Đức sẽ tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh về người tỵ nạn vào thứ Sáu, vào lúc con số người xin tỵ nạn ở nước này tăng gấp đôi trong vòng 1 năm. Gần 30.000 dân di trú được cho là đã vượt Địa Trung Hải từ Châu Phi đến Châu Âu tính đến giờ này trong năm nay. Nhiều người đi về hướng bắc với hy vọng tìm được công ăn việc làm và các chương trình an sinh xã hội tốt hơn. Theo dõi đường đi của dân di trú khắp Châu Âu và đáp chuyến xe lửa từ Italia đến Munich ở Đức, thông tín viên VOA Henry Ridgwell ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau.
Những người di trú đầu tiên đáp chuyến tàu tốc hành từ Verona đến Munich ở Brenner, là trạm dừng chót ở Italia, ở biên giới đồi núi của Áo. Đa số là người Somalia và Eritrea; họ không mang theo đồ đạc gì; đầy vẻ lo lắng họ đi từ toa này qua toa kia trên tàu. Một số ngồi trên những chiếc ghế còn trống, những người khác đợi ở hành lang.
Các cảnh sát viên đầu tiên lên tàu ở Rosenheim ngay bên trong nước Đức và bắt đầu kiểm tra hộ chiếu. Từng người một, số dân di trú bị đưa ra khỏi tàu. Sau nửa tiếng đồng hồ, hơn 70 người được xếp vào hàng trên sân ga trong khi các hành khách khác nhìn chằm chằm qua cửa sổ.
Theo quy định được gọi là “Điều lệ Dublin”, dân di trú phải nộp đơn xin tỵ nạn tại nước đầu tiên mà họ đặt chân tới. Vì thế họ thường từ chối không tiết lộ thân thế hay lăn dấu tay cho đến khi họ đến điểm mà họ định tới – thường là Đức hay các quốc gia Bắc Âu giàu có khác.
Ít dân di trú muốn ở lại nam Âu, theo lời giải thích của bà Rebecca Kilian-Mason thuộc Hội đồng Tỵ nạn Munich.
Bà Kilian-Mason cho biết: “Như ở Hy Lạp, ta có vấn đề rất lớn. Không ai bị gửi trả về Hy Lạp vào lúc này, bởi vì tình hình rất tệ hại. Với Italia, vẫn còn rất nhiều người bị gửi trả về Italia, theo các Điều lệ Dublin, và việc này có vấn đề bởi vì nhiều người không nhà cửa, họ không được sự trợ giúp xã hội.”
Nhưng ở Đức thì họ có được sự trợ giúp ấy. 173.000 người nộp đơn xin tỵ nạn ở nước này vào năm 2014. Con số tăng gấp đôi vào năm 2015.
Trong số những người này có ông James, người Sierra Leone. Ông hiện sống trong một cơ sở dành cho người tỵ nạn ở Munich – nhưng thoạt đầu đặt chân lên Châu Âu bằng cách xâm nhập bất hợp pháp vào khu vực Melilla của Tây Ban Nha ở Bắc Âu. Ông hy vọng nhà chức trách Đức sẽ xét đơn xin tỵ nạn của ông một cách nhân từ.
Ông James nói: “Tôi rất đau lòng khi nghe nói có thể họ sẽ gửi tôi trở lại Tây Ban Nha, nó nhiều khi làm tôi đau đớn. Tôi không muốn nghĩ đến việc ấy. Tôi có thể nói với quý vị rằng, việc tôi đến được nước Đức này, là đáng hy sinh tính mạng.”
Con số to lớn những trường hợp xin tỵ nạn có nghĩa là giới hữu trách đã choáng ngợp – chỉ có một phần nhỏ những người hội đủ điều kiện thực sự bị gửi trả lại nước mà họ đến nơi, theo bà Franziska Fassbinder, người cung cấp tư vấn miễn phí cho dân di trú qua Phòng Tư vấn Người Tỵ nạn ở Munich.
Bà Fassbinder cho biết: “Bởi vì chúng tôi chỉ có một khoảng thời gian rất ngắn để đưa người này trở về; khoảng thời gian này là chừng 6 tháng. Và khi một người tỵ nạn đến Đức, thì chúng tôi thường nói với họ là hãy chờ đợi.”
Nhiều người xin tỵ nạn bị từ chối vì lý do họ là di dân kinh tế chứ không phải là người tỵ nạn trốn chạy chiến tranh. Đây là điều rất khó phân biệt, bà Fassbinder cho biết bà sẽ đặt câu hỏi: “Có thực sự là lý do kinh tế nếu tôi không có được chút thực phẩm nào?”
Các quốc gia Âu châu giàu có như Đức nổi tiếng về các chương trình an sinh và chăm sóc xã hội. Nhưng luồng dân di trú – chạy trốn cả chiến tranh lẫn nạn nghèo khó – đang trắc nghiệm thiện chí của các chính phủ và nhân dân khắp châu lục này.