Đường dẫn truy cập

Giới lập pháp Mỹ được hối thúc tập trung tiếp tới nhân quyền ở Iran và Cuba


Chủ tịch Ủy ban Ngoại vụ Thượng viện Bob Corker
Chủ tịch Ủy ban Ngoại vụ Thượng viện Bob Corker

Các tổ chức hàng đầu về nhân quyền nói với các nhà lập pháp Hoa Kỳ rằng không nên để cho những khai thông ngoại giao có tính cách lịch sử với Iran và Cuba ngăn cản việc Mỹ kiểm tra kỹ lưỡng những vi phạm về nhân quyền.

Ra điều trần trước Ủy ban Ngoại vụ Thượng viện, ông Mark Lagon, chủ tịch tổ chức Freedom House ở Washington, tuyên bố: “Tại Iran và Cuba, Hoa Kỳ cần phải cân nhắc đường lối ngoại giao để cứu xét các vấn đề nhân quyền và không tách đường lối ngoại giao để chỉ nhìn vào tầm quan trọng của hòa bình hạt nhân – như trong trường hợp Iran, hoặc coi ngoại giao chính là mục tiêu, như trong trường hợp Cuba.”

Ông Lagon nói thêm: “Quyết định của Hoa Kỳ tiến mạnh tới bằng tốc độ toàn lực, việc phục hồi quan hệ ngoại giao với Cuba ngay vào lúc 100 nhà hoạt động hòa bình bị giam giữ đã chuyển đi những tín hiệu lẫn lộn và đáng lo ngại.”

Chủ tịch ủy ban, thượng nghị sĩ Cộng hòa Bob Corker, không đề cập đến vấn đề nhân quyền có liên quan đến Iran hay Cuba, nhưng thừa nhận vấn đề một cách rộng rãi hơn trên trường quốc tế.

“Một trong các thách thức lớn nhất có liên quan đến các vấn đề nhân quyền là chúng ta có những lợi ích khác, chẳng hạn như với các chính phủ mà đôi khi gây trở ngại đến khả năng của chúng ta trong việc nêu ra những vụ vi phạm nhân quyền.”

Cũng ra điều trần có Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách về Dân chủ và Nhân quyền, ông Tomasz Malinowski.

Đáp lại ông Corker, ông Malinowski nói: “Tôi nghĩ điều quan trọng là hết sức trung thực về vấn đề đó. Đương nhiên, ta có những lợi ích khác. Tôi thường chống lại khái niệm cho rằng lợi ích của chúng ta trong việc quảng bá nhân quyền và lợi ích trong việc bảo vệ an ninh của chúng ta, sự phồn thịnh của chúng ta – rằng các lợi ích đó xung đột lẫn nhau về cơ bản.”

“Tôi nghĩ đôi khi ta phải đối mặt với những sự trao đổi ngắn hạn, trong đó chúng ta có thể phải hợp tác với một nước nào đó về một vấn đề có tính cấp thiết cho an ninh của chúng ta ngay lúc này. Và có đôi khi, sự kiện đó có thể dẫn ta đến chỗ phải điều chỉnh các nỗ lực của chúng ta về những vấn đề quan trọng.”

Thượng nghị sĩ Dân chủ người Mỹ gốc Cuba Robert Menendez nắm cơ hội thảo luận có liên quan đến Cuba và đả kích các đồng viện tại Quốc hội về lịch trình của họ khi họ đi thăm đảo quốc cộng sản này.

Thượng nghị sĩ Mỹ gốc Cuba Robert Menendez
Thượng nghị sĩ Mỹ gốc Cuba Robert Menendez

Ông Menendez nói: “Thực là điều khá lạ lùng đối với tôi khi các bạn đồng viện của chúng ta tại Thượng viện đi thăm Cuba, họ không đi thăm các nhà hoạt động nhân quyền, những nhân vật bất đồng chính kiến, các ký giả độc lập, bởi lẽ nếu họ làm như thế thì họ sẽ bị ngăn không cho dự một cuộc họp với chính phủ Cuba.”

Ông Menendez nói thêm : “Chúng ta phải phá vỡ cái khái niệm ấy, bởi vì nếu như trên toàn cầu, thông điệp chúng ta gửi đi là, nếu muốn gặp các giới chức chính phủ của một nước, thì chúng ta không thể gặp các nhà hoạt động nhân quyền, các nhà bất đồng chính trị, các ký giả độc lập ở Trung Quốc, ở Malaysia, ở bất cứ nơi nào trên thế giới, thì thực là một thực trạng đau buồn cho Hoa Kỳ.”

Không có ai trong ủy ban đáp lại các nhận định mà vị thượng nghị sĩ này đưa ra vào gần cuối cuộc điều trần đã bị rút ngắn vì một loạt các cuộc biểu quyết tại thượng viện.

Chính quyền Obama khẳng định rằng phục hồi quan hệ ngoại giao với La Habana sẽ đẩy mạnh chính nghĩa dân quyền và nhân quyền qua việc thúc đẩy thông tin liên lạc và trao đổi giữa hai nước đã bị cắt đứt từ hơn 50 năm.

Về thỏa thuận hạt nhân với Iran, Tổng thống Barack Obama đã nhiều lần nói rằng Hoa Kỳ vẫn có những bất đồng nghiêm trọng với Tehran về nhiều vấn đề nhưng các cuộc thương nghị đem lại hiệp ước công bố tuần này ở Vienna được giới hạn trong chương trình nguyên tử của nước này.

VOA Express

XS
SM
MD
LG