Chủ nhật tuần này, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ đến thăm Việt Nam, nơi mà nước Mỹ từng trú đóng hơn nửa triệu binh sĩ để chiến đấu trong một cuộc xung đột hết sức khốc liệt và đã làm cho nước Mỹ bị chia rẽ trầm trọng. Cuộc xung đột đó đến nay vẫn còn làm bùng ra những cuộc tranh luận, nhất là trong số những người từng tham gia chiến đấu. Thông tín viên Greg Flakus của đài VOA tường thuật.
Cuối tháng tư vừa qua, nhiều cựu chiến binh cùng với các cựu quan chức chính phủ và các nhà báo đã tụ tập tại Thư viện Tổng thống Lyndon Johnson ở tiểu bang Texas để dự cuộc hội thảo được đặt tên Thượng đỉnh Chiến tranh Việt Nam.
Trước một cử toạ gồm nhiều người từng chiến đấu ở Việt Nam và những người phản đối cuộc chiến tranh đó, nhạc sĩ Joe McDonald đã hát lại bài hát phản chiến nổi tiếng một thời của ông. Ông cho biết như sau về bài hát này.
"Điều đặc biệt của bài hát là nó không qui lỗi chiến tranh cho các chiến sĩ. Tôi vẫn thường nói là qui lỗi chiến tranh cho các chiến sĩ cũng giống như qui lỗi hoả hoạn cho lính cứu hoả."
Những cựu chiến binh có những cảm xúc lẫn lộn khi nghĩ tới cuộc xung đột đã kết thúc cách nay hơn 40 năm. Họ không đồng ý với nhau về vấn đề là cuộc chiến tranh đó có chính đáng hay không và có thể thắng hay không, nhưng tất cả đều cảm thấy cuộc chiến đó đã làm cho cuộc đời của họ thay đổi rất nhiều.
Ông Kerry Orr, một cựu chiến binh bị thương năm 1969 ở Việt Nam, cho biết như sau.
"Thật khó để nghĩ là chúng ta đã thua bởi vì chúng ta đã không muốn thắng và cho tới giờ tôi vẫn không hiểu được tại sao chúng ta không muốn thắng."
Cảm giác đó còn mãnh liệt hơn đối với những người lính Việt Nam Cộng hoà, như cựu Đại uý Michael Đỗ.
"Tổng thống Nixon đã hứa là ông ấy sẽ giúp đỡ chúng tôi bằng mọi cách để bảo vệ đất nước trong trường hợp phe Cộng Sản tấn công trở lại."
Nhà văn Robert Schenkkan cho biết công chúng Mỹ khi đó đã cảm thấy chán ngán đối với cuộc chiến tranh Việt Nam và các hồ sơ chính phủ cho thấy những nhà hoạch định chính sách tin rằng cuộc chiến tranh đó là một cuộc chiến không thể thắng.
"Những hồ sơ lịch sử cho thấy một cách rất rõ ràng là nhiều người không nghĩ là sẽ có được một chiến thắng quân sự, xét theo hoàn cảnh chính trị và xã hội lúc đó."
Kiến trúc sư trưởng của chính sách của Mỹ lúc đó là Ngoại trưởng Henry Kissinger. Nhiều người chỉ trích nói ông đã phạm tội ác chiến tranh qua việc đề nghị Tổng thống Richard Nixon dội bom Campuchia, một nước trung lập nằm cạnh Việt Nam.
Ông Kissinger nói rằng chiến dịch oanh tạc đó là một hành động chính đáng vì quân đội Bắc Việt đã đưa 4 sư đoàn tới Campuchia.
"Trong tuần lễ thứ ba của nhiệm kỳ tổng thống của ông Nixon, họ đã phát động một chiến dịch phản công làm cho 500 người Mỹ bị thiệt mạng mỗi tuần."
Cuộc hội thảo Thượng đỉnh Chiến tranh Việt Nam được tổ chức tại thư viện Tổng thống Lyndon Johnson, người đã quyết định tăng mạnh sự can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến ở Việt Nam.
Bà Luci Baines Johnson, con gái của cố Tổng thống Johnson, nói đã tới lúc để chữa lành vết thương.
"Có lẽ là tất cả chúng ta, tất cả chúng ta, với tất cả những gì mà chúng ta có, đã thật sự cố gắng để làm những việc đúng đắn cho đất nước của mình."
Ngoại trưởng John Kerry là người từng tham chiến ở Việt Nam rồi trở thành một nhân vật hoạt động phản chiến. Ông cho rằng tiến trình chữa lành vết thương chiến tranh đang tiếp diễn với chuyến viếng thăm của Tổng thống Obama đến Việt Nam. Ông nói rằng các mối quan hệ giữa Washington và Hà Nội có thể là một kiểu mẫu cho sự hoà giải giữa các nước cựu thù.