PHẦN 1
1.
Trước khi nói đến dịch thuật, bạn hãy cho phép tôi đưa ra một nhận định hết sức cơ bản và sơ đẳng như sau: Giữa bất kì hai ngôn ngữ dân tộc nào không hề hiện hữu sự đồng dạng cùng chia sẻ một hệ thống phối ngữ biến những kí hiệu ngôn từ hữu cơ thành những biểu hiệu có ý nghĩa. Nếu bạn chấp nhận đó là định đề hay nguyên lí đã được chứng minh thì tôi có thể rút ra một hệ luận dùng làm nguyên tắc chỉ đạo cơ bản cho công việc dịch thuật, đó là, nội dung một dịch phẩm ít nhiều có thể bị thêm, bớt, hoặc sai lệch với nguyên tác. Hầu hết các thể loại dịch thuật đều bị chi phối bởi nguyên tắc này, ít hơn ở sách giáo khoa, khoa học thường thức và nhiều hơn ở bình diện văn học. Nếu bạn đồng ý như thế, tôi có thể bảo dịch thuật văn học là sự tái tạo, hoặc sáng tác lại, một tác phẩm văn học để cho nó một đời sống mới.
Rất có khả năng nó sẽ tái hiện ở một “đời sống mới”. Bốn thành tố quyết định đời sống của tác phẩm là thời đại, nhà văn, tác phẩm và người đọc; một dịch phẩm hiển nhiên phải có riêng nó một đời sống mới bởi nếu dịch phẩm thành công thì chí ít năm mươi phần trăm những thành tố trên là mới. Đời sống mới này đôi khi còn rực rỡ, trường tồn hơn đời sống “cũ” của nguyên tác như trường hợp bản dịch Chinh Phụ Ngâm của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm; và, nhìn ở góc độ nào đó, Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du cũng là tác phẩm dịch.
Trên các diễn đàn văn học đã có khá nhiều những nhận định sâu sắc và giá trị về dịch thuật văn học. Tựu trung, có hai xu hướng: hoặc trung thành với văn bản của nguyên tác; hoặc đặt trọng tâm vào yêu cầu tiếp nhận của ngôn ngữ dịch. Theo tôi, ở thời đại của chúng ta, quan niệm đúng đắn phải là sự kết hợp chặt chẽ giữa hai xu hướng. Mặc dù những tôn chỉ chung chung như tín-đạt-nhã kềm chế người dịch, không cho hắn sa đà, nhưng người dịch không còn là kẻ “tra từ điển chuyên nghiệp” nữa. Có khoảng đất trống chừa cho hắn để hắn phô diễn nét tài hoa trong sáng tạo của mình. Câu hỏi được đặt ra là khoảng đất trống đó rộng rãi thong dong lắm không và có giới hạn nào không? Nếu bạn là Bùi Giáng thì không giới hạn nào có thể ngăn trở bạn được. Bạn có thể “tương” vào cả chục câu lục bát rất ư là Bùi Giáng ngay giữa mạch truyện của nguyên tác. Sự can thiệp tới hạn của người dịch như thế hiển nhiên có thể làm nhiều vị học giả nghiêm túc cau mày khó chịu. Riêng tôi, tôi thấy thú vị bởi tôi đang thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật chứ không phải một cuốn sách y học. Nhưng tôi không thể làm như Bùi Giáng, lẽ dễ hiểu bởi tôi không có văn tài độc đáo như ông. Nói như thế, dịch phẩm sẽ mang diện mạo của người dịch và điều đó góp phần không ít vào việc tiếp nhận của người đọc. Tôi không phủ nhận giá trị những dịch phẩm nghiêm chỉnh tuân thủ từng câu, từng chữ, từng dấu chấm dấu phết trong nguyên bản, nhưng tính Dionysian trong nghệ thuật bao giờ cũng hấp dẫn hơn, quyến rũ hơn và tôi sẵn sàng hi sinh cái chân lí tuyệt đối (đôi khi rất vô tích sự) để đổi lấy dăm ba nét linh diệu phù ảo của cái bất toàn.
2.
Song bạn có thể hỏi ngược lại tôi: “Đọc Mùi Hương Xuân Sắc, tôi đâu muốn đọc Bùi Giáng, tôi muốn đọc Sylvie của Gérard de Nerval cơ mà. Chỗ nào cũng thấy Bùi Giáng ‘lai rai phiêu hốt’ còn tác giả ra sao, văn phong như thế nào thì chẳng thấy đâu.”
Văn phong hay phong cách trong văn học là đề tài lớn, chúng ta từng nghe nhiều nhà phê bình nói đến. Tôi vốn dị ứng với lí thuyết văn học nên không dám nói gì ở đây ngoại trừ định nghĩa cơ bản của cụm từ “phong cách văn học.” Theo tôi, phong cách trong văn học giản dị là phương thức biểu đạt nghệ thuật, nó tiêu biểu cho bản sắc sáng tạo của nhà văn. Nó chính là nghệ thuật của sáng tạo. Nhìn rộng hơn, các nghệ sĩ lớn qua mọi thời đại đều có riêng cho mình cái phong cách đặc trưng này và nó có yếu tính như một dấu ấn khắc họa chân dung nhà nghệ sĩ. Claude Debussy và Maurice Ravel sinh cùng thời, đều là người Pháp, cùng sáng tác dưới luồng sáng của nhạc phái Ấn tượng, nhưng nhạc của hai ông khác nhau lắm, người nghe không thể nào lẫn lộn được. Đó là nhờ mỗi ông đều thành công trong việc tự tạo cho mình cái dấu ấn đặc trưng. Đôi lúc tôi nghĩ nghệ thuật phải chăng chỉ có thế, kẻ thành công lưu danh muôn thuở chẳng qua chỉ là kẻ có cái tài năng vượt trội biết sáng tạo nên cái khác thường, độc đáo, mà sau khi công bố người đời nhìn vào đều phải bật ngửa, ngẩn ngơ thốt lên, “Ủa, có dzậy thôi mà hồi nào đến giờ mình hổng thấy cà?”
Phong cách trong văn học định đoạt tiềm năng nghệ thuật của tác phẩm. Gustave Flaubert bỏ ra năm năm trời để viết cuốn Madame Bovary. Tác phẩm ra đời đánh dấu khúc quành quan trọng trong văn học Pháp tiền bán thế kỉ XIX. Ngoài sự kiện nó là cuốn tiểu thuyết “tâm lí” đầu tiên, chính phong cách nghệ thuật của nó, nội dung cũng như hình thức, đã khiến nó được công chúng nồng nhiệt đón nhận. Baudelaire bảo sau Balzac chính Flaubert là người bứt phá, đập tan cái trì trệ của văn học Pháp lúc đó.
Nghệ thuật nằm ở cái “thần” của tác phẩm. Nắm bắt cái “thần” đó trong nghệ thuật rồi tái tạo nó ở một tính thể khác, theo tôi, không phải là chuyện bất khả nhưng nó đòi hỏi tài năng và sức làm việc khủng khiếp lắm. Tôi đang nghĩ đến tác phẩm tiểu thuyết Lolita của văn hào Vladimir Nabokov. Trong tác phẩm tiểu thuyết này Nabokov thuật một câu chuyện vô luân bằng thứ ngôn từ phải nói là linh diệu. Cú pháp và thủ pháp sử dụng Anh ngữ của ông kể như vào hàng cao thủ thượng thừa, chí ít cũng mười hai thành công lực. Tiếng Việt của tôi cũng phải linh diệu như tiếng Anh của Nabokov để dịch tác phẩm này, nếu không, tôi sẽ giết Nabokov mất vì tôi biến tác phẩm nghệ thuật của ông thành chuyện dâm ô! Nhưng cái vi tế trong mỗi từ tiếng Anh, liệu tôi có thể tìm thấy nét tương đương trong tiếng Việt không? Căn cứ vào định đề đặt ra ở phần vào nhập của bài viết, câu trả lời là không và có lẽ tôi sẽ không công bằng với Nabokov chút nào. Văn phong của Nabokov chính là cái linh diệu của ngôn từ ông sử dụng trong ứng tác nghệ thuật. Thế nhưng nếu chỉ với bút pháp dịch thuật linh diệu thôi thì đã đủ để lột tả phong cách văn học (nghệ thuật) của Nabokov chưa? Tôi không biết bạn ạ, bởi nó thuộc về cái bất khả tư nghì mất rồi, tôi phải dùng trực giác để định đoạt thôi và chưa chắc tôi đã thành công. Chữ nghĩa nằm nơi tầng thứ nhất của tác phẩm, tầng thấp nhất, dễ tiếp cận nhất và cũng dễ chuyển dịch nhất; sang tầng thứ hai, tầng chứa đựng cảm xúc, nếu khéo léo và với nỗ lực tối đa, có thể tôi nắm bắt được; nhưng đến tầng thứ ba, tầng cao nhất, nơi cái “thần” của tác phẩm ẩn nấp, của cái bất khả tư nghì thì tôi chỉ có cách dùng trực giác mình để “tùy cơ ứng biến” mà thôi.
3.
Traduttore, traditore—dịch là phản. Dĩ nhiên, giữa hai nền văn hoá bao giờ cũng hiện hữu những giá trị tương phản gần như nghịch lí, nhưng càng ngày, do sự toàn cầu hoá cộng thêm sự bùng nổ của Internet, tính tương phản ấy càng thu nhỏ. Hơn nữa, từ lâu tôi đã không xem ý nghĩa của nó là chân lí. Ngược lại là đằng khác, bởi nó có tính thời thượng. Với tôi, nó chỉ có tác dụng cảnh báo người dịch phải cẩn trọng tối đa bởi muôn vàn cạm bẫy cùng hầm hố lúc nào cũng túc trực chờ đón người dịch để chôn vùi hắn nếu hắn cẩu thả, không chịu khó tìm hiểu thấu đáo văn bản nguyên tác trước khi hạ bút. Tín-đạt-nhã. Ba tôn chỉ người Trung quốc đặt ra cho công việc dịch thuật, tưởng đơn giản nhưng quả thật không dễ dàng và con đường người dịch chọn lựa cho mình đi không rộng rãi bằng phẳng chút nào.
Cách đây ít lâu tôi bạo gan dịch và xuất bản cuốn tiểu thuyết The Unbearable Lightness of Being của nhà văn Tiệp Khắc Milan Kundera. Thoạt nhìn vào nhan đề cuốn sách, hiển nhiên vấn đề quan trọng và gay go nhất cho người dịch là làm thế nào để dịch từ “being” cho chuẩn và hay. Tôi đã mất khá nhiều thời gian suy nghĩ tìm kiếm một từ tiếng Việt thích hợp cho nhan đề của bản dịch. Khi tác phẩm khởi đăng nhiều kì trên tạp chí Hợp Lưu, tôi chọn nhan đề “Nhẹ Kiếp Nhân Sinh” vì tôi thấy cụm từ “kiếp nhân sinh” có vẻ “ăn khách vì hợp thời trang triết học hiện sinh” lắm. Trong đám bạn bè có người thích nhan đề này. Tuy vậy tôi vẫn thấy có cái gì không ổn và tôi nhíu mày bảo anh, “Nhưng nhan đề thiếu chữ Unbearable vốn quan trọng không kém và Kundera sẽ không vui nếu ông ta biết tớ bỏ một chữ của ông ấy, làm sao bây giờ? Hay là cậu cho tớ thêm chữ Khôn Kham vào thành Khôn Kham Nhẹ Kiếp Nhân Sinh nhá. Nghe như câu lục của bài thơ lục bát ấy. Được không?” “Xì, tựa sách gì mà dài như chợ Đệu, chẳng ma nào thèm mua đọc đâu.” Anh bạn tôi trề môi lắc đầu. Thế là sách có nhan đề mới “Đời Nhẹ Khôn Kham” như bạn thấy. Từ “nhân sinh” biến thành “đời” và Kundera, nếu biết, chắc chắn sẽ không vui bởi “being” với ông không phải là “đời sống”! Ngay cả “nhân sinh” hoặc “hiện tính”, “hiện hữu”, “hữu thể”, “thể tính”, “con người”, “thể chất”, “bản chất” và cả chục từ khác tôi tìm thấy trong các từ điển Anh-Việt cũng không thể nào phù hợp một cách xác thực với ý nghĩa Kundera muốn nói đến trong từ ngữ. Ông nói như sau về ý nghĩa của từ “being” dưới nhãn quan siêu hình của ông: “… Nếu sau khi chết chúng ta vẫn tiếp tục mơ, sau cái chết vẫn còn có cái gì đó thì cái chết không thể nào giải thoát chúng ta ra khỏi nỗi kinh khiếp của cái being.” Đúng ra, ông mượn câu độc thoại của Hamlet “To be or not to be” trong bi kịch Hamlet của Shakespeare. “…Hamlet đưa ra vấn nạn về cái being chứ không phải đời sống. Sự kinh khiếp của being là: Cái chết có hai mặt. Một mặt là cái non-being, mặt kia là sự hiện hữu vật thể ghê sợ của cái thây ma.”
Phải chi tôi được quyền dịch là “Khôn Kham Nhẹ Cái Bi-ing”! thì đỡ khổ cho tôi biết mấy. Thôi, tôi đành phụ lòng Kundera vậy. Nếu người dịch là kẻ bắc cầu giữa hai nền văn hóa thì cây cầu của tôi là cây cầu khỉ lắc la lắc lẻo băng qua đại dương đầy sóng dữ.-Còn tiếp một kỳ
* Blog 'Nguyễn Xuân Hoàng và Bạn hữu' là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
1.
Trước khi nói đến dịch thuật, bạn hãy cho phép tôi đưa ra một nhận định hết sức cơ bản và sơ đẳng như sau: Giữa bất kì hai ngôn ngữ dân tộc nào không hề hiện hữu sự đồng dạng cùng chia sẻ một hệ thống phối ngữ biến những kí hiệu ngôn từ hữu cơ thành những biểu hiệu có ý nghĩa. Nếu bạn chấp nhận đó là định đề hay nguyên lí đã được chứng minh thì tôi có thể rút ra một hệ luận dùng làm nguyên tắc chỉ đạo cơ bản cho công việc dịch thuật, đó là, nội dung một dịch phẩm ít nhiều có thể bị thêm, bớt, hoặc sai lệch với nguyên tác. Hầu hết các thể loại dịch thuật đều bị chi phối bởi nguyên tắc này, ít hơn ở sách giáo khoa, khoa học thường thức và nhiều hơn ở bình diện văn học. Nếu bạn đồng ý như thế, tôi có thể bảo dịch thuật văn học là sự tái tạo, hoặc sáng tác lại, một tác phẩm văn học để cho nó một đời sống mới.
Rất có khả năng nó sẽ tái hiện ở một “đời sống mới”. Bốn thành tố quyết định đời sống của tác phẩm là thời đại, nhà văn, tác phẩm và người đọc; một dịch phẩm hiển nhiên phải có riêng nó một đời sống mới bởi nếu dịch phẩm thành công thì chí ít năm mươi phần trăm những thành tố trên là mới. Đời sống mới này đôi khi còn rực rỡ, trường tồn hơn đời sống “cũ” của nguyên tác như trường hợp bản dịch Chinh Phụ Ngâm của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm; và, nhìn ở góc độ nào đó, Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du cũng là tác phẩm dịch.
Trên các diễn đàn văn học đã có khá nhiều những nhận định sâu sắc và giá trị về dịch thuật văn học. Tựu trung, có hai xu hướng: hoặc trung thành với văn bản của nguyên tác; hoặc đặt trọng tâm vào yêu cầu tiếp nhận của ngôn ngữ dịch. Theo tôi, ở thời đại của chúng ta, quan niệm đúng đắn phải là sự kết hợp chặt chẽ giữa hai xu hướng. Mặc dù những tôn chỉ chung chung như tín-đạt-nhã kềm chế người dịch, không cho hắn sa đà, nhưng người dịch không còn là kẻ “tra từ điển chuyên nghiệp” nữa. Có khoảng đất trống chừa cho hắn để hắn phô diễn nét tài hoa trong sáng tạo của mình. Câu hỏi được đặt ra là khoảng đất trống đó rộng rãi thong dong lắm không và có giới hạn nào không? Nếu bạn là Bùi Giáng thì không giới hạn nào có thể ngăn trở bạn được. Bạn có thể “tương” vào cả chục câu lục bát rất ư là Bùi Giáng ngay giữa mạch truyện của nguyên tác. Sự can thiệp tới hạn của người dịch như thế hiển nhiên có thể làm nhiều vị học giả nghiêm túc cau mày khó chịu. Riêng tôi, tôi thấy thú vị bởi tôi đang thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật chứ không phải một cuốn sách y học. Nhưng tôi không thể làm như Bùi Giáng, lẽ dễ hiểu bởi tôi không có văn tài độc đáo như ông. Nói như thế, dịch phẩm sẽ mang diện mạo của người dịch và điều đó góp phần không ít vào việc tiếp nhận của người đọc. Tôi không phủ nhận giá trị những dịch phẩm nghiêm chỉnh tuân thủ từng câu, từng chữ, từng dấu chấm dấu phết trong nguyên bản, nhưng tính Dionysian trong nghệ thuật bao giờ cũng hấp dẫn hơn, quyến rũ hơn và tôi sẵn sàng hi sinh cái chân lí tuyệt đối (đôi khi rất vô tích sự) để đổi lấy dăm ba nét linh diệu phù ảo của cái bất toàn.
2.
Song bạn có thể hỏi ngược lại tôi: “Đọc Mùi Hương Xuân Sắc, tôi đâu muốn đọc Bùi Giáng, tôi muốn đọc Sylvie của Gérard de Nerval cơ mà. Chỗ nào cũng thấy Bùi Giáng ‘lai rai phiêu hốt’ còn tác giả ra sao, văn phong như thế nào thì chẳng thấy đâu.”
Văn phong hay phong cách trong văn học là đề tài lớn, chúng ta từng nghe nhiều nhà phê bình nói đến. Tôi vốn dị ứng với lí thuyết văn học nên không dám nói gì ở đây ngoại trừ định nghĩa cơ bản của cụm từ “phong cách văn học.” Theo tôi, phong cách trong văn học giản dị là phương thức biểu đạt nghệ thuật, nó tiêu biểu cho bản sắc sáng tạo của nhà văn. Nó chính là nghệ thuật của sáng tạo. Nhìn rộng hơn, các nghệ sĩ lớn qua mọi thời đại đều có riêng cho mình cái phong cách đặc trưng này và nó có yếu tính như một dấu ấn khắc họa chân dung nhà nghệ sĩ. Claude Debussy và Maurice Ravel sinh cùng thời, đều là người Pháp, cùng sáng tác dưới luồng sáng của nhạc phái Ấn tượng, nhưng nhạc của hai ông khác nhau lắm, người nghe không thể nào lẫn lộn được. Đó là nhờ mỗi ông đều thành công trong việc tự tạo cho mình cái dấu ấn đặc trưng. Đôi lúc tôi nghĩ nghệ thuật phải chăng chỉ có thế, kẻ thành công lưu danh muôn thuở chẳng qua chỉ là kẻ có cái tài năng vượt trội biết sáng tạo nên cái khác thường, độc đáo, mà sau khi công bố người đời nhìn vào đều phải bật ngửa, ngẩn ngơ thốt lên, “Ủa, có dzậy thôi mà hồi nào đến giờ mình hổng thấy cà?”
Phong cách trong văn học định đoạt tiềm năng nghệ thuật của tác phẩm. Gustave Flaubert bỏ ra năm năm trời để viết cuốn Madame Bovary. Tác phẩm ra đời đánh dấu khúc quành quan trọng trong văn học Pháp tiền bán thế kỉ XIX. Ngoài sự kiện nó là cuốn tiểu thuyết “tâm lí” đầu tiên, chính phong cách nghệ thuật của nó, nội dung cũng như hình thức, đã khiến nó được công chúng nồng nhiệt đón nhận. Baudelaire bảo sau Balzac chính Flaubert là người bứt phá, đập tan cái trì trệ của văn học Pháp lúc đó.
Nghệ thuật nằm ở cái “thần” của tác phẩm. Nắm bắt cái “thần” đó trong nghệ thuật rồi tái tạo nó ở một tính thể khác, theo tôi, không phải là chuyện bất khả nhưng nó đòi hỏi tài năng và sức làm việc khủng khiếp lắm. Tôi đang nghĩ đến tác phẩm tiểu thuyết Lolita của văn hào Vladimir Nabokov. Trong tác phẩm tiểu thuyết này Nabokov thuật một câu chuyện vô luân bằng thứ ngôn từ phải nói là linh diệu. Cú pháp và thủ pháp sử dụng Anh ngữ của ông kể như vào hàng cao thủ thượng thừa, chí ít cũng mười hai thành công lực. Tiếng Việt của tôi cũng phải linh diệu như tiếng Anh của Nabokov để dịch tác phẩm này, nếu không, tôi sẽ giết Nabokov mất vì tôi biến tác phẩm nghệ thuật của ông thành chuyện dâm ô! Nhưng cái vi tế trong mỗi từ tiếng Anh, liệu tôi có thể tìm thấy nét tương đương trong tiếng Việt không? Căn cứ vào định đề đặt ra ở phần vào nhập của bài viết, câu trả lời là không và có lẽ tôi sẽ không công bằng với Nabokov chút nào. Văn phong của Nabokov chính là cái linh diệu của ngôn từ ông sử dụng trong ứng tác nghệ thuật. Thế nhưng nếu chỉ với bút pháp dịch thuật linh diệu thôi thì đã đủ để lột tả phong cách văn học (nghệ thuật) của Nabokov chưa? Tôi không biết bạn ạ, bởi nó thuộc về cái bất khả tư nghì mất rồi, tôi phải dùng trực giác để định đoạt thôi và chưa chắc tôi đã thành công. Chữ nghĩa nằm nơi tầng thứ nhất của tác phẩm, tầng thấp nhất, dễ tiếp cận nhất và cũng dễ chuyển dịch nhất; sang tầng thứ hai, tầng chứa đựng cảm xúc, nếu khéo léo và với nỗ lực tối đa, có thể tôi nắm bắt được; nhưng đến tầng thứ ba, tầng cao nhất, nơi cái “thần” của tác phẩm ẩn nấp, của cái bất khả tư nghì thì tôi chỉ có cách dùng trực giác mình để “tùy cơ ứng biến” mà thôi.
3.
Traduttore, traditore—dịch là phản. Dĩ nhiên, giữa hai nền văn hoá bao giờ cũng hiện hữu những giá trị tương phản gần như nghịch lí, nhưng càng ngày, do sự toàn cầu hoá cộng thêm sự bùng nổ của Internet, tính tương phản ấy càng thu nhỏ. Hơn nữa, từ lâu tôi đã không xem ý nghĩa của nó là chân lí. Ngược lại là đằng khác, bởi nó có tính thời thượng. Với tôi, nó chỉ có tác dụng cảnh báo người dịch phải cẩn trọng tối đa bởi muôn vàn cạm bẫy cùng hầm hố lúc nào cũng túc trực chờ đón người dịch để chôn vùi hắn nếu hắn cẩu thả, không chịu khó tìm hiểu thấu đáo văn bản nguyên tác trước khi hạ bút. Tín-đạt-nhã. Ba tôn chỉ người Trung quốc đặt ra cho công việc dịch thuật, tưởng đơn giản nhưng quả thật không dễ dàng và con đường người dịch chọn lựa cho mình đi không rộng rãi bằng phẳng chút nào.
Cách đây ít lâu tôi bạo gan dịch và xuất bản cuốn tiểu thuyết The Unbearable Lightness of Being của nhà văn Tiệp Khắc Milan Kundera. Thoạt nhìn vào nhan đề cuốn sách, hiển nhiên vấn đề quan trọng và gay go nhất cho người dịch là làm thế nào để dịch từ “being” cho chuẩn và hay. Tôi đã mất khá nhiều thời gian suy nghĩ tìm kiếm một từ tiếng Việt thích hợp cho nhan đề của bản dịch. Khi tác phẩm khởi đăng nhiều kì trên tạp chí Hợp Lưu, tôi chọn nhan đề “Nhẹ Kiếp Nhân Sinh” vì tôi thấy cụm từ “kiếp nhân sinh” có vẻ “ăn khách vì hợp thời trang triết học hiện sinh” lắm. Trong đám bạn bè có người thích nhan đề này. Tuy vậy tôi vẫn thấy có cái gì không ổn và tôi nhíu mày bảo anh, “Nhưng nhan đề thiếu chữ Unbearable vốn quan trọng không kém và Kundera sẽ không vui nếu ông ta biết tớ bỏ một chữ của ông ấy, làm sao bây giờ? Hay là cậu cho tớ thêm chữ Khôn Kham vào thành Khôn Kham Nhẹ Kiếp Nhân Sinh nhá. Nghe như câu lục của bài thơ lục bát ấy. Được không?” “Xì, tựa sách gì mà dài như chợ Đệu, chẳng ma nào thèm mua đọc đâu.” Anh bạn tôi trề môi lắc đầu. Thế là sách có nhan đề mới “Đời Nhẹ Khôn Kham” như bạn thấy. Từ “nhân sinh” biến thành “đời” và Kundera, nếu biết, chắc chắn sẽ không vui bởi “being” với ông không phải là “đời sống”! Ngay cả “nhân sinh” hoặc “hiện tính”, “hiện hữu”, “hữu thể”, “thể tính”, “con người”, “thể chất”, “bản chất” và cả chục từ khác tôi tìm thấy trong các từ điển Anh-Việt cũng không thể nào phù hợp một cách xác thực với ý nghĩa Kundera muốn nói đến trong từ ngữ. Ông nói như sau về ý nghĩa của từ “being” dưới nhãn quan siêu hình của ông: “… Nếu sau khi chết chúng ta vẫn tiếp tục mơ, sau cái chết vẫn còn có cái gì đó thì cái chết không thể nào giải thoát chúng ta ra khỏi nỗi kinh khiếp của cái being.” Đúng ra, ông mượn câu độc thoại của Hamlet “To be or not to be” trong bi kịch Hamlet của Shakespeare. “…Hamlet đưa ra vấn nạn về cái being chứ không phải đời sống. Sự kinh khiếp của being là: Cái chết có hai mặt. Một mặt là cái non-being, mặt kia là sự hiện hữu vật thể ghê sợ của cái thây ma.”
Phải chi tôi được quyền dịch là “Khôn Kham Nhẹ Cái Bi-ing”! thì đỡ khổ cho tôi biết mấy. Thôi, tôi đành phụ lòng Kundera vậy. Nếu người dịch là kẻ bắc cầu giữa hai nền văn hóa thì cây cầu của tôi là cây cầu khỉ lắc la lắc lẻo băng qua đại dương đầy sóng dữ.-Còn tiếp một kỳ
* Blog 'Nguyễn Xuân Hoàng và Bạn hữu' là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.