Đường dẫn truy cập

LHQ giao tiếp với giới trẻ để ngăn ngừa cực đoan hóa


Trẻ em Bosnia với cờ của Nhà nước Hồi giáo (ảnh chụp từ video của nhóm IS). Hầu hết những người trẻ sống tại các nước đang phát triển. Nhiều người nghèo túng, thất học và không có việc làm, khiến cho họ có nhiều nguy cơ bị tuyển mộ vào các nhóm dân quân và các tổ chức khủng bố, như nhóm Nhà nước Hồi Giáo.
Trẻ em Bosnia với cờ của Nhà nước Hồi giáo (ảnh chụp từ video của nhóm IS). Hầu hết những người trẻ sống tại các nước đang phát triển. Nhiều người nghèo túng, thất học và không có việc làm, khiến cho họ có nhiều nguy cơ bị tuyển mộ vào các nhóm dân quân và các tổ chức khủng bố, như nhóm Nhà nước Hồi Giáo.

Trong cuộc chiến toàn cầu chống những phần tử cực đoan bạo động, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã tìm cách cắt đứt nguồn tài chánh của những phần tử khủng bố, cho phép thực hiện những cuộc không kích và những hoạt động quân sự khác chống lại những phần tử này, và áp đặt các biện pháp chế tài. Ngày hôm qua, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc bắt đầu xem xét một đường hướng mới—tìm cách làm cho giới trẻ không bị những tổ chức đen tối và nguy hiểm tuyển mộ. Thông tín viên Đài VOA Margaret Becheer tường thuật từ trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York.

Số người trẻ trên thế giới đã lên tới mức cao nhất từ trước tới nay. Có 1,8 tỉ người trẻ ở tuổi từ 10 đến 24.

Hầu hết những người trẻ sống tại các nước đang phát triển. Nhiều người nghèo túng, thất học và không có việc làm, khiến cho họ có nhiều nguy cơ bị tuyển mộ vào các nhóm dân quân và các tổ chức khủng bố, như nhóm Nhà nước Hồi Giáo chẳng hạn.

Ông Ahmad Alhendawi, đặc sứ Liên hiệp quốc về giới trẻ nói:

“Tất cả chúng ta đều nhận thức được rằng giới trẻ dễ bị những tổ chức cực đoan tuyển mộ và chúng ta phải thay đổi phương hướng bằng cách giao tiếp với những người trẻ như là những đối tác trong cuộc chiến chống lại các phần tử cực đoan bạo động. Chúng ta cũng cần phải thay đổi cách thức trình bày sự việc, bởi vì gán cho giới trẻ nhãn hiệu tiêu cực, xem những người trẻ là một phần của vấn đề, cần phải chấm dứt.”

Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc được đồng thanh chấp thuận ngày hôm qua, trong đó các quốc gia được yêu cầu bảo vệ giới trẻ tốt hơn tại những vùng có xung đột và khuyến khích họ tham gia tiến trình hòa bình hậu chiến. Nghị quyết cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giải quyết những vấn đề đưa đến việc lớn mạnh của chủ nghĩa cực đoan bạo động.

Văn bản nghị quyết này do phái đoàn Jordan soạn thảo.

Bà Dina Kawar, Đại sứ Jordan tại Liên hiệp quốc nói:

“Cần phải gia tăng mức độ làm việc để bảo đảm cho công cuộc phát triển bền vững ngõ hầu giới trẻ không chỉ là một công cụ của hủy diệt, mà là những người góp phần trong việc xây dựng.”

Điều này có nghĩa là dành cho những người trẻ, đặc biệt là những người trẻ trong vùng có chiến tranh, những sự lựa chọn, như được giáo dục, huấn nghệ và có những cơ hội để tìm việc làm.

Nỗ lực này cũng liên hệ đến những hoạt động trên các mạng truyền thông xã hội.

Đặc sứ Liên hiệp quốc Ahmad Alhendawi nói:

“Chúng ta biết là có gần 50.000 tài khoản Twitter có liên hệ đến Nhà nước Hồi Giáo - mỗi ngày có gần 90.000 tin nhắn do các người ủng hộ Nhà nước Hồi Giáo gởi đi. Chúng ta phải thắng trận chiến trên mạng và ngoài mạng bằng cách giao tiếp với giới trẻ.”

Với nghị quyết này, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc công nhận giới trẻ hiện nay sẽ định hình thế giới tương lai, và nếu thế giới đó là một thế giới hòa bình và thịnh vượng thì giới trẻ phải đóng góp một tay để tạo nên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG