Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ được hối thúc tăng áp lực về nhân quyền đối với Cuba


Ngoại trưởng John Kerry, đang ở Vienna, Áo để tham dự các cuộc đàm phán hạt nhân Iran, phát biểu về thông báo của Tổng thống Obama rằng Mỹ và Cuba đồng ý mở lại đại sứ quán tại thủ đô của hai nước, 1/7/2015.
Ngoại trưởng John Kerry, đang ở Vienna, Áo để tham dự các cuộc đàm phán hạt nhân Iran, phát biểu về thông báo của Tổng thống Obama rằng Mỹ và Cuba đồng ý mở lại đại sứ quán tại thủ đô của hai nước, 1/7/2015.

Trong khi Hoa Kỳ và Cuba đang xúc tiến việc bình thường hóa mang tính lịch sử trong mối quan hệ song phương thì các nhóm nhân quyền đã hối thúc Washington hãy tăng áp lực đối với Havana đòi cải thiện thành tích nhân quyền tồi tệ của nước này.

Khi sự tan băng mối quan hệ được loan báo vào cuối năm ngoái, Cuba đã thông báo một số biện pháp xây dựng lòng tin liên quan đến nhân quyền, trong đó có việc đồng ý phóng thích 53 nhân vật bất đồng chính kiến, nới rộng truy cập Internet và cho phép nhiều nhà giám sát nhân quyền tới hơn.

Nhưng theo các nhóm hoạt động, chính phủ cộng sản vẫn tiếp tục giam giữ thêm hàng chục tù nhân chính trị, thắt chặt hạn chế về tự do ngôn luận và dùng những lời đe dọa và nạt nộ để ngăn cản những người chỉ trích chính phủ.

Theo một báo cáo tháng này của Ủy ban độc lập của Cuba về Nhân quyền và Hòa giải Quốc gia (CCDHRN), có ít nhất 60 tù nhân chính trị vẫn còn đang ở trong các nhà tù tại Cuba, bao gồm ít nhất hai chục người bị truy cứu về các tội có liên quan tới các cuộc biểu tình chính trị ôn hòa.

Những con số này tiêu biểu cho một sự cải thiện lớn từ nhiều thập kỷ qua, khi Cuba bắt giữ hàng ngàn tù nhân chính trị. Nhưng các nhà hoạt động cảnh báo rằng về một số phương diện, sự tiến bộ là giả dối và chỉ phản ánh sự thay đổi về chiến thuật.

Chẳng hạn như đã có một sự gia tăng mạnh về số lượng các vụ bắt giữ ngắn hạn, giam giữ tùy tiện, theo CCDHRN. Nhóm này đã nhận được hơn 7.100 báo cáo về các vụ bắt giữ tùy tiện vào khoảng thời gian đầu năm ngoái, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013.

Theo phúc trình năm 2015 của Human Rights Watch về Cuba, “nhà tù thường được sử dụng để ngăn cản các cá nhân tham gia vào các cuộc tuần hành ôn hòa hay các cuộc hội thảo để bàn luận về chính trị."

Phúc trình của tổ chức có trụ sở ở New York cũng chỉ trích Cuba là “hạn chế nghiêm trọng” quyền tự do ngôn luận. Phúc trình cho biết “chỉ một phần rất nhỏ người dân Cuba có thể đọc các blog và trang web độc lập vì chi phí cao, khó tiếp cận mạng Internet.”

Phúc trình cho biết thêm rằng: “Những người đưa lên các thông tin được coi là chỉ trích chính phủ thường trở thành đối tượng của các chiến dịch bôi nhọ, các cuộc tấn công, và bắt bớ tùy tiện, cũng như các nghệ sĩ và các học giả, những người đòi quyền tự do nhiều hơn."

Tổng thống Barack Obama đã lập luận rằng việc gia tăng cam kết với Cuba sẽ giúp đem lại cho Mỹ nhiều hơn, chứ không ít hơn, ảnh hưởng trong việc khuyến khích nhân quyền và cải cách chính trị. Một số nhóm nhân quyền đồng ý với đánh giá đó.

Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro gặp gỡ bên lề Hội nghị châu Mỹ ở Thành phố Panama, 11/4/2015.
Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro gặp gỡ bên lề Hội nghị châu Mỹ ở Thành phố Panama, 11/4/2015.

Tuyên bố của HRW vào tháng 12 nói “quyết định lịch sử của Tổng thống Barack Obama nhằm cải tổ chính sách của Mỹ đối với Cuba là một bước quan trọng hướng tới việc loại bỏ một trở ngại chính đối với sự tiến bộ về nhân quyền trên hòn đảo này."

“Rõ ràng trong nhiều năm, nỗ lực của Mỹ để thúc đẩy sự thay đổi ở Cuba thông qua các lệnh cấm thương mại và du lịch đã là một thất bại tốn kém và sai lầm”, theo ông José Miguel Vivanco, giám đốc phụ trách châu Mỹ của Human Rights Watch. “Thay vì cô lập Cuba, các lệnh cấm vận đó đã cô lập Hoa Kỳ, các chính phủ bị xa lánh mà nếu không đã có thể lên tiếng về tình hình nhân quyền trên đảo.”

Tổ chức Ân xá Quốc tế có trụ sở tại London cũng bày tỏ hy vọng rằng hành động này sẽ cung cấp một cơ hội để “thiết lập một nghị trình về nhân quyền."

“Nếu lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba và các tác động tiêu cực của nó đối với các quyền kinh tế và xã hội của người Cuba, được bãi bỏ trong khuôn khổ nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, thì điều đó sẽ có nghĩa là giới hữu trách Cuba không còn có thể sử dụng các biện pháp trừng phạt như một cái cớ cho sự tụt hậu về nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của mình.”

Trong phúc trình mới nhất về tình trạng nhân quyền toàn cầu, chính Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tăng cường áp lực đối với Cuba, thừa nhận rằng những vụ vi phạm nhân quyền tràn lan vẫn còn là một vấn đề nghiêm trọng.

VOA Express

XS
SM
MD
LG