Giữa lúc tình hình nhân quyền Việt Nam tiếp tục bị quốc tế tố cáo là xuống dốc, Hạ viện Hoa Kỳ hôm 11/9 thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam HR1410 ngăn cấm chính phủ Mỹ không được tăng viện trợ không có mục đích nhân đạo cho Việt Nam nếu Hà Nội không có cải thiện đáng kể trong lĩnh vực nhân quyền và Nghị quyết 484 yêu cầu chính phủ Hà Nội phải tôn trọng quyền căn bản của công dân và chấm dứt lạm dụng các điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia như điều 79 và 88 trong Bộ luật Hình sự để giam cầm những nhà tranh đấu cho dân chủ-nhân quyền một cách ôn hòa. Diễn tiến này có ý nghĩa thế nào và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sau? Trà Mi phỏng vấn dân biểu Loretta Sanchez, Đồng Chủ Tịch Nhóm Nhân Quyền Việt Nam, người đệ nạp Nghị quyết 484 lên Quốc hội Mỹ.
Trước tiên, dân biểu Sanchez chia sẻ cảm nghĩ về việc Hạ viện Mỹ cùng lúc thông qua hai dự luật quan trọng liên quan đến nhân quyền Việt Nam.
Dân biểu Loretta Sanchez: Tôi rất phấn khởi. Chúng tôi đã nỗ lực để hai dự luật này được thông qua. Nghị quyết 484 do tôi đệ nạp được 30 thành viên trong Hạ viện thuộc cả lưỡng đảng bảo trợ. Chúng tôi rất vui mừng vì nó đã được Hạ viện đồng loạt nhất trí thông qua. Tôi cho rằng điều này đã gửi ra một thông điệp hết sức rõ ràng cho phía chính phủ Việt Nam.
VOA: Điều gì sẽ xảy ra kế tiếp sau khi Nghị quyết 484 và Dự luật Nhân quyền Việt Nam HR1410 được Hạ viện thông qua, thưa bà?
Dân biểu Loretta Sanchez: Bước kế tiếp là chúng tôi phải làm việc với bên Thượng viện Hoa Kỳ, thúc đẩy cho Dự luật Nhân quyền Việt Nam HR1410 do dân biểu Chris Smith đề xướng được Thượng viện thông qua để nó chính thức trở thành luật. Dân biểu Chris Smith và tôi luôn làm việc với nhau vì mục tiêu đó. Các nỗ lực đã được khởi sự. Chúng tôi đã nói chuyện với các Thượng nghị sĩ để tìm cách đưa Dự luật Nhân quyền Việt Nam HR1410 ra Thượng viện trước cuối năm nay, trước khi nhiệm kỳ Quốc hội này kết thúc. Bởi lẽ Dự luật do ông dân biểu Smith khởi xướng chỉ có tác dụng cho tới ngày 31 tháng 12 năm nay rồi sau đó chúng tôi phải bắt đầu lại từ đầu.
Còn Nghị quyết 484 do tôi bảo trợ đã gửi đi thông điệp của mình, coi như đã hoàn tất và đang phát huy nhiệm vụ của nó. Chúng tôi hiện đang cố gắng nói chuyện với Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa về việc đưa Việt Nam trở lại danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo CPC và tiếp tục thúc đẩy các vấn đề này.
VOA: Các điểm chính của Nghị quyết 484 do bà bảo trợ chống lại các điều luật trong Bộ luật Hình sự Việt Nam, đặc biệt là điều 79 và điều 88 quy định tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ và ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’. Việc này có thể bị chính quyền Hà Nội xem là ‘can thiệp vào chuyện nội bộ’ của Việt Nam. Ý kiến của bà như thế nào?
Dân biểu Loretta Sanchez: Hà Nội đang yêu cầu Mỹ giúp đỡ trong việc chỉnh sửa lại luật lệ liên quan tới thương mại, doanh nghiệp chẳng hạn. Họ đang yêu cầu các chuyên gia Mỹ giúp viết lại một số hệ thống luật lệ để minh bạch hơn đối với các hoạt động doanh thương, nhất là các hoạt động kinh doanh quốc tế. Cho nên, nếu Hoa Kỳ có thể giúp Việt Nam chỉnh lại các luật lệ về thương mại, thì tôi không hiểu tại sao Mỹ lại không thể giúp Việt Nam viết lại các luật lệ về nhân quyền của Hà Nội. Chính quyền Việt Nam không thể vừa muốn được cái này vừa được cái kia cho quyền lợi riêng của họ. Nếu họ bảo là ‘chuyện nội bộ’ thì tại sao những chuyện kinh doanh ‘nội bộ’ của họ, họ có thể yêu cầu Mỹ giúp đỡ, cớ gì lại coi chuyện nhân quyền là chuyện ‘nội bộ’ không thể can thiệp?
VOA: Nhân quyền của Việt Nam luôn là mối quan tâm thường xuyên tại Hạ viện Mỹ, và cũng là đề tài thường được tranh luận ở Hạ viện, chứ không phải là ở Thượng viện. Nguyên nhân vì sao, thưa bà?
Dân biểu Loretta Sanchez: Trong nhiều phương diện, mang vấn đề ra tranh luận ở Hạ viện dễ dàng hơn rất nhiều so với ở Thượng viện. Ở Hạ viện chúng tôi có rất nhiều phương tiện, chúng tôi có rất nhiều cách để tranh luận, thảo luận. Tại Thượng viện có một trở ngại là rất chậm chạp trong việc xúc tiến các vấn đề vì đòi hỏi phải có 60 phiếu thuận chứ không phải chỉ là đa số ủng hộ. Cần phải có 60 phiếu thuận để một vấn đề được đưa ra Thượng viện để tranh luận hay bỏ phiếu. Cho nên, rất nhiều dự luật ngay cả cho nội địa nước Mỹ không được xúc tiến hay đưa ra Thượng viện để tranh luận. Vì vậy, để Thượng viện bàn tới vấn đề nhân quyền Việt Nam vẫn còn là một điều chưa thể thành tựu được. Đó là lý do vì sao cần phải có nhiều thành viên trong Hạ viện của chúng tôi liên lạc với từng Thượng nghị sĩ để vận động cho họ hiểu tầm quan trọng của các vấn đề liên quan đến nhân quyền Việt Nam.
VOA: Một cách cụ thể, theo bà, hai dự luật vừa được Hạ viện thông qua gửi ra thông điệp gì tới chính phủ Việt Nam và chính phủ Mỹ?
Dân biểu Loretta Sanchez: Điều đầu tiên là để cho Ngoại trưởng Hillary Clinton và Tổng thống Obama thấy rằng Hạ viện chúng tôi đang rất quan tâm đến các điều kiện nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam. Đó là thông điệp đầu tiên chúng tôi muốn gửi tới chính quyền Mỹ.
Còn đối với Việt Nam, có hai thông điệp chính chúng tôi muốn gửi ra. Thông điệp trước tiên gửi tới nhà cầm quyền Việt Nam rằng chúng tôi sẽ tiếp tục các nỗ lực để thúc đẩy cải thiện nhân quyền cho người dân tại Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn cả, thông điệp lớn nhất của Nghị quyết này là gửi tới tất cả những người đã và đang bị tù đày vì các điều luật mơ hồ của nhà nước như 79 hay 88, tới những nhà hoạt động trẻ, các blogger, những người vẫn đang gióng lên tiếng nói khát khao cho những sự thay đổi tại Việt Nam, rằng chúng tôi đang theo sát họ, bên cạnh họ, và ủng hộ tinh thần cho họ. Vì, như lời của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ nói với tôi trước đây, rằng những tiếng nói bên ngoài rất quan trọng đối với các nhà hoạt động trong nước, mang đến cho họ hy vọng và sức mạnh để họ tiếp tục công việc mà họ cần phải làm cho nhân dân Việt Nam.
VOA: Xin chân thành cảm ơn dân biểu Loretta Sanchez đã dành thời gian cho chúng tôi trong cuộc trao đổi này.
Quí vị vừa theo cuộc phỏng vấn với Chủ tịch Nhóm nhân quyền Việt Nam ở Quốc hội Mỹ, dân biểu Loretta Sanchez, nói về hai dự luật vừa được Hạ viện Hoa Kỳ thông qua hôm 11/9 yêu cầu Việt Nam phải cải thiện nhân quyền nếu muốn Hoa Kỳ tăng viện trợ và giao thương.