Mạng lưới kinh tế và thương mại “Con đường Tơ lụa” của Trung Quốc được Chủ tịch nước Tập Cận Bình khởi động vào năm 2013 được xem là một chính sách có thể làm thay đổi cục diện kinh tế khu vực.
Chính sách Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa và Con đường Tơ lụa Hàng hải Thế kỷ 21, còn gọi là sáng kiến “Vành đai và Con đường,” hướng đến mục tiêu tăng cường quan hệ thương mại của Trung Quốc với Châu Á cho tới Châu Âu và Châu Phi.
Bà Shamshad Akhtar, Thư ký Ủy ban Kinh tế và Xã hội Khu vực Châu Á và Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc, nói: “Một phương án tích hợp và có tính bền vững cho sự phát triển như vậy sẽ thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế và thương mại đang chững lại mà chúng ta đang gặp phải hiện nay bằng việc đẩy mạnh đa dạng hóa và năng suất trong khi đồng thời tạo ra công việc làm mới.”
Trong cuộc họp của Ủy ban này ở Bangkok hồi đầu tuần, bà Akhtar nói rằng những kế hoạch này sẽ “tiến xa hướng tới việc chuyển hóa những sinh kế khắp khu vực.”
Bà nói tiếp: “Sáng kiến này sẽ kết nối một cụm kinh tế Châu Á năng động và đầy sức sống với cụm kinh tế bên kia ở Châu Âu,” mở rộng những ích lợi kinh tế tới những vùng mà hiện chưa được phục vụ trọn vẹn bằng sự tiến bộ kinh tế.
Sau khi gặp phải những ngờ vực ban đầu, Trung Quốc đang đẩy mạnh kế hoạch để bao gồm nhiều nước hơn.
Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tiền Hồng Sơn cho biết có hơn 70 nước và tổ chức quốc tế đang mong muốn tham gia. Hơn 30 nước đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc, cùng với Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) mà Bắc Kinh đưa vào hoạt động hồi tháng 1 năm nay.
Ông Tiền cho biết: "Quỹ Con đường Tơ lụa đang rót kinh phí vào những dự án cụ thể với tốc độ nhanh hơn. Ngày càng nhiều thành quả sớm đã đạt được trong kết nối cơ sở hạ tầng, kinh tế và thương mại, đầu tư công nghiệp, những dịch vụ tài chính, bảo vệ môi trường, và giao lưu văn hóa từ người dân tới người dân."
Một hành lang kinh tế Con đường Tơ lụa ban đầu nối Trung Quốc với Nga và Mông Cổ đang được mở rộng thành sáu hành lang hoặc đang trong giai đoạn hoạch định.
Thẩm Binh, một nhà nghiên cứu của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia của Trung Quốc, cho biết bên cạnh những mối quan hệ với vùng Âu Á, những hành lang khác bao gồm một "cầu nối đất liền" Châu Á với những liên kết thông qua vùng Trung Á, cũng như vào vùng Đông Dương, hợp tác với Thái Lan và Campuchia.
Những kết nối kinh tế khác là giữa Trung Quốc và Pakistan, và một hành lang kinh tế nối Trung Quốc với Bangladesh, Ấn Ðộ và Myanmar.
Ông Thẩm nói: "Trong tương lai chúng tôi cũng hợp tác với những nước có liên quan để thúc đẩy những công trình trong lĩnh vực giao thông vận tải, năng lượng và cũng trong lĩnh vực phát triển xã hội, như giáo dục, chăm sóc y tế, khoa học công nghệ và giao lưu từ người dân tới người dân."
Theo những nhà kinh tế của Liên Hiệp Quốc, những hành lang kinh tế và thương mại này bao trùm khu vực có 4,4 tỉ người, 55 phần trăm sản lượng kinh tế toàn cầu và 75 phần trăm nguồn dự trữ năng lượng của thế giới được biết tới tính đến nay.
Kế hoạch bao gồm những mạng lưới "đa phương thức" kết nối những tuyến đường bộ và đường sắt, với những hải cảng, mở rộng những mạng lưới vận tải nhiên liệu thông qua những đường ống dẫn khí đốt, những lưới điện khu vực và mở rộng những liên kết sợi quang ITC từ Trung Quốc xuyên qua Trung Á và cuối cùng tới Châu Âu.
Vương Yên Ninh, một cố vấn cao cấp của AIIB được Trung Quốc hậu thuẫn, cho biết cơ sở hạ tầng tài chính của Châu Á là một thách thức lớn, ước tính hàng ngàn tỉ đôla.
Ông Vương nói: "Cho dù là khu vực công hay tư thì có một niềm tin chung rằng khu vực này có rất nhiều tiềm năng phát triển và có những khoảng trống rất lớn về tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng cần được đáp ứng bằng những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế."
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ước tính cần hơn 1 ngàn tỉ đôla một năm đến trước năm 2020 để tạo nền tảng cho tăng trưởng của Châu Á.
Những nhà kinh tế cảnh báo rằng nếu không lấp đầy những khoảng trống nhu cầu cấp thiết về cơ sở hạ tầng quan trọng trong giao thông vận tải, năng lượng, viễn thông và quản lý tài nguyên, thì tăng trưởng của Châu Á có thể chững lại.
AIIB đang nhắm khoảng 1 tỉ đôla chi tiêu ban đầu trong khi họ phát triển năng lực nội tại với những kế hoạch trung hạn để đầu tư 10-15 tỉ đôla một năm. Ngân hàng cũng đang đàm phán với những đơn vị cho vay quốc tế lớn khác.
Nhưng những nhà phân tích nói rằng kế hoạch phát triển Vành đai và Con đường của Trung Quốc đang đối mặt với một vài thách thức để bảo đảm những thành quả kinh tế được duy trì. Nhà kinh tế Susan Stone của Liên Hiệp Quốc nói rằng những chính phủ trong khu vực cũng sẽ cần phải thi hành những chính sách hỗ trợ thương mại và phát triển.
Bà Stone nói: "Tôi không thể nhấn mạnh đủ tầm quan trọng của không gian chính sách để tạo nền tảng cho những thành tựu. Chúng ta nghe rất nhiều về cơ sở hạ tầng vật chất và những kết nối vật chất mà kế hoạch này sẽ cung cấp."
"Điều thực sự quan trọng làm tạo ra một mội trường chính sách và quản lý tương xứng, để những kết nối vật chất tuyệt vời này có thể hiện thực hóa tiềm năng và những khía cạnh phát triển trong khu vực."
Những nhà ngoại giao cũng chỉ ra những lo ngại về an ninh khắp khu vực, cũng như những khu vực hàng hải chủ chốt và những sự bất định gây nên bởi những mối đe dọa từ những kẻ chủ chiến và những nhóm khác.
Đại sứ Nga tại Thái Lan Kirill Barsky nói không có an ninh thì sẽ khó đạt được sự phát triển kinh tế và bền vững.
Ông Barsky nói: "Chúng ta cần phải nỗ lực thật nhiều và đặt sự ổn định và an ninh lên đầu. Đồng thời nếu chúng ta không chú trọng đặc biệt vào hợp tác kinh tế thì sẽ rất khó để củng cố sự hỗ trợ những nỗ lực trong lĩnh vực an ninh."