Đường dẫn truy cập

Điện thoại di động, máy tính bảng và phong trào đòi tự do ngôn luận tại Việt Nam


Số bán điện thoại thông minh và máy tính bảng tăng vọt tại Việt Nam có thể thúc đẩy phong trào đòi bảo vệ quyền tự do internet.

Đó là tựa một bài báo đăng trên tờ Wall Street Journal hôm nay. Bài báo nói rằng từng là hiện trường của cuộc đầu tiên chiến tranh được truyền hình đi khắp thế giới, Việt Nam ngày nay là một trong những điểm nóng tăng trưởng của mạng di động.

Số bán các điện thoại Android và máy tính bảng của hai đại công ty Apple và Google tăng hơn gấp 3 hồi năm ngoái, theo công ty phân tích thị trường Flurry có trụ sở tại San Francisco.

Đà tăng trưởng này được coi là nhanh nhất trên thế giới, chỉ đứng sau Colombia.

Nhưng trong khi việc sử dụng điện thoại di động và máy tính bảng rất phổ biến trên các đường phố Việt Nam, tờ Wall Street Journal nói rằng Việt Nam cũng là một trong những nơi nguy hiểm nhất đối với người sử dụng internet.

Theo Tổ chức Ký giả Không biên giới, có tới 35 blogger và dân mạng đang bị cầm tù tại Việt Nam về các tội tuyên truyền chống nhà nước, nhiều người bị tuyên án tù dài lên tới 13 năm vì đã tải bài viết hoặc vì các trang blog của họ.

Bài báo nói rằng con số những người bị cầm tù vì sử dụng internet tại Việt Nam chỉ thua số người bị cầm tù vì lý do tương tự tại Trung Quốc.

Mới đây, giới lãnh đạo Việt Nam cho hay họ đang có các biện pháp để xử lý sự tăng vọt các dịch vụ nhắn tin qua mạng như Viber, WhatsApp và Line.

Một số các blogger trong nước đã phản ứng bằng cách vận động chống lại việc Việt Nam xin gia nhập Hội Đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào cuối năm nay.

Cụ thể, họ chống đối Điều 258 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam, mà họ cho là buộc tội các hoạt động bị nhà nước gán là “tuyên truyền chống nhà nước” hay “quấy rối dân chủ.”

Mới đây, Việt Nam đã bắt đầu thi hành nghị định 72 hạn chế các dịch vụ thông tin internet. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Ban Việt ngữ-VOA, Giám đốc phụ trách ban Á Châu-Thái bình dương của Tổ chức Ký giả Không biên giới Benjamin Ismail đặt nghi vấn về khả năng của Việt Nam có thể kiềm hãm sự phát triển của mạng internet bằng nghị định 72. Ông nói:

“Chúng tôi vẫn nghi ngờ các khả năng kỹ thuật của chính quyền Việt Nam trong việc thi hành một nghị định như thế, nhưng ít nhất nghị định này có thể ngăn cản một số blogger và dân mạng phổ biến thông tin hoặc đưa ra những lời bình luận tự do và độc lập, và do đó, nghị định này sẽ gây tê liệt và tạo một bầu không khí sợ hãi, giữa lúc các biện pháp kiểm duyệt được tăng cường trong nước.”

Anh Trịnh Anh Tuấn, một blogger 25 tuổi, nói “chúng tôi không vi phạm luật nào cả. Chúng tôi chỉ muốn có một cuộc tranh luận về mạng internet, không có gì khác hơn. Nhưng điều 258 đã ngăn cản chúng tôi làm việc đó.”

Cho tới nay, hơn 100 blogger Việt Nam đã ký vào bản tuyên bố chống Điều 258, và nhắm tận dụng việc Việt Nam xin gia nhập Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc để đòi Bộ Chính trị nới lỏng những hạn chế đối với việc sử dụng mạng Internet.

Blogger Tuấn và nhiều thành viên khác của Mạng lưới Blogger Việt Nam chống điều 258 nói họ thừa nhận những khó khăn trong cuộc vận động đó, bởi vì thành tích nhân quyền tệ hại ít khi gây trở ngại trong cuộc vận động để được bầu vào Hội Đồøng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Trong số các nước ứng viên năm nay có Trung Quốc và Nga, trong khi Libya, Kazakhstan và Congo hiện là thành viên của Hội đồng này.

Tuy nhiên tờ The Wall Street Journal nói có dấu hiệu cho thấy chính quyền Việt Nam có thể giảm thiểu mức độ khắc nghiệt của chiến dịch chống giới blogger bất đồng, vì lo ngại về hình ảnh của Việt Nam trước con mắt của quốc tế.

Hoa Kỳ và các chính quyền khác đã cực lực đả kích các hạn chế internet tại Việt Nam, trong khi các công ty Google và Facebook lo ngại rằng những biện pháp hạn chế internet có thể cản trở đà phát triển của các doanh nghiệp dựa trên mạng internet.

Tờ Wall ST. Journal nói rằng sự phát triển nhanh chóng của Internet tại Việt Nam, qua việc sử dụng điện thoại thông minh và máy tính bảng đang gây áp lực đối với giới lãnh đạo tại nhiều nước Á Châu.

Tờ báo dẫn lời Giaó sư Carlyle Thayer thuộc Học Viện Quốc Phòng Australia, nói rằng việc Việt Nam trả tự do cho một nhà hoạt động trẻ bất đồng chính kiến, Nguyễn Phương Uyên và giảm bản án tù đối với Đinh Nguyên Kha, là một động thái có thể giúp Hà nội chiếm được chiếc ghế tại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, trong khi xoa dịu căng thẳng với Hoa Kỳ, đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Giáo sư Thayer nói “Nhân quyền có tiềm năng là điểm yếu của Việt Nam, đặc biệt trong các quan hệ với Hoa Kỳ.”

Nguồn: Wall St. Journal, VOA Interview

VOA Express

XS
SM
MD
LG