Các nhà lãnh đạo ASEAN, họp tại Malaysia, kêu gọi một giải pháp hoà bình cho vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Theo tường thuật của thông tín viên Ron Corben của đài VOA tại Bangkok, sự quan tâm của các nhà lãnh đạo ASEAN phản ánh những mối căng thẳng mỗi ngày một tăng trong lúc Trung Quốc tiến hành những hoạt động xây dựng qui mô lớn trên các hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak, Chủ tịch ASEAN, hôm nay kêu gọi các nhà lãnh đạo của hiệp hội này tìm kiếm một giải pháp hoà bình cho vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nơi có nhiều tài nguyên thiên nhiên.
Trong bài diễn văn khai mạc hội nghị thượng đỉnh ASEAN, ông Najib hô hào cho việc hoàn tất cuộc đàm phán bắt đầu từ năm 2002 về một bản sơ thảo của Bộ Qui Tắc Ứng Xử để qui định những hoạt động của các nước trong vùng biển này.
"Chúng ta cần phải xử lý một cách hòa bình những sự bất đồng về những nơi gần hơn với chúng ta, kể cả những yêu sách chồng chéo nhau về chủ quyền biển đảo, mà không làm cho căng thẳng gia tăng."
Những diễn tiến hồi gần đây đã làm gia tăng những mối quan tâm về Biển Đông, và vì tầm quan trọng của các tuyến hàng hải trên vùng biển này đối với thương mại quốc tế, cho nên hầu như bất kỳ một sự việc nào ở đây cũng đương nhiên thu hút sự chú ý của cả thế giới. ASEAN phải ứng phó với những diễn tiến này bằng một phương thức chủ động, tích cực và xây dựng.
Những mối căng thẳng ở Biển Đông đã gia tăng cường độ hồi gần đây sau khi những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy những hoạt động xây dựng qui mô lớn của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp. Nhiều người tin Bắc Kinh đang nới rộng các đảo này để xây căn cứ quân sự và sân bay.
Quần đảo trong vùng biển có nhiều dầu lửa và khí đốt này nằm cách Trung Quốc hơn 3.000 kilo mét, nhưng chỉ cách Philippines hơn 860 kilo mét và cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 800 kilo mét. Ngoài Trung Quốc, Philippines và Việt Nam, Brunei, Malaysia và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền từng phần hoặc toàn bộ đối với quần đảo này.
Năm 2012, Trung Quốc và ASEAN đã đạt được tiến bộ trong cuộc thương thuyết về một Bộ Qui Tắc Ứng Xử (COC) để bảo đảm cho các quyền lợi chính trị, kinh tế và lãnh thổ của các quốc gia trong khu vực.
Thủ tướng Najib cho biết trong tuần này ông sẽ hối thúc cho việc đạt thêm tiến bộ trong cuộc đàm phán về COC.
"Trong tư cách là nước giữ chức Chủ tịch, Malaysia hy vọng chúng ta sẽ đạt tiến bộ trong các nỗ lực hướng tới mục tiêu nhanh chóng hoàn tất một Bộ Qui Tắc Ứng Xử."
Hôm qua, Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario kêu gọi các nước ASEAN có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc và gây áp lực để Bắc Kinh “chấm dứt ngay những hoạt động lấp biển lấy đất với qui mô lớn”.
Ông Del Rosario cho rằng Trung Quốc “sắp sửa củng cố quyền kiểm soát trên thực tế đối với Biển Đông” với những ảnh hưởng mà ông gọi là hết sức to lớn và vượt khỏi phạm vi khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam cũng bác bỏ những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, và việc Trung Quốc đưa một giàn khoan khổng lồ vào vùng biển Việt Nam cho là thuộc chủ quyền của mình hồi năm ngoái đã làm bùng ra những vụ phản kháng bạo động chống Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà phân tích nêu lên sự chia rẽ sâu sắc bên trong ASEAN, một khu vực lệ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc về mặt kinh tế, và cho rằng khối này khó lòng có được một nỗ lực thống nhất để chống lại Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Bắc Kinh là nhà đầu tư lớn và là đối tác thương mại quan trọng của Lào, Campuchia và Myanmar, những nước không có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.
Mặt khác, Thái Lan trong thời gian gần đây đã tăng cường các mối quan hệ quân sự với Trung Quốc, nhất là kể từ khi quân đội Thái Lan lên nắm quyền hồi năm ngoái, giữa lúc có sự chỉ trích từ các nước Tây phương, đặc biệt là Hoa Kỳ.
Năm 2012, những sự chia rẽ sâu sắc bên trong ASEAN đối với vai trò của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm bùng ra những cuộc tranh luận gay gắt tại hội nghị ngoại trưởng ASEAN, dẫn tới chỗ hiệp hội này lần đầu tiên trong vòng hơn 40 năm không đưa ra được một thông cáo chung.