngữ Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ cuộc phỏng vấn này. Quý vị có thể bình luận về đề tài hôm nay, đọc các tin mới nhất, xem phóng sự video, bình luận và trao đổi với các độc giả khác trên trang web của chúng tôi ở địa chỉ www.voatiengviet.com hoặc trên các trang web xã hội Facebook, Twitter và Yahoo 360 plus.

Hoài Hương xin cám ơn sự theo dõi của quý vị và xin hẹn gặp lại quý vị trong chương trình tuần sau.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG