Đường dẫn truy cập

HRW lên án Hà Nội dùng các đạo luật vô lý để bỏ tù giới chỉ trích


Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch kêu gọi Việt Nam hãy thôi sử dụng những luật lệ phi lý để bỏ tù giới chỉ trích, sau khi một số bloggers hàng đầu bị bắt giữ và cáo buộc là “lạm dụng quyền tự do dân chủ.”

Vào ngày Quốc tế Nhân quyền 10 tháng 12, Human Rights Watch đăng trên trang mạng của tổ chức này một thông điệp gửi đến Hà nội, nói rằng “những mưu toan nhằm bịt miệng các blogger đã khiến cho những cam kết của Việt Nam khi vận động một ghế trong Uỷ ban nhân quyền Liên Hiệp Quốc trở thành những lời giễu cợt.”

Human Rights Watch kêu gọi Việt Nam hãy tức khắc trả tự do cho các blogger Nguyễn Quang Lập và Hồng Lê Thọ, những người đã bị bắt giữ chỉ vì họ điều hành các trang blog độc lập.

Hai bloggers bị bắt dựa trên điều 258 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam, cho rằng họ đã “lạm dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.”

Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế này đã dùng những lời lẽ gay gắt hiếm thấy khi cho rằng chính quyền Việt Nam chẳng khác nào một kẻ hiếp đáp kẻ yếu dưới con mắt của người dân trong nước cũng như của quốc tế, khi đàn áp những người không làm điều gì khác hơn là bày tỏ quan điểm của mình.

Ông Adams Giám đốc đặc trách Châu Á của Human Rights Watch, nói những lời cáo buộc còn phi lý hơn nữa, khi chúng xuất phát từ một nhà nước không dân chủ, và không tôn trọng các quyền tự do cá nhân.

Giám đốc Vận động/Ban Á Châu thuộc Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, ông John Sifton sáng 11 tháng 12 trả lời câu hỏi của Ban Việt ngữ - VOA, vì sao thông cáo báo chí của tổ chức này dùng những lời lẽ gay gắt đến như vậy. Ông trả lời:

“Human Rights Watch đã mất kiên nhẫn với chính quyền Việt Nam. Suốt nhiều năm rồi, Việt Nam đã nói rằng họ sẽ thực hiện cải cách, họ hứa với nhiều nước, như Hoa Kỳ, EU, Canada, Úc vv.. và các nước bạn trong khu vực, rằng họ sẽ cải cách luật pháp và cải thiện tình trạng nhân quyền. Việt Nam đã không giữ những lời hứa đó.”

Luật sư Sifton nói nếu Việt Nam thực lòng muốn thực hiện những cam kết của mình, thì họ đã tuyên bố ngưng áp dụng các đạo luật mơ hồ như điều 258, 88 và 79 của Bộ Luật Hình sự, vẫn được dùng để đàn áp giới bất đồng chính kiến ôn hoà. Thay vào đó, Việt Nam nên sử dụng luật pháp đúng chỗ để trừng phạt những kẻ phạm tội, có hành vi nguy hiểm cho xã hội và cộng đồng, hay gian lận, lừa gạt, gây nguy hại tới tính mạng các công dân khác.

Luật sư Sifton nói đã tới lúc Việt Nam bước vào thế kỷ 21:

“Đã tới lúc Việt Nam nên huỷ bỏ những điều khoản luật pháp hình sự hoá việc bày tỏ chính kiến. Điều 258 của Bộ Luật Hình sự là một ví dụ, điều 88 và điều 79 là những điều khoản khác nữa, đó là những luật không phù hợp với những nghĩa vụ của Việt Nam chiều theo luật quốc tế. Bây giờ là thế kỷ 21, thế giới không còn vận hành theo lối đó nữa, và Việt Nam nên bước vào thế kỷ 21.”

Trước đó, Giám đốc đặc trách Châu Á của Human Rights Watch, Brad Adams nói “Khó có một điều khoản luật pháp nào có tính chất lố bịch, cho bằng điều khoản hình sự hoá hành vi gọi là- lạm dụng quyền tự do dân chủ để xâm hại lợi ích của nhà nước.”

Nội trong năm nay, Hà nội đã dùng điều 258 để kết án ít nhất 10 nhà đấu tranh cho các quyền căn bản, bắt giữ 4 người.

Ngoài ông Nguyễn Quang Lập, chủ Blog Quê Choa và ông Hồng Lê Thọ, chủ blog Người Lót Gạch, các nạn nhân khác của diều luật 258 còn có Anh Ba Sàm – tức ông Nguyễn Hữu Vinh, và cô Nguyễn thị Minh Thuý, người đã giúp điều hành trang blog Anh Ba Sàm. Cả hai bị bắt vào tháng năm 2014.

VOA Express

XS
SM
MD
LG