Nhân dịp Ngày Nhân đạo Thế giới, các cơ quan quốc tế đã cử hành những buổi lễ để tưởng nhớ và vinh danh hàng ngàn nhân viên cứu trợ bị thiệt mạng hoặc bị thương trong lúc thi hành nhiệm vụ. Thông tín viên Lisa Schlein của đài VOA tường thuật từ trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneve.
Tháng 12 năm 2008 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ấn định ngày 19 tháng 8 là Ngày Nhân đạo Thế giới để nhớ tới vụ tấn công khủng bố nhắm vào trụ sở của Liên Hiệp Quốc tại thủ đô Baghdad của Iraq năm 2003. 22 nhân viên Liên Hiệp Quốc bị giết hại, trong đó có người đứng đầu phái bộ là ông Sergio Vierra de Mello.
Phát ngôn viên chính của Liên Hiệp Quốc ở Geneve, ông Ahmad Fawzi, khi đó là tuỳ viên báo chí của ông de Mello. Ông Fawzi nói rằng ngày đó hằn sâu trong ký ức của ông.
"Đó là lúc khởi đầu của một sự tuột dốc mạnh của việc bảo vệ của Liên Hiệp Quốc và công tác nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, là lúc chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi đã trở thành một mục tiêu của những hành vi khủng bố."
Sau đó, những vụ tấn công nhắm vào những người tham gia công tác nhân đạo, có nhiệm vụ ứng phó với những tình huống khẩn cấp, đã gia tăng và trở thành một chuyện xảy ra một cách thường xuyên. Tổ chức Y tế Thế giới đang phát động một chiến dịch để thu hút sự chú ý đối với việc nhân viên y tế và các cơ sở y tế tiếp tục bị tấn công.
Các số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy chỉ riêng trong năm 2014 đã có 603 nhân viên y tế bị thiệt mạng và 958 người khác bị thương trong những vụ tấn công trực tiếp tại 32 nước. Ông Rudi Coninx, một điều hợp viên của Tổ chức Y tế Thế giới, nói rằng nhân viên y tế và cơ sở y tế tại những khu vực có xung đột thường xuyên bị tấn công.
"Thí dụ như ở Yemen mới đây, 30 bệnh viện bị tấn công, 14 nhân viên y tế bị thương – 5 người trong số đó đã chết. Nhưng chuyện này không chỉ xảy ra ở Yemen - ở Syria, ở Iraq, ở Cộng hoà Trung Phi, ở Ukraine, ở Nam Sudan ngày nay các bệnh viện bị tấn công và nhân viên y tế phải đối mặt với những mối rủi ro cho tính mạng để làm những gì mà nhân viên y tế làm là cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ sức khoẻ của người dân. Những vụ tấn công này phải chấm dứt."
Tuy nhiên, không phải chỉ ở các khu vực có xung đột thì nhân viên y tế mới gặp phải những mối nguy hiểm cho tính mạng. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết tại Tây Phi, hơn phân nửa những nhân viên y tế nhiễm Ebola đã thiệt mạng. Nhân viên y tế nằm trong số những người bị giết hại bởi những dân làng ở Guinea trong lúc tìm cách nâng cao nhận thức của người dân về chứng bệnh gây chết người này.
Số ca bệnh sốt bại liệt trên toàn thế giới đã giảm 99%. Nhưng thành quả này đã có được với một cái giá rất đắt. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết hơn 100 nhân viên y tế đã bị tấn công trong lúc ra sức diệt trừ bệnh sốt bại liệt. 23 người đã bị giết chết ở Pakistan trong lúc tham gia chiến dịch tiêm chủng cho những em bé có nguy cơ nhiễm phải chứng bệnh nguy hiểm này.