Đường dẫn truy cập

Hoàng Ngọc Tuấn 'Tôi không phải là tác giả viết về tuổi thơ'


Ai mà chẳng có trong đời một mối tình. Dù lớn hay nhỏ, dù thành hay không, thì cũng là những giây phút trong đời chẳng thể nào quên. Nhất là với những người, lẫn lộn giữa thực và mộng, chập chờn giữa lãng mạn và thực tế, thì chữ tình yêu lại có vị trí của khói sương, và chữ hình như để biểu tỏ một sự thể gần cận mà mơ hồ. Hoàng Ngọc Tuấn, người dùng ngôn ngữ thi ca để dệt nên tình yêu, dùng mơ mộng để cấu tạo nên thực tại, tác giả phác họa những mối tình ngây thơ, của những chàng tuổi trẻ như chú gà trống ưỡn cổ gáy vang đi vào đời. Những tác phẩm như Hình như là tình yêu, Ở một nơi ai cũng quen nhau, Thơ Về Đường Sơn Cúc,… một thời là những quyển sách mà tuổi trẻ Sàigòn mến chuộng. Dù trong không khí chiến tranh, nhưng những ý tưởng ngây thơ, những tâm tình như sợi cỏ long lanh buổi sáng đã làm tuổi trẻ tươi đẹp hơn, những bản nhạc nồng thắm hơn và những vần thơ cũng rộn rã hơn.

Được biết ở trong nước, để tưởng niệm ngày giỗ của ông, nhà xuất bản Phương Nam ấn hành tuyển tập truyện ngắn Hình như là tình yêu. Ngày ra mắt sách cũng là một dịp để bạn bè và người ái mộ nhà văn tưởng niệm tụ họp coi như làm lễ giỗ khá long trọng. Ở hải ngoại thì cũng đã tái bản một tập truyện khác của ông: Ở một nơi ai cũng quen nhau.”

Trước năm 1975, Hoàng Ngọc Tuấn nổi tiếng là nhà văn viết cho tuổi học trò ngây thơ hồn nhiên. Sau năm 1975, mặc dù ông vẫn còn sinh nhai bằng nghề viết nhưng không có tác phẩm nào tiếp theo được chú ý. Có người ví von, văn nghiệp của ông đã chết từ sau 1975. Viết về thể thao hay sưu tập những truyện cười, chắc không phải là công việc làm của một nhà văn đã có nhiều tác phẩm được hâm mộ. Với những bút hiệu gần như là vô danh: Huấn Toàn, Nhị Ngọc, Mây Biếc, Tú Ân, Ngọc Nhị, những bài đăng báo hoàn toàn chỉ là để mưu sinh và không có một chút âm vang nào.

Trong một bài viết tưởng niệm Hoàng Ngọc Tuấn, nhà văn Nguyễn Đạt cho tôi hình dung ra một cuộc sống đơn độc và buồn của một người cầm bút mà tôi nghĩ lúc còn trẻ ngây thơ yêu đời lắm. Thú thực tôi không thân quen cũng như hiểu biết gì về anh nhiều, nên qua những điều mà anh viết tôi phỏng đoán vậy. Còn, đời sống mọi người sau 1975 thì cả nước đi xuống chứ chẳng riêng một mình ai. Ở Việt Nam, rất nhiều người cùng một lứa bên trời lận đận như thế lắm. Nhất là người cầm bút, sống trong một chế độ mà nhà văn gốc tích từ văn học miền Nam nếu được hoạt động cũng chỉ đóng vai cây kiểng và góp mặt khiêm nhường. Rồi tôi nghe anh bị bệnh nan y và hoàn cảnh rất đơn độc khó khăn.

Năm 1972, trong cuộc phỏng vấn “Đi tìm các tác giả được ưa thích hiện nay” của tuần báo Khởi Hành, Hoàng Ngọc Tuấn là một tác giả được ghi tên nhiều lần đều đặn sau mỗi lần lấy ý kiến độc giả qua từng số báo. Sở dĩ có hiện tượng ấy bởi vì trong truyện Hoàng Ngọc Tuấn có nét lãng mạn của tình yêu thuở mới lớn và nhân vật của ông sinh động tự nhiên chứ không có những sinh hoạt giả cách thời thượng nhưng rỗng không mà các nhà văn tập tành hiện sinh tạo ra. Sự kiện Hoàng Ngọc Tuấn có nhiều fans ái mộ cũng là điều dễ hiểu.

Nhà văn Võ Phiến đã nhận xét về tác phẩm Hoàng Ngọc Tuấn:

Những nhân vật ấy và nghệ phẩm ấy như đều nhìn chúng ta, nhoẻn cười một cái cười tinh quái và thông minh. Và như vậy là bởi vì kẻ tác thành nên chúng, Anh Hoàng Ngọc Tuấn, là một người vui vẻ. Anh vừa ngông, lại vừa nghịch, vừa thơ, lại vừa trẻ, cho nên anh quyến rũ vô tả.”
”
Thế mà, theo như Nguyễn Đạt, những ngày cuối của tác giả Hình như là tình yêu sao vắng nụ cười đến thế. Ở lại Sài Gòn, chịu qua bao nhiêu sự thay đổi, mỗi ngày thêm mệt mỏi, nặng nề vác trên vai những khó khăn chồng chất của một thời thế hỗn loạn. Và rốt cuộc cũng chỉ là cuộc trở về mà ai cũng phải có một lần trong đời.

Tuần báo Tuổi Ngọc của nhà văn Duyên Anh trước 1975 đã có bài phỏng vấn nhan đề “Hoàng Ngọc Tuấn và Một Buổi Chiều”. Tác giả thổ lộ: “Văn chương không phải là một nghề nghiệp hiểu theo nghĩa thông thường. Văn chọn tôi chứ tôi không chọn được, khi ta làm một cái nghề gì đó, nghề nghiệp ấy đòi hỏi một thời khóa biểu, một giờ giấc, một số lương bổng nhất định, một số giờ nghỉ ngơi cuối tuần như thứ Bảy Chủ nhật chẳng hạn. Tôi viết văn thì không như thế. Ngày nào cũng rong chơi như một ngày Chủ nhật và ngày nào cũng bận rộn làm việc như một ngày thứ Hai. Đêm là ngày, ngày cũng là đêm. Đời của một kẻ sáng tác không có mùa hè hoàn toàn rảnh rang mà là suốt năm tràn đầy mùa xuân thôi thúc hứng khởi. Nhưng nếu nói một cách đơn giản hơn thì tôi theo đuổi chuyện văn chương vì đó là một sinh hoạt có ý nghĩa nhất trong đời sống theo ý kiến riêng của tôi. Sau nữa tôi không biết làm việc khác được ngoài sự viết…””

Nói về truyện ngắn đầu tay Buổi Chiều Hạ Lan: “Khoảng 67 hay 68 gì đó. Sau hai năm học ở đại học và bắt đầu thấy rằng những chữ mình viết ra coi có có vẻ thích thú hơn là những chữ trong cours. Lúc đó tôi chẳng có công việc gì làm cả. Buổi sáng đang đói và thèm cà phê mà không có tiền và chẳng đi đâu được. Tôi ngồi lại một mình trong căn phòng của hội đoàn CPS (khu Khám Lớn Cũ)… Hiện tại thì trống rỗng, nhạt nhẽo, kỷ niệm thì ngọt ngào hào hứng… Thế là tôi bắt đầu viết. Và tôi đã viết chỉ trong một buổi sáng để xong Buổi Chiều Hạ Lan. Hỏi thời gian bao lâu để nghĩ về thì câu trả lời là: “ Đêm hôm trước. Đêm tối, ánh sáng, cô đơn, và, viết, thế là có Buổi Chiều Hạ Lan.” “

Nghĩ về những người phê bình văn học: “Họ thường kết luận là chờ đợi và tin tưởng ở những tác phẩm mới hơn của tôi. Tôi mong họ giữ mãi niềm tin đó vì đó cũng là niềm tin mạnh mẽ của tôi. Bây giờ chỉ còn việc biến niềm tin thành hành động.” ”
”
Được biết anh thích đọc Saroyan, mến Salinger, phục Dostoievsky, nhưng chẳng mê ai cả, và khi bị hỏi có bị ảnh hưởng nào không thì tác giả Cô Bé Treo Mùng trả lời: “Tôi không biết. Người đọc sẽ dễ thấy hơn tôi. Nhưng tôi sẽ rất sung sướng nếu được ảnh hưởng ít nhiều của tinh hoa nhân loại. Sáng tác thì dĩ nhiên trong cô độc nhưng con người sáng tác nào cũng phải sống với cuộc đời nhận lấy những dấu vết của cuộc đời và thụ hưởng gia tài nghệ thuật chung của con người.””

Mấy chục năm sau, có một người ái mộ Hoàng Ngọc Tuấn, tác giả Songcon viết bài tưởng niệm và gián tiếp trả lời khi cho rằng trong truyện ngắn đầu tay Buổi Chiều Hạ Lan Hoàng Ngọc Tuấn chịu ảnh hưởng rất nặng của J.D. Sallinger của The Catcher in the Rye. Nhân vật Holden Caufield có phảng phất bóng dáng trong truyện Hoàng Ngọc Tuấn.

Trong tuần báo Mây Hồng số ra mắt năm 1972 ở Sài Gòn thời trước, Hoàng Ngọc Tuấn đã trả lời những câu hỏi phỏng vấn một cách thực thà. Như: Là một tác giả thường viết về tuổi thơ xin anh cho biết vì nguyên do nào mà anh đã chọn đề tài này? Anh viết: “Trước hết tôi thấy tôi không phải là một tác giả viết về tuổi thơ. Có lẽ độc giả thấy những nhân vật trong truyện tôi có một vài người nhỏ tuổi nên tưởng thế. Ngay cả một cuốn sách mới đây của tôi Thư về đường Sơn Cúc tuy bé tí xíu như hạt tiêu nhưng cũng không phải là một chuyện về tuổi thơ. Khi sáng tác tôi ít phân biệt về tuổi thơ hay tuổi già. Một thời nào tôi đã sống qua tôi thường viết về nó. Do đó dĩ nhiên là có một vài truyện tuổi thơ của tôi. Một đề tài nằm mãi trong tôi, tự dưng có ngày phải nhảy ra đời để thành một chuyện. Tôi không chọn lựa đề tài.”
”
Nếu đọc lại Thư về đường Sơn Cúc, tôi có một cảm giác khá kinh ngạc. Đây là văn viết bằng thơ hay thơ dùng văn để diễn tả một câu chuyện tình? Một trao đổi bằng thư giữa hai người mang tên Bạn Lớn và Bạn Nhỏ? Những cuộc đối thoại, có nhiều khi như là độc thoại, để diễn tả lại cảm giác mong manh của tâm tình bứt đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu” khởi đầu cho chuyến viễn du tình ái? Ai là một xao động theo nghĩa của chữ “Hình như”?

Tôi đã bắt chước như nhà văn Nguyễn Đình Toàn trong đoạn trích dẫn, giở những trang sách, đọc những câu văn xuôi mà óng ả mượt mà như thơ của Hoàng Ngọc Tuấn trong “ Thư về đường Sơn Cúc:
“
“... căn nhà của em ở trên một con đường xác xơ ven biển, nhà không có số và gió đã thổi mất tấm bảng chỉ đường. Nhưng có hề gì đâu tôi sẽ gửi cho em về địa chỉ mới Con đường Sơn Cúc vì mỗi ngày em đều đi qua đó.
Ông có biết một loài hoa ấy không?
Cả nhà gọi nó là cây cúc rừng
Chỉ có mình em gọi là hoa Sơn Cúc.
Hoa vàng óng ả.
Hoa vàng mật ngọt.
Vàng rực rỡ cả một lối mòn
Được gọi là Đường Sơn Cúc của em.
Tôi thấp thoáng trông hình bóng em chao mờ giữa một rừng hoa thắm. Mỗi sớm mai từ nhà đến trường, với cặp sách giáo khoa trên tay mà hồn đã bay lãng đãng đến tận cuối chân trời nào một mình em lững thững không hề nôn nóng vội vàng nhớ đến tiếng chuông reo vào lớp.””

Cúc rừng? Sơn Cúc? Cùng là tên của một loài hoa dại mà sao chữ Sơn Cúc lại mở ra một không gian nào mới, nào lạ, của những cuộc sống nào mơ hồ của những người nam và nữ xôn xao với tâm tình nửa ngỏ nửa e ấp trao nhau. Thơ, tản văn, hay là bất cứ thể loại nào, cũng chỉ là một, là ngôn ngữ mật ngọt đậm đà của giây phút xôn xao đầu tiên của thời mới lớn, mà Hoàng Ngọc Tuấn đã viết bằng cái tâm trong veo của mình.

Trả lời câu hỏi: Qua các truyện ngắn của anh, tuổi thơ thường hiện lên những hình ảnh thơ mộng, tuổi thơ của anh có êm đềm như thế không? Hoàng Ngọc Tuấn thổ lộ: “Hơn thế nữa là đằng khác. Tôi tiếc chưa có thì giờ và tâm hồn bình yên để làm sống lại những ngày xưa êm đẹp đó. Thuở nhỏ, tôi theo gia đình đổi chỗ ở hoài, từ tỉnh này qua tỉnh khác, mỗi năm học một trường. Huế, Qui Nhơn, Ban Mê Thuột, v.v. Trường Bà Sơ, trường Thầy Dòng (La San), trường Thầy Chùa (Bồ Đề), trường tư, trường công... đủ cả. Hồi đó tôi yêu thương rất nhiều điều, và tôi mừng mà thấy đến nay tôi vẫn chưa thay đổi.” ”
“


Sáng nay, mới ngủ dậy, nằm lơ mơ trên giường nghe chim rân ran ngoài hiên, cầm những cuốn sách của Hoàng Ngọc Tuấn, tôi nghĩ mình phải viết bài tưởng niệm này khác hơn. Mình phải viết về cái mình nghĩ đối với tác giả hơn là trích dẫn những điều tác giả đã nói về mình và tác phẩm mình qua những bài phỏng vấn. Dù tôi không có cái may là bạn với anh như những anh Nguyễn Đạt, Ngô Vương Toại, Hoàng Xuân Sơn... hay có chung thời sinh hoạt ở những phong trào sinh viên học sinh thuở nào. Thế mà, trong bài viết hiếm ý nghĩ chủ quan của mình. Không biết có phải là nghĩ về anh một cách gián tiếp không có gì hơn là qua những thổ lộ những tâm sự để mường tượng lại vóc dáng văn chương của anh vào một thời mà có lẽ chắc anh cũng ngầm hãnh diện về những thành quả của mình. Cầu chúc linh hồn anh sẽ rong chơi và không vướng bận gì với những trăn trở cuối đời trong cõi tạm này.

Hoàng Ngọc Tuấn mất ngày 9 tháng 7 năm 2005 ở bệnh viện Chợ Rẫy vì bệnh ung thư thực quản. Ông suốt đời độc thân mặc dù những nhân vật của ông yêu nhau thật lãng mạn. Sau năm 1975, đời sống của ông thật nhiều khó khăn. Những năm của thập niên 1990, ông là một ký giả thể thao và sau thì sống bằng những khoản nhuận bút hiếm hoi về những bài lượm lặt kiến thức rất vụn vặt đăng trên báo. Cái chết của ông cô đơn âm thầm cho mãi đến 10 ngày sau mới có báo Tuổi Trẻ đăng một cách trễ tràng mẫu tin nhỏ là nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn đã từ trần cách nay hơn một tuần.

Trước 1975, Hoàng Ngọc Tuấn là một tác giả được giới trẻ rất ái mộ. Một cây bút về sau của những năm của thập niên 1990, 2000 là Nguyễn Nhật Ánh cũng có lối viết ảnh hưởng khá sâu đậm từ Hoàng Ngọc Tuấn.[NMT]
XS
SM
MD
LG