Nền kinh tế Nga vốn đang khó khăn chật vật ngay cả trước khi bị tác động mạnh vì các biện pháp trừng phạt của phương Tây sau việc Nga sát nhập bán đảo Crimea của Ukraine. Bất chấp kinh tế trong chiều hướng đi xuống, tiếng tăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin lại vươn cao hơn bao giờ hết trên làn sóng nhiệt tình dân tộc. Tuy nhiên các nhà phân tích nói rằng các con số đang trên đà tuột dốc.
Giá trị chỉ tệ Nga, đồng rúp, xuống đến mức kỷ lục trong lịch sử nước này khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây cùng với tình trạng dầu rớt giá gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, mức ủng hộ ông Tổng thống Putin lên đến trên 80% kể từ khi Nga sát nhập bán đảo Crimea của Ukraine.
Ông Lev Gudkov, giám đốc Trung tâm Levada, một tổ chức độc lập thăm dò dư luận, nói con số này tăng cao thật đúng lúc. Ông nói:
“Tiếng tăm của Putin giảm liên tục từ tháng 8 tháng 9 năm 2008 là lúc lên đến cao điểm trong thời gian chiến tranh giữa Nga và Gruzia, và đã không ngưng sút giảm cho đến tháng 1 năm nay, lúc mà sự ủng hộ và danh tiếng xuống đến mức thấp nhất."
Ông Gudkov nói ông Putin đang lướt trên ngọn sóng hưng phấn đầy tính dân túy cùng với một sự ủng hộ ngụy tạo của quần chúng:
“Từ sự kiện đó, tính tranh đua bị bóp nghẹt, phương tiện truyền thông đại chúng bị kiểm duyệt gắt gao, viện Duma, quốc hội Nga, được đánh giá rất tiêu cực, như một cơ quan hoàn toàn lệ thuộc vào Putin và chính phủ của ông và không được xem như một viện lập pháp mà là một hội đồng của các nhân vật ngành vận động hành lang, đại diện cho những quyền lợi của các nhóm thế lực. Vì vậy, bằng cách nhào nặn ý kiến quần chúng, họ ngụy tạo sự ủng hộ đại chúng.”
Theo những người ủng hộ ông Putin thì qua việc đứng lên phản kháng phương Tây, ông đã khôi phục vị thế của Nga trên trường quốc tế.
Tổng thống Nga nói những người tự cho là chiến thắng Chiến Tranh Lạnh đã phớt lờ nước Nga trong lúc tái định hình thế giới cho phù hợp nhu cầu và lợi ích của riêng họ. Ông nói:
“Tất nhiên các biện pháp trừng phạt là một trở ngại. Họ đang tìm cách gây thiệt hại cho chúng ta qua các biện pháp trừng phạt này, ngăn chặn sự phát triển và đẩy chúng ta vào thế cô lập văn hóa, kinh tế, chính trị, nói một cách khác thúc ép chúng ta vào tình trạng chậm tiến.”
Phân tích gia Mikhail Krutikhin của cơ quan tư vấn RusEnergy nói rằng các biện pháp trừng phạt khiến 1/3 các công ty dầu khí khách hàng của RusEnergy từ bỏ hy vọng có các hợp đồng ở Nga. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng nói về vấn đề bài phương tây được kết nối với giá dầu, một sản phẩm xuất khẩu quan trọng nhất của Nga, chiếm đến một nửa ngân sách của chính phủ. Ông nói:
“Tôi nghĩ giá dầu càng cao, thành phần ủng hộ Putin lại càng om sòm. Khoa trương dân túy lại càng lớn hơn nhiều. Và ngay khi giá dầu hạ, tôi nghĩ tiếng tăm của Putin và cái kiểu hùng biện đó cũng giảm theo.”
Phản ứng của Putin đối với các biện pháp trừng phạt là cấm nhập khẩu lương thực thực phẩm từ phương Tây, đẩy chi phí tiêu dùng tăng lên.
Các nhà phân tích nói rằng đã có những dấu hiệu cho thấy tinh thần hồ hởi dân tộc và tuyên truyền của điện Kremli đang bắt đầu tàn dần, khi mà các vấn đề kinh tế khiến dân chúng đánh giá về tình hình và viễn cảnh một cách thực tế hơn.