Đường dẫn truy cập

Một giả định thực tế


Nếu đảng và nhà cầm quyền CS tại Việt Nam chấp nhận đa nguyên, đa đảng, cách chuyển đổi chế độ tối nhất là gì?

Thực tế đến lúc này, đảng và nhà cầm quyền Cộng sản tại Việt Nam vẫn chưa chấp nhận nền chính trị đa nguyên, đa đảng.Thực tế này thể hiện qua những lời tuyên bố của các lãnh đạo hàng đầu của đảng cầm quyền độc tôn (đảng Cộng sản Việt Nam) và nhà nước độc tài toàn trị (Cộng Hòa Xã Hội Chủ nghĩa Việt Nam).Thực tế này cũng được thể hiện qua việc sửa đổi Hiến Pháp năm 1992 lần này, dù chưa được Quốc hội đương nhiệm công bố, nhưng ai cũng biết trước là chắc chắn vẫn duy trì các điều khoản liên quan đến chế độ chính trị độc tài toàn trị hiện hành (Chương I, Điều 1 và các điều kế tiếp) và vai trò nắm quyền cai trị độc tôn của đảng Cộng sản Việt Nam (Điều 4).

Vì vậy, trong bài viết này chúng tôi chỉ đưa ra một giả định thực tế: nếu ngay bây giờ, đảng và nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam chấp nhận đa nguyên, đa đảng thì cách chuyển đổi tốt nhất là gì?

Câu trả lời tổng quát: cách chuyển đổi tốt nhất là đảng và nhà cầm quyền CSVN tự nguyện, tự giác, đơn phương chủ động , mở rộng hợp tác thực hiện một tiến trình chuyển thể hòa bình và êm dịu như Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã làm vào cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90; hay theo chiều hướng chế độ độc tài quân phiệt Miến Điện đang muốn làm, và đã khởi sự làm trong thời gian gần đây (từ cuối năm 2011), đến nay đã có dấu hiệu và hiệu quả thực tiễn bước đầu kiểm chứng được, như mọi người theo dõi tình hình đã thấy.

Có thể nói, đây là cách chuyển đổi tối ưu phù hợp với thực trạng đất nước, có lợi nhất cho nhân dân và cho chính đảng cầm quyền CSVN. Có lợi cho đảng cầm quyền CSVN, vì chế độ độc tài toàn trị dù bị tiêu vong, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay (nếu không đổi tên) vẫn có cơ hội tồn tại cùng với các chính đảng khác sinh hoạt bình đẳng, hợp pháp để giành quyền lãnh đạo đất nước trong một chế độ dân chủ đa đảng.Và Cộng đảng Việt Nam vẫn có nhiều thuận lợi hơn các chính đảng khác (nhờ thế lực sẵn có sau nhiều năm nắm quyền độc tôn…) để có cơ hội nắm quyền trở lại trong khung cảnh chế độ dân chủ đa đảng này, nếu được đa số nhân dân tín nhiệm trong các cuộc tranh cử và bầu cử tự do. Đồng thời, sẽ tránh được những hậu quả tai hại, bi thảm cho nhân dân (đổ máu…), đất nước (tan hoang…) và cho chính các lãnh tụ hàng đầu đảng CSVN có trách nhiệm, như nhân dân, đất nước và các nhà độc tài các nước vùng Trung Đông và Bắc Phi đã và đang phải gánh chịu. Nếu chọn và làm theo cách này, đảng và nhà cầm quyền CSVN có thể chủ động thực hiện theo một tiến trình chuyển đổi hòa bình êm dịu như sau:

I/- CHUYỂN ĐỔI TRÊN BÌNH DIỆN PHÁP LÝ.

1.- Quốc hội đương nhiệm đang có nghị trình sửa đổi Hiến pháp hiện hành, thay vì sửa chữa theo hướng củng cố chế độ độc tài toàn tri, nhất nguyên, độc đảng hiện nay, sẽ sửa đổi theo hướng dân chủ pháp trị, đa nguyên, đa đảng.

Theo hướng này, chỉ cần sửa đổi những điều khoản căn bản liên quan đến danh hiệu chế độ chính trị và vai trò các chính đảng trong chế độ chính trị dân chủ pháp trị, đa nguyên, đa đảng.Còn lại các điều khoản khác vẫn duy trì, chỉ sửa đổi hay bãi bỏ các điều khoản không còn phù hợp hay trái với chế độ chính trị dân chủ đa nguyên, đa đảng. Mục đích duy trì nguyên trạng những qui định về cơ cấu tổ chức, nhân sự điều hành chính quyền dân sự cũng như quân sự các cấp, các ngành (lập pháp,hành pháp và tư pháp) hiện hành từ trung ương đến địa phương trên cả nước,là để tránh mọi sự xáo trộn bất lợi cho dân cho nước. Sau đó sẽ sửa đổi, điều chỉnh dần dần những bất toàn theo thời gian thích hợp để hoàn chỉnh từng bước chế độ chính trị dân chủ pháp trị, đa nguyên, đa đảng trên bình diện pháp lý. Tỷ dụ, Hiến pháp hiện hành (1992) qui định nơi:

CHƯƠNG I: Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Chế độ - chính trị

Có thể sửa đổi thành : Nước Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam (1)
Hoặc: Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (2)
(Nếu muốn lấy lại danh xưng HP. 1946)
Hay: Nước Cộng hòa dân bản chủ nghĩa Việt Nam(3)
( Nếu muốn nghe cho quen tai và có ý nghĩa lấy dân làm gốc)

Điều 1: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức.

Sửa đổi thành : Nhà nước Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam (hoặc chọn 2 hay 3)là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về toàn dân.

Điều 4: Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”

Có thể sửa đổi Điều 4 thành:

Điều 4: Mọi công dân Việt Nam, với tư cách cá nhân hay chính đảng, có quyền tham gia công việc lãnh đạo, quản lý đất nước và xã hội, thông qua các cuộc tranh cử và bầu cử tự do.

Mọi cá nhân công dân và các tổ chức chính đảng phải hoạt động chính trị trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

2.- Quốc hội cơ quan lập pháp đương nhiệm sau đó cần:

- Làm luật tu chính hoặc luật mới thay thế những luật lệ trái với Hiến pháp dân chủ đa nguyên, đa đảng mới được hình thành từ Hiến pháp hiện hành được sửa đổi.(Luật Đất Đai, Nhà đất, Luật Hình, Luật Hộ,luật Đầu Tư…)
- Làm “Luật chính đảng” để cho phép các chính đảng được thành lập và tham gia sinh hoạt chính trị hợp pháp trong chế độ dân chủ đa đảng đã được khai sinh từ Hiến pháp hiện hành được sửa đổi.
- Làm“Luật ứng cử và bầu cử” vào các chức vụ dân cử để thực thị Hiến pháp dân chủ, đa đảng, cho mọi cá nhân công dân và các tổ chức chính đảng có thể tham gia hợp pháp trong các cuộc tranh cử và bầu cử tự do vào các chức vụ dân cử các cấp, các ngành trên cả nước.
- Làm “Luật Hòa Giải Dân Tộc”, như nước Cộng hòa Nam Phi đã làm sau khi kết thúc thắng lợi vào đầu thập niên 90, cuộc chiến tranh lâu dài chống chế độ phân biệt chủng tộc giữa thiểu số người da trắng thống trị trên tuyệt đại đa số người da đen bị trị. (tương tự như chế độ độc tài đảng trị bao lâu nay tại Việt Nam, thiểu số các đảng viên Cộng đảng Việt Nam đã thống trị trên tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam trên nửa thế kỷ qua).

Luật này sẽ áp dụng nguyên tắc bất hồi tố của luật pháp nhằm miễn tố chung cho những hành động vi phạm luật pháp quốc nội hay quốc tế của cá nhân hay tập thể xẩy ra trước ngày ban hành “Luật Hòa Giải Dân Tộc” ở cả hai phía Việt cộng cũng như Việt quốc.

Luật này nhằm hóa giải hận thù quá khứ, ngăn ngừa mọi hành vi phục thù chính trị trong tương lai do những nguyên nhân từ quá khứ, dưới bất cứ hình thức nào, tạo sự hòa giải những mâu thuẫn trong lòng dân tộc, duy trì ổn định chính trị, xã hội để có điều kiện thuận lợi kiện toàn chế độ chính trị dân chủ pháp trị, đa nguyên, đa đảng mới hình thành; tạo tiền đề đoàn kết thống nhất được toàn lực quốc gia để xây dựng, củng cố, phát triển toàn diện đất nước đến phú cường, văn minh tiến bộ theo kịp đà tiến hóa chung của nhân loại, tạo thế và lực chống ngoại xâm hữu hiệu, bảo vệ Tổ quốc.

Công, tội của các cá nhân hay tập thể ở cả hai phía Quốc-Cộng nếu có trong quá khứ, thiết tưởng cần để cho lịch sử mai nầy xét định. Hiện tại chỉ nên coi đó là những bài học kinh nghiệm cần rút ra cho hiện tại và tương lai.

3.- Chính phủ, cơ quan hành pháp đương nhiệm chiếu nhiệm vụ qui định của Hiến pháp sửa đổi, bằng các văn bản lập qui dưới luật,để điều chỉnh theo các luật lệ đã được Quốc Hội sửa đổi một cách phù hợp với thời gian, không gian và tiến trình hoạt động bình thường của guồng máy công quyền quốc gia, để tránh mọi sự xáo trộn, bất ổn chính trị và xã hội, bất lợi cho đại cuộc.

Tỉ như “luật ứng cử và bầu cử” Quốc hội hay Hội đồng Nhân dân các cấp sẽ được áp dụng trong nhiệm kỳ sắp tới (Trừ khi đảng CSVN, Quốc hội và chính quyền đương nhiệm đồng thuận về một quyết định khác hơn, chẳng hạn giải tán các cơ quan dân cử cho ứng cử và bầu cử sớm hơn, do tình hình đòi hỏi mà không gây xáo trộn chính trị và xã hội).Nhưng các luật hủy bỏ hoặc thay thế những luật lệ trái với Hiến pháp dân chủ đa nguyên, đa đảng hay“Luật chính đảng”, “Luật hòa giải dân tộc” thì cần có hiệu lực tức thời sau khi ban hành tạo tiền đề chứng tỏ thực tâm và thiện chí của đảng và nhà cầm quyền đương thời muốn thực hiện sự chuyển đổi hòa bình và êm dịu từ “Chế độ độc tài toàn trị, độc đảng” qua “Chế độ dân chủ pháp trị, đa đảng”. Đồng thời giúp cho các cá nhân công dân cũng như chính đảng có thời gian củng cố, phát triển tổ chức và thực tập sinh hoạt, chuẩn bị kịp thời tham gia ứng cử với tư cách cá nhân hay do Chính đảng đưa người ứng cử vào các cơ quan dân cử của cả nước (Quốc hội, Chủ tịch nước hay Tổng thống, nếu Hiến pháp tu chính người đứng đầu hành pháp do dân trực tiếp bầu cử trong các cuộc phổ thông bầu phiếu, thay vì do Quốc hội bầu cử như Hiến pháp hiện hành…) và địa phương (như Hội đồng nhân dân các cấp…).

II/- CHUYỂN ĐỔI TRÊN BÌNH DIỆN THỰC TẾ

Mọi cơ cấu tổ chức và nhân sự điều hành chính quyền các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương trên cả nước vẫn duy trì nguyên trạng và hoạt động bình thường. Sự sửa đối Hiến pháp, sửa đổi luật lệ do Quốc hội đương nhiệm hay các văn bản lập qui dưới luật do Chính phủ đương nhiệm ban hành để điều chỉnh theo sự sửa đổi Hiến pháp và luật lệ của Quốc hội, cần được các cấp, các ngành thực thi nghiêm túc, đồng bộ trên cả nước.

Quốc hội và Chính phủ đương nhiệm cần thống nhất và chủ động chỉ đạo thực hiện những sửa đổi Hiến pháp, luật pháp và lập quy theo hướng chuyển đổi hòa bình, êm dịu từ “chế độ độc tài, độc đảng, toàn trị ” hiện nay qua “Chế độ dân chủ, đa đảng, pháp trị”. Đồng thời, Quốc hội và Chính phủ đương nhiệm cũng cần ấn định rõ lịch trình cải đổi về pháp lý, chính trị cũng như thực tế phải hoàn tất chậm nhất là trước ngày chấm dứt nhiệm kỳ Quốc hội đương nhiệm (2015) chẳng hạn.

Bởi vì, nếu giả định đảng và nhà cầm quyền hiện nay chấp nhận chủ động thực hiện cách thức, tiến trình chuyển đổi hòa bình êm dịu trên đây trở thành hiện thực, thì từ sau năm 2015, Việt Nam sẽ có Quốc hội mới, chính phủ mới hình thành từ và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp hiện hành sau khi được Quốc hội đương nhiệm sửa đổi theo hướng dân chủ pháp trị, đa nguyên,đa đảng.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Thiện Ý

    Thiện Ý nguyên luật sư tại Sài Gòn trước 1975, hiện là Chủ tịch Câu Lạc bộ Luật khoa Việt Nam ở Houston. Các bài viết của Thiện Ý là bài viết cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Đường dẫn liên quan

XS
SM
MD
LG