Các biện pháp ủng hộ Ukraina, cô lập Nga của Tổng thống Obama
Các biện pháp ủng hộ Ukraina, cô lập Nga của Tổng thống Obama- Áp đặt các biện pháp chế tài đối với những người chịu trách nhiệm về việc phá hoại chính phủ và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina.
- Mở rộng quy mô các biện pháp chế tài để bao gồm các giới chức Nga.
- Tiếp tục tham khảo ý kiến với các đối tác Châu Âu, những nước áp đặt các biện pháp chế tài của chính họ.
- Cảnh báo Nga rằng những hành vi khiêu khích liên tục tại Crimea sẽ đưa đến sự cô lập thêm nữa.
- Gởi Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Châu Âu để gặp các đồng minh.
- Tổng thống Obama du hành Châu Âu để đàm phán vào tuần tới.
Trên khắp thế giới, có nhiều nơi mà đa số dân chúng ủng hộ việc ly khai. Nhưng phần lớn không hội đủ tiêu chuẩn pháp lý quốc tế để làm như thế, theo ông John Bellinger, người đã phục vụ trong tư cách luật sư cấp cao của Bộ Ngoại giao dưới thời cựu Tổng thống Bush.
Ông Bellinger nói: “Trong khi luật pháp quốc tế nói chung nói đến quyền tự quyết, thì nói chung luật pháp quốc tế ủng hộ nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, và chỉ thừa nhận quyền của một dân tộc hay một nhóm người được ly khai khỏi một quốc gia lớn hơn trong các tình huống rất hạn chế. Cụ thể, nếu chính phủ của quốc gia lớn hơn đã dứt khoát từ chối các quyền hạn bên trong quốc gia của nhóm người hay dân tộc đó hoặc có hành động vi phạm thô bạo đến quyền của họ.”
Ông Bellinger nêu ra rằng cho dù người dân Crimea thân Nga có những lo ngại ra sao về việc đối xử với họ dưới chính quyền mới của Ukraina, thì những vụ vi phạm thô bạo còn phải được ghi nhận. Nói cách khác, mưu toan ly khai của Crimea là hoàn toàn quá sớm.
Moscow nêu ra rằng Crimea đã có thời là một phần của Nga, và rằng cảm nghĩ của dân chúng ở Crimea dứt khoát là thân Nga. Ông Bellinger nói không có điểm nào biện minh một cách hợp pháp cho việc ly khai.
Ông giải thích: “Các sự kiện lịch sự hay thậm chí ý muốn của quần chúng bên trong Crimea, như một vấn đề luật pháp quốc tế, không quan trọng. Nếu không thì hệ thống quốc tế sẽ rạn nứt và sụp đổ.”
Ông Bellinger nói việc Crimea ly khai có thể khuyến khích các nhóm hay tổ chức từ Tây Ban Nha cho đến đảo Chypre cho chí Ðông Á và xa hơn nữa.
Nga so sánh việc Crimea đòi ly khai với Kosovo, là tỉnh đã công bố độc lập tách khỏi Serbia năm 2008. Ông Bellinger nói hai trường hợp rất khác nhau:
“Kosovo là một tình hình có một không hai, một phần của cuộc ly khai toàn bộ ra khỏi nước Nam Tư cũ. Kosovo được đặt dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc theo một nghị quyết của Hội đồng Bảo an trong thời gian trên 1 thập niên. Dân chúng Kosovo đã chịu đựng những vụ vi phạm nhân quyền thô bạo của người Serbia. Và sau một thời gian dài để sửa chữa tình hình, một đặc sứ của Liên Hiệp Quốc đã chính thức đề nghị độc lập cho Kosovo. Không có một tình huống nào như thế hiện diện ở Crimea.”
Ông Bellinger nêu ra rằng việc thực thi luật quốc tế có thể khó khăn, viện dẫn việc Nga phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an công bố cuộc trưng cầu dân ý của Crimea là vô hiệu lực. Ông nêu ra nghị quyết của Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc lên án cuộc trưng cầu dân ý sẽ không mang tính cưỡng hành, cũng như bất kỳ phát hiện nào của Toà án Công lý Quốc tế.