Hoa Kỳ và Việt Nam đã thông qua Tuyên bố về Tầm nhìn chung trong cuộc gặp lịch sử giữa Tổng Thống Mỹ và Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Chiều ngày 7/7, Tòa Bạch Ốc ra thông cáo về văn kiện này, ghi nhận những phát triển tích cực và có thực chất trên nhiều lĩnh vực hợp tác trong 20 năm qua, đơn cử một số thành quả trong đó có việc Hà Nội thông qua Sáng kiến An ninh chống Phổ biến vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt; Hoa Kỳ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương, việc ký kết Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ Quốc phòng..
Hướng tới tương lai, hai nước khẳng định sẽ xây dựng hơn nữa Quan hệ Đối tác Toàn diện mà Tổng Thống Obama đã ký với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2013, giữa lúc hai nước tái khẳng định sẽ tiếp tục thắt chặt và đào sâu mối quan hệ bền vững, có thực chất, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Hai bên cam kết thúc đẩy lợi ích chung và tăng cường hợp tác song phương và đa phương, vì lợi ích nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng của khu vực Á Châu-Thái Bình Dương và thế giới.
Về vấn đề nhân quyền, Việt Nam và Hoa Kỳ cam kết tiếp tục ủng hộ việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, đồng thời duy trì đối thoại nhằm thu hẹp những khác biệt quan điểm trong lĩnh vực này.
Những lĩnh vực hợp tác khác được đề cập tới gồm hợp tác giáo dục thông qua các tổ chức như Trường Đại học Fulbright Việt Nam, và các quan hệ đối tác với các đại học khác, cũng như sự giao lưu giữa nhân dân Mỹ và nhân dân Việt Nam.
Về các vấn đề khu vực và toàn cầu, 2 nước cam kết thúc đẩy hợp tác hướng tới phát triển bền vững, giải quyết các mối đe dọa an ninh, kể cả thiên tai, các hoạt động buôn bán động vật hoang dã, và các trận đại dịch. Về vấn đề Biển Đông. Việt Nam và Hoa Kỳ nhấn mạnh nhu cầu cần bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không, kiềm chế các hành động làm tăng căng thẳng, bảo đảm luật pháp quốc tế phải được tôn trọng, đồng thời phản đối các hành vi trấn áp, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Hai nước tái khẳng định các tranh chấp biển đảo phải được giải quyết một cách hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), thừa nhận tầm quan trọng của việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và cùng lúc đẩy mạnh các nỗ lực nhằm đạt được một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Hãng tin Reuters hôm 8/7 tường thuật, chuyến đi Mỹ của ông Trọng diễn ra sau khi Hoa Kỳ tăng cường các nỗ lực ngoại giao, ve vãn Hà Nội trong năm qua, tiếp theo sau vụ bùng nổ cuộc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc vào tháng Năm năm 2014.
Thừa nhận quan tâm của Việt Nam về cuộc tranh chấp biển đảo với Trung Quốc, nhà lãnh đạo Mỹ nói cuộc tranh chấp tại Biển Đông cần được giải quyết bằng luật pháp quốc tế. Ông Obama nói “mục đích là để đảm bảo sự thịnh vượng và quyền tự do hàng hải, là yếu tố mà cho tới nay đã giúp đem lại bước tiến khổng lồ trong phát triển kinh tế, vẫn sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho khu vực trong nhiều thập niên tới”.
Theo White House Press Office, Reuters, AP.